NHNN đang "giúp" các ngân hàng xấu tiếp tục xấu

author 08:00 19/07/2013

Theo ông Bùi Kiến Thành - chuyên gia tài chính, với thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thay vì làm sạch hệ thống NHTM, NHNN đã đẩy lại vấn đề để giải quyết trong 5 năm.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

 

- Ông có thể giúp dư luận hiểu rõ hơn về thực chất của việc thành lập công ty Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)?

Cả hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) đang có lượng nợ xấu khổng lồ. Thông thường, ở các nước, số nợ xấu thể hiện khoảng 1% trên tổng dư nợ đã bị coi là nhiều, đến 2% là báo động, 3% là trường hợp ngoại lệ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, khi phát biểu về nợ xấu của hệ thống NHTM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi thì nói là 10%, khi 8%, khi thì 6,8%, có những NHTM có số nợ xấu, nợ khó đòi lên tới 40-50% tổng dư nợ do các lãnh đạo ngân hàng cho vay với nhau. Nói chung, số ngân hàng có nợ xấu vượt qua vốn điều lệ không ít.

- Phải làm như thế nào với những ngân hàng như thế?

Tháng 1/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra Thông tư 02 buộc NHTM thông thoáng, trung thực sắp xếp các khoản nợ xấu, nợ khó đòi và khai báo vào ngày 30/6/2013. Nhưng các NHTM đã vận động hoãn thời hạn công khai nợ xấu sang tháng 6/2014 bởi nếu phải công bố con số đó thì có thể sẽ phải tuyên bố phá sản ngay.

Trước tình hình như vậy, Chính phủ ra quyết định thành lập VAMC, một hoạt động của VAMC là mua nợ xấu của các ngân hàng. Phương thức chính là trả bằng tín phiếu của NHNN không lãi suất trong thời hạn 5 năm.

Mỗi năm NHTM phải trích lập dự phòng 20%, theo đó, trong 5 năm sẽ trả được hết nợ xấu. NHTM có thể mang tín phiếu tới NHNN để vay tái cấp vốn, với điều kiện phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm (trong 5 năm sẽ trả hết nợ). Bằng cách ôm hết nợ xấu của các NHTM, NHNN giúp làm sạch báo cáo tài chính, tạo thanh khoản để các NHTM trở lại hoạt động bình thường.

Như vậy, có thể hiểu, thay vì làm sạch hệ thống NHTM, loại bỏ những ngân hàng kinh doanh yếu kém, bê bết ngay, NHNN đã đẩy lại vấn đề để giải quyết trong 5 năm.

- Thưa ông, trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, liệu còn cách nào khác, tốt hơn, để xử lý vấn đề nợ xấu của hệ thống NHTM không?

Ở Việt Nam, hoạt động cho vay nợ tuyệt đại đa số có tài sản thế chấp, khi giải chấp có thể bán tài sản, thu hồi nợ. Có nghĩa là, người ta có thể mang bán đấu giá nợ xấu theo phương thức thuận mua vừa bán, nói nợ xấu ở Việt Nam không phải xấu 100% là vậy.

Tuy nhiên, phương thức xử lý này lại vấp phải hai cái khó như sau:

- NHTM không muốn bán tài sản thế chấp vì bị ép giá. Nếu bán với giá rẻ, NHTM sẽ phá sản do số tài sản thu hồi không đảm bảo được tính thanh khoản. Trong khi đó, nếu không xử lý được số nợ xấu, ngân hàng sẽ không thể hoạt động được và chắc chắn sẽ phá sản.

- NHNN có thể mua nợ xấu và giải quyết thay các NHTM nhưng hai bên không định giá được. Vì thế, nên NHNN mới mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ và trả bằng tín phiếu. Thực chất, vẫn có những phương cách khác để xử lý nhưng uyển chuyển chừng nào thì khả năng tiêu cực nhiều chừng ấy.

Tóm lại, NHNN lựa chọn cách thức đứng ra bảo lãnh cho NHTM, ôm hết nợ xấu để hệ thống NHTM không đổ vỡ, lùi thời hạn giải quyết câu chuyên nợ xấu trong vòng 5 năm. Điều này cũng phù hợp với chủ trương được Chính phủ Việt Nam tuyên bố nhiều lần, Việt Nam sẽ không để cho một ngân hàng nào phá sản.

- Phải lý giải chủ trương "không để một ngân hàng nào phá sản" của Việt Nam như thế nào? Đó có phải là cách làm theo thông lệ quốc tế không, thưa ông?

Ở các nước khác, ngân hàng nào làm việc sai quy định, tự tạo ra nợ xấu và không có khả năng thanh toán được số nợ xấu ấy sẽ phải tuyên bố phá sản.

Câu chuyện ở Việt Nam thì không đơn giản như vậy. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 49 ngân hàng cổ phần, trong đó 10 ngân hàng hoạt động tương đối tốt, 5 ngân hàng hoạt động khá, còn lại 34 ngân hàng được xếp vào nhóm hoạt động yếu kém.

Bảo hiểm cho mỗi tài khoản trong trường hợp ngân hàng phá sản là 50 triệu đồng. Nếu gửi 5 tỷ hay 50 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn, công ty bảo hiểm hoạt động ngân hàng chỉ chi trả số tiền được bảo hiểm là 50 triệu đồng, còn lại chủ tài khoản mất trắng.

Có thể suy luận rằng, trước khi một ngân hàng nào tuyên bố phá sản, người dân sẽ ùn ùn kéo tới để rút tiền ra. Những người lãnh đạo không muốn để xảy ra và phải giải quyết tình huống đó. Việt Nam đang mua thời gian để sắp xếp lại hệ thống NHTM bởi, nếu mạnh tay quá thì sẽ đổ vỡ.

- Là một chuyên gia về tài chính ngân hàng, ông có tư vấn gì cho lãnh đạo NHNN và Chính phủ Việt Nam không, thưa ông?

Giờ NHNN đang tạo điều kiện cho các ngân hàng xấu tiếp tục xấu trên lưng của mình. Các NHTM hoạt động yếu kém đang được tiếp tế tiền để cho vay, cũng không có quy định gì trong nghị định về VAMC nói rõ ngân hàng thương mại nhận tiền vay tái cấp vốn bắt buộc phải làm gì và không được làm gì.

Không có gì đảm bảo các ngân hàng không tiếp tục vi phạm pháp luật như tiếp tục cho các cổ đông lớn vay, đầu tư vào các lĩnh vực tạo thêm nợ xấu ví dụ như bất động sản hay chứng khoán...

Trách nhiệm của NHNN là phải thực hiện quyền thanh tra, thẩm tra của mình. Từ mấy năm nay, NHNN làm việc đó như thế nào mà để xảy ra bao nhiêu những nợ xấu, bây giờ phải nhìn nhận và sửa đổi ngay đi.

Đồng thời, NHNN phải thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đã có chủ trương từ 2 năm nay. Bước đầu tiên đã phân loại được 15 ngân hàng tốt, và 9 ngân hàng kém tệ hại (trong nhóm 34 ngân hàng yếu kém), giờ phải tính cách xử lý các ngân hàng kém tệ hại đó đi.

NHNN hãy thông tin thông thoáng cho nhân dân biết, ngân hàng nào đang hoạt động hiệu quả , ngân hàng nào lợi dụng giấy phép ngân hàng để cho nhau vay. Người dân sẽ biết và chuyển tiết kiệm sang những ngân hàng hoạt động tốt hơn. Rồi sau đó, NHNN khoanh vùng, cách ly, tỉa từng cái, từng cái một.

Với 25 ngân hàng còn lại, NHNN theo dõi, sắp xếp, ngân hàng nào tốt thì giúp thêm để hoạt động tốt hơn, ngân hàng nào kém thì tính phương án sáp nhập, hoặc cho phá sản. Làm sao để số ngân hàng thương mại co lại từ 49 như hiện nay, còn thành 20 hay 15 ngân hàng nhưng đều là những ngân hàng hoạt động tương đối tốt.

NHTM và NHNN thật sự hợp tác với nhau để tạo ra một hệ thống ngân hàng hoạt động đúng chuẩn. Đội ngũ lãnh đạo hiện nay cũng phải sửa đổi phương thức làm việc, đồng thời phải tìm ra người đủ tầm và đủ tâm để quyết tâm thay đổi căn bản hệ thống ngân hàng.

Nếu NHNN tiếp tục không làm hết chức năng nhiệm vụ dẫn tới đổ vỡ hệ thống ngân hàng thì NHNN và cao hơn nữa là Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân và trước lịch sử. Vì vậy, những chuyện chưa làm được trong mười mấy năm nay thì trong 5 năm sắp tới phải cố làm cho bằng được.

- Xin cảm ơn ông

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang