Mặt hàng xe đạp 'sốt sình sịch' giữa đại dịch, mỗi ngày bán hơn 200 chiếc

author 09:11 16/06/2021

(VietQ.vn) - Trong khi nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì thị trường xe đạp lại nổi lên như một điểm sáng. Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam, có cửa hàng bán đến 200 chiếc xe đạp một ngày.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các trung tâm thể dục thể thao tại Hà Nội được yêu cầu đóng cửa để phòng dịch. Nhu cầu sử dụng xe đạp tăng cao khiến thị trường trở lên "hot" giữa đại dịch đối lập với nghịch cảnh nhiều mặt hàng ế ẩm. Thậm chí, theo khảo sát của phóng viên, nhiều cửa hàng ghi nhận số lượng xe bán ra tăng mạnh, có thời điểm "cháy hàng" bởi “cung không đủ cầu”.

Có thể thấy, hoạt động đạp xe của người dân trên các cung đường Thủ đô nhất là khu vực hồ Tây diễn ra thường xuyên, nhất là vào ngày cuối tuần. Với nhiều người dân, việc đạp xe giúp cho họ vận động cơ thể mà vẫn tuân thủ quy định phòng dịch như thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang. 

Chị Nguyễn Thị Dung, một người dân sinh sống tại Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình chị thường xuyên tập thể dục tại các phòng gym. Tuy nhiên, khi phòng gym đóng cửa, thời gian đầu chị tập thể dục tại nhà nhưng không gian chật chội khiến các bài tập không được thoải mái. Sau đó, gia đình chị đã mua xe đạp và thường xuyên sử dụng đạp xe quanh các khu phố gần nhà.

"Từ ngày mua xe đạp gia đình tôi thường xuyên sử dụng phương tiện này để đi làm. Ngày thường đạp xe quanh nhà, cuối tuần thì đi xa hơn, đạp xe một vòng hồ Tây chẳng hạn. Từ ngày mua và sử dụng phương tiện này tôi thấy sức khỏe tốt hơn và tập được thói quen đạp xe đi làm", chị Dung cho biết.

Nhờ dịch bệnh mỗi ngày bán hơn 200 chiếc xe đạpNhờ dịch bệnh mỗi ngày bán hơn 200 chiếc xe đạp

 Xe đạp trở thành mặt hàng "đắt như tôm tươi" giữa mùa dịch.

Tại nhiều cửa hàng, việc mua bán xe đạp trở nên sôi động. Tình trạng "cháy hàng" thường xuyên diễn ra do số lượng xe không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Anh Hùng - nhân viên một cửa hàng bán xe đạp trên đường Dương Quảng Hàm - Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện tại, loại xe địa hình được bán chạy nhất. Bởi đây là loại xe phù hợp từ học sinh đến người lớn tuổi. Trong đó, phân khúc xe giá bình dân dao động từ 4-6 triệu được nhiều người lựa chọn.

“Giá xe tăng giảm tùy theo nhà sản xuất, tùy từng dòng xe sẽ tăng giá lên. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá xe đạp nhập khẩu cũng tăng cao hơn bởi việc vận chuyển xe từ nước ngoài về Việt Nam là cả vấn đề. Do vậy, so với đợt trước đó, giá xe đạp nhập khẩu thời điểm này cao hơn. Thời điểm này do nhu cầu lớn nên lượng xe bán chạy hơn trước. Có ngày cũng bán đến 200 chiếc xe đạp các loại", anh Hùng thông tin.

Theo anh Hùng, số lượng người dân sử dụng xe tăng một cách đột biến là vì dịch nên nhiều người mua xe để tập thể dục. Nhiều người vì tài chính không cho phép để mua một chiếc xe đắt đỏ nên cửa hàng cũng có chính sách hỗ trợ người dân trong mùa dịch như trả góp...

“So với trước đây, thời điểm này lượng người đến mua và tìm hiểu về sản phẩm xe đạp tăng gấp 3-5 lần. Do vậy, để khách hàng tin tưởng và yên tâm khi mua xe, bên tôi cũng áp dụng các chính sách bảo hành, hậu mãi để mọi người yên tâm. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng phụ tùng xe có vấn đề gì chúng tôi cũng hỗ trợ tối đa", anh Hùng thông tin thêm.

Nhờ dịch bệnh mỗi ngày bán hơn 200 chiếc xe đạp

 Trở thành mặt hàng "hot", xe đạp được rao bán trên cả các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ bán tại chỗ, nhiều cửa hàng bán xe đạp thiết lập thêm kênh website và quảng cáo bán xe trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… hay các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Thế nhưng trong rất nhiều dòng xe đang bán chạy thì nhiều chủ cửa hàng cho biết, dòng xe đạp có xuất xứ từ Nhật Bản lại chững lại. Đa phần người tiêu dùng lựa chọn các dòng xe phân khúc rẻ tiền.

Chị Phạm Thùy Dương - nhân viên cửa hàng xe The Hanoi Bicycle Collective chuyên phân phối và lắp ráp xe đạp thể thao Trek chính hãng ở Việt Nam chia sẻ, nhu cầu của người tiêu dùng thời điểm hiện tại là rất lớn. Thế nhưng, dịch khiến cho quá trình vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam bị chậm trễ nên nhiều đơn chưa nhận được xe ngay. Bên cạnh đó, mức giá dòng xe này khá cao mà lượng khách cũng không đều như các dòng xe khác.

Nhờ dịch bệnh mỗi ngày bán hơn 200 chiếc xe đạp

Tương tự, anh Lê Xuân Hải - chủ showroom Nghĩa Hải thuộc đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm xe đạp thương hiệu Maruishi Nhật Bản trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cho biết, dịch càng tăng thì anh bán được càng ít hàng hơn. Thời điểm dịch năm ngoái anh vẫn bán hàng bình thường, năm nay số lượng xe bán ra ít hơn năm ngoái, bởi khách hàng đa phần lựa chọn phân khúc xe đạp bình dân.

 Thu Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang