Nhìn lại sự kiện khủng bố 11/9 trong ngày đen tối nhất của nước Mỹ

author 06:36 11/09/2014

(VietQ.vn) - Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ khoảnh khắc Tòa Tháp Đôi của Trung tâm thương mại thế giới đổ xuống sau sự kiện khủng bố ngày 11/9 nhưng dường như, những nỗi đau và ký ức kinh hoàng về ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ vẫn chưa hề nguôi.

Ngày 11/9/2001 đã trở thành ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ khi khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ và lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York – mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. 

Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, cách Pittsburgh 129 km (80 dặm) về phía Đông, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.

Vụ tấn công vào Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) hôm 11/9/2001

Vụ tấn công vào Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) hôm 11/9/2001. Ảnh minh họa

Nếu không tính 19 không tặc, có tất cả 2.974 người thiệt mạng với độ tuổi từ 2 – 85 tuổi trong vụ tấn công, và 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết. 75 – 80% số người tử vong là nam giới. Trong số những người thiệt mạng có 343 lính cứu hỏa, 23 cảnh sát và 37 nhân viên nhà nước. 

Tại Lầu Năm Góc ở Washington, 184 người đã thiệt mạng khi nhóm khủng bố cho máy bay mang mã hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines đâm sầm vào tòa nhà. Gần Shanksville, Pennsylvania, 40 hành khách và thành viên phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay 93 của hãng United Airlines đã thiệt mạng khi máy bay đâm xuống một cánh đồng.

Theo nhiều nguồn tin, nhóm khủng bố đã buộc phải đâm máy bay xuống cánh đồng Shanksville thay vì mục tiêu định trước sau những nỗ lực giành lại quyền kiểm soát máy bay của các hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Người dân Mỹ đoàn kết hơn trong sự kiện khủng bố 11/9

Người dân Mỹ đoàn kết hơn trong vụ khủng bố 11/9. Ảnh minh họa

Nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ 13 sự kiện 11/9, tờ CNN đã tổng hợp lại những mốc thời gian đáng nhớ (theo giờ địa phương) trong vụ khủng bố gây chấn động toàn thế giới này.

- 8h46 ngày 11/9: Máy bay American Airlines 11 (bay từ Boston tới Los Angeles) đâm vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm thương mại thế giới ở New York.

- 9h03 ngày 11/9: Máy bay United Airlines 175 (bay từ Boston tới Los Angeles) đâm vào tòa tháp phía nam của Trung tâm thương mại thế giới tại New York.

- 9h37 ngày 11/9: Máy bay American Airlines 77 (bay từ Dulles, Virginia tới Los Angeles) đâm vào Lầu Năm Góc ở Washington.

- 9h59 ngày 11/9: Tòa tháp phía nam của Trung tâm thương mại thế giới đổ sụp chỉ trong khoảng 10 giây.

- 10h03 ngày 11/9: Máy bay United Airlines 93 (bay từ Newark, New Jersey tới San Francisco) đâm xuống một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania.

 

- 10h28 ngày 11/9: Tòa tháp phía bắc của Trung tâm thương mại thế giới sập xuống. Thời gian giữa cuộc tấn công đầu tiên và khoảng khắc các tòa tháp của Trung tâm thương mại thế giới sập xuống là 102 phút.

- Ngày 13/12/2001: Chính phủ Mỹ công bố một đoạn băng ghi lại cảnh trùm khủng bố Osama Bin Laden là kẻ đứng đằng sau vụ tấn cống.

- Ngày 18/12/2001: Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép tổng thống chọn ngày 11/9 là “Ngày yêu nước”.

Bên cạnh những thiệt hại về người, sự kiện khủng bố 11/9 còn giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Mỹ:

- 123 tỉ USD là thiệt hại kinh tế ước tính trong 2 – 4 tuần đầu tiên kể từ khi Tòa tháp đôi đổ sập cũng như những tổn thất của ngành hàng không vài năm sau đó.

Những nỗi đau về vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vẫn hằn sâu trong trái tim người dân Mỹ

Những nỗi đau về vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vẫn hằn sâu trong trái tim người dân Mỹ. Ảnh minh họa

- 60 tỉ USD là thiệt hại ước tính ở khu vực Tòa tháp đôi đổ xuống, bao gồm các toàn nhà nhỏ xung quanh, cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông, tàu điện ngầm.- 40 tỉ USD là số tiền mà Quốc hội Mỹ chi cho chiến dịch chống khủng bố khẩn cấp từ ngày 14/9/2001.

- 15 tỉ USD là số tiền Quốc hội Mỹ viện trợ cho các hãng máy bay chịu thiệt hại trong vụ khủng bố.

- 9,3 tỉ USD là số tiền bảo hiểm phát sinh sau cuộc tấn công ngày 11/9.

Bên cạnh đó, khoảng 3,1 triệu giờ lao động và chi phí 750 triệu USD đã được chi cho quá trình dọn dẹp khu Tháp Tự do (Ground Zero) – nơi mà Tòa tháp đôi đã đổ xuống.

Chiếc vòng tay thuộc về người lính cứu hỏa đã ngã xuống trong cuộc tấn công 11/9

Chiếc vòng tay thuộc về người lính cứu hỏa đã ngã xuống trong cuộc tấn công 11/9. Ảnh minh họa

Hơn một thập kỷ đã qua đi nhưng người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng và nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên trong lòng họ mỗi khi nhớ về sự kiện 11/9/2001. Sau vụ khủng bố ngày 11/9, người dân Mỹ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, từ bất ngờ, sửng sốt, đến choáng váng, căm giận và đoàn kết. Kể từ đó, nước Mỹ cũng có nhiều sự thay đổi lớn.

13 năm sau ngày Tòa tháp đôi đổ xuống, nước Mỹ lại tổ chức ngày lễ tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong sự kiện khủng bố 11/9. Theo tin tức từ tờ CNN, chiếc vòng tay kim loại của một người lính cứu hỏa hi sinh trong vụ khủng bố đã tình cờ được tìm thấy sau hơn chục năm và trao trả lại cho gia đình nạn nhân như một kỷ vật từ thiên đường dành cho lễ tưởng niệm sự kiện 11/9 năm 2014.

Minh Thùy

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang