Nhìn lại một năm thăng trầm của thịt lợn trên thị trường

authorHòa Lê 16:27 20/01/2020

(VietQ.vn) - Những ngày cuối năm, giá thịt lợn leo thang, người chăn nuôi lãi gấp đôi so với giá thành sản xuất. Nhưng có một thực tế đáng buồn, đó là đa số hộ chăn nuôi đã không còn lợn để bán.

Giá thịt lợn khi giảm sâu lúc tăng phi mã

Năm 2019 có thể coi là năm mà ngành chăn nuôi lợn có nhiều biến động nhất khi giá thịt lợn biến đổi không ngừng.

Tháng 5/2019 khi dịch dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, đã lây lan ra 48 tỉnh thành. Nhiều hộ chăn nuôi sợ dịch nên bán chạy lợn khiến nguồn cung tăng đột biến, giá giảm mạnh. Đặc biệt, tại miền Bắc giá thịt lợn có nơi giảm chỉ còn 28.000 đồng/kg.

Ở thời điểm này tại miền Bắc, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tiên nên giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm xuống mức thấp nhất cả nước. Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng tại Phú Thọ và Tuyên Quang chỉ còn 29.000 đồng/kg,Thái Bình còn 31.000 đồng/kg và Yên Bái, Lào Cai còn 32.000 đồng/kg.

Các địa phương còn lại như Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định giá thịt lợn hơi xuất chuồng cũng chỉ dao động trong khoảng 28.000-31.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng 4.

Tương tự, giá lợn hơi tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế giảm 11.000 đồng/kg xuống 29.000 đồng/kg; Đắk Lắk giảm 10.000 đồng/kg xuống 32.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định lợn hơi được thu mua trong khoảng 28.000 - 31.000 đồng/kg, giảm 9.000-10.000 đồng/kg. Từ Quảng Nam trở vào tới Bình Thuận, giá lợn hơi đạt mức 37.000 - 39.000 đồng/kg. Khu vực Tây Nguyên, giá khoảng 32.000 đồng/kg.

‘Bỏ túi’ những nguyên tắc tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết Canh Tý 2020

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến

Do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tính đến tháng 11/2019 đàn lợn cả nước giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước. Điều này khiến cho giá thịt lợn vọt tăng cao. Theo đó, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019). Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đ/kg).

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến cho biết diễn biến dịch tả heo châu Phi ở các nước xung quanh Việt Nam như Philippines, Indonesia… vẫn phức tạp, tỉ lệ chết cao, giá thịt heo vẫn còn gay gắt khi cung cầu chưa có sự cân đối. Ông Tiến cho biết thêm, hiện tại không riêng gì Việt Nam mà giá thịt trên toàn thế giới tăng. Đặc biệt là các nước trong khu vực như Trung Quốc, giá thịt lợn ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg, có nơi 300.000 đồng/kg.

Chuyện của người chăn nuôi

Chỉ trong thời gian ngắn, giá lợn hơi tại Đồng Nai đang được thương lái thu mua với giá dao dộng từ 75.000-78.000 đồng/kg, cao hơn mức đỉnh điểm của năm 2011 từ 8.000-9.000 đồng/kg tiếp tục được đẩy lên từng ngày, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đã được đẩy lên mức trên dưới 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi lãi gấp đôi so với giá thành sản xuất. Nhưng có một thực tế đáng buồn, đó là đa số hộ chăn nuôi đã không còn lợn để bán.

May mắn hơn nhiều hộ chăn nuôi khác, chuồng lợn có hơn 70 con bà Trịnh Thị Chín (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) sau khi dịch tả châu Phi quét qua chỉ khiến 20 con chết rồi tự nhiên không chết nữa. Lực lượng thú y địa phương đến quan sát rồi cũng không kết luận được gì ngoài suy đoán là do hệ miễn dịch của những con lợn còn sót lại tốt hơn những con đã chết.

Số còn lại, bà nuôi cầm cự bán dần dần. Mấy con cuối cùng bà mới bán cách nay một tuần, trọng lượng mỗi con chừng hơn tạ, thương lái trả giá dứt khoát 10 triệu đồng/con, không cần cân. Tính ra là gần 100.000 đồng một ký heo hơi.

‘Bỏ túi’ những nguyên tắc tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết Canh Tý 2020

 Có một thực tế đáng buồn, đó là dù thịt lợn được thu mua với giá cao nhưng đa số hộ chăn nuôi đã không còn lợn để bán

Dù bán lợn với giá gần 100.000 đồng/kg nhưng bán xong thì bà Chín đành bỏ chuồng không. Bởi đến thời điểm này, chính quyền và ngành chức năng địa phương vẫn đang duy trì khuyến cáo các hộ nuôi lợn không được tái đàn vì dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tại huyện Châu Thành, nơi có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh Đồng Tháp trước khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi, một số hộ nuôi nóng ruột tái đàn sớm đã tiếp tục chịu thiệt hại. Nhiều hộ tự phát tái đàn (với tổng số hàng trăm con) sau đó đã bán tháo.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi đang lập kỷ lục của ngành chăn nuôi từ trước đến nay và đây không phải là giá ảo mà là giá thực tế bởi lượng lợn thịt hiện còn lại rất ít. Số lợn đang nuôi tại trang trại nhỏ lẻ trong dân ở Đồng Nai gần như không còn. Hiện tổng đàn lợn của người dân trên địa bàn đã giảm khoảng 80% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Do đó, để gom hàng, các thương lái buộc phải đẩy giá thu mua lên cao hơn giá của các công ty chăn nuôi.

Dù giá lợn hơi xuất chuồng rất cao, nhưng việc tái đàn lợn sau đại dịch cũng chưa được người dân mạnh dạn đầu tư trở lại. Bà Võ Thị Tần, một hộ chăn nuôi tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất cho hay, dịch tả lợn châu Phi đã khiến hộ của bà phải tiêu hủy hơn 600 con lợn, đến nay vẫn chưa dám tái đàn. Những trại chăn nuôi của các hộ còn trụ lại được hiện cũng chỉ ở mức trên dưới 200 con, nhưng trọng lượng còn nhỏ, chưa đến kỳ xuất chuồng nên đa số không có lợn thịt để bán thời điểm này. Ước tính, số lượng lợn thịt Tết năm nay ở Đồng Nai cung cấp ra thị trường chỉ còn đạt khoảng 253.000 tấn, bằng 60% so với Tết năm ngoái.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang