Nhu cầu nhân lực điện hạt nhân ngày càng tăng

author 06:44 28/08/2015

(VietQ.vn) - Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhu cầu nhân lực ngành điện hạt nhân liên tục tăng.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, trước các tác nhân như gia tăng nhu cầu năng lượng, sự quan tâm nhiều hơn tới vấn đề biến đổi khí hậu, những quan ngại đến an ninh nguồn cung, nhu cầu ổn định giá năng lượng trong dài hạn, v.v. đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu nhân lực của ngành hạt nhân cả về chất và lượng. Trước tình hình đó, từ năm 2012 OECD đã xây dựng một báo cáo  với những khuyến cáo đến nay vẫn còn hữu ích cho các quốc gia đã có hoặc đang dự định phát triển công nghiệp hạt nhân. 

Hình E.1: Dự báo nhân lực vận hành cần thiết cho thị phần điện hạt nhân ở Hoa Kỳ
Hình E.1: Dự báo nhân lực vận hành cần thiết cho thị phần điện hạt nhân ở Hoa Kỳ

Những đặc điểm đặc biệt của năng lượng hạt nhân và chu trình nhiên liệu làm tăng thêm các yêu cầu đặc thù đối với đào tạo và huấn luyện. Ở tất cả các quốc gia có chương trình hạt nhân, thậm chí là trước khi xem xét việc bắt đầu xây dựng và không phụ thuộc vào chính sách quốc gia, đã có nhận thức rõ ràng về việc hạt nhân phải được vận hành và duy trì an toàn, kể cả khi đã chấm dứt hoạt động. Yếu tố cần thiết cho việc triển khai và vận hành an toàn các cơ sở hạt nhân, cũng như nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân là lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng.

Lực lượng lao động hạt nhân ở thế kỷ 21 là một cộng đồng có ý nghĩa quốc tế, thương mại và nghiên cứu. Dù còn thiếu dữ liệu số chi tiết ở mức quốc gia và toàn cầu, những khảo sát hiện hữu được thực hiện ở một số quốc gia cho thấy, ở phạm vi toàn cầu, nhu cầu việc làm trong tương lai là từ hàng chục đến hàng trăm nghìn người có kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân. Điều này có nguyên nhân đáng kể là do mức độ gia tăng người nghỉ hưu theo dự báo trong số lực lượng lao động hiện có.

Các nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Li et al., 2009) mô phỏng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực theo một số kịch bản ở Liên bang Nga và Hoa Kỳ. Hình E.1 chỉ ra nhu cầu dự báo đối với nhân viên vận hành (tức là, nhân viên vận hành cần có để vận hành nhà máy sau giai đoạn xây dựng) đối với trường hợp của Hoa Kỳ, khi các nhà máy được xây dựng bổ sung tham gia thị phần.

Minh họa nhu cầu lực lượng lao động của Hoa Kỳ với xuất phát điểm là 56.000 người (vào năm 2006), đồ thị thể hiện riêng biệt nhu cầu thay thế người nghỉ hưu và nhu cầu tăng thêm cho tới năm 2030, xấp xỉ 19.000 vị trí mới, tổng cộng là 63.000 tuyển dụng mới (19.000 + 44.000 thay thế người nghỉ hưu). Kết luận chính của phân tích này cho thấy nhu cầu lớn về đào tạo và huấn luyện nhân viên mới.

Hình E.2: Tháp năng lực chuyên môn

Hình E.2: Tháp năng lực chuyên môn

Chú giải trong hình: Nuclear power plant workforce – Nhân lực nhà máy điện hạt nhân; Existing workforce – Lực lượng lao động hiện có; Workforce baseline – Đường cơ sở về lực lượng lao động; Total workforce – Lực lượng lao động tổng cộng; New – Mới; Replacing – Thay thế; Year - Năm.

Nói chung, nhu cầu kỹ năng hạt nhân được đặt tương phản với lực lượng lao động bị già hóa cho thấy, cần có giải pháp có hiệu quả để duy trì được lực lượng lao động có kỹ năng và năng lực chuyên môn tương xứng, và đáp ứng được dòng tuyển dụng mới ổn định trong dài hạn. Các quyết định về chính sách cần được đề xuất cho hiện tại, để có được cơ sở hạ tầng đào tạo và huấn luyện hạt nhân tương xứng cho vài chục năm sau. Sự chậm trễ và thay đổi về chính sách sẽ tác động bất lợi cho việc bảo đảm lực lượng lao động hiệu quả.

Tính xuyên quốc gia của nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân ngày càng tăng. Đồng thời, việc triển khai hạt nhân dân sự và chuỗi cung ứng có liên quan cũng được quốc tế hóa. Kết quả là, nhu cầu lực lượng lao động hạt nhân toàn cầu ngày càng tăng.

Lực lượng lao động có năng lực chuyên môn là nguồn lực then chốt 

Công nghiệp hạt nhân được đặc trưng bởi yêu cầu về trình độ kỹ năng tổng thể và an toàn ở mức cao. Mối quan ngại nổi bật trong công nghiệp hạt nhân là an toàn, không chỉ bởi lợi ích riêng của ngành, mà còn vì tính nhạy cảm ở khía cạnh chấp nhận của công chúng và, nói một cách chính thức, là vì quy định pháp quy của quốc gia, của khu vực và các thỏa thuận quốc tế. Không được xem nhẹ tầm quan trọng của đào tạo và huấn luyện trong việc bảo đảm an toàn. Với tất cả những lý do này, hành vi an toàn được xem là kỹ năng then chốt song hành với chuyên môn kỹ thuật đặc thù đối với công việc. Người quản lý và lãnh đạo có vai trò chủ chốt trong việc mô hình hóa những hành vi phù hợp, hỗ trợ đào tạo và huấn luyện hạt nhân, nhằm tạo lập và duy trì văn hóa an toàn vững chắc.

Việc nhận diện được những mức độ “hạt nhân hóa” đa dạng trong công nghiệp cần thiết song hành với việc huấn luyện kỹ năng hạt nhân đặc thù và văn hóa an toàn, bổ trợ cho các kỹ năng công nghệ và quản lý khác. Hiểu biết chung về hạt nhân là điều tiên quyết đối với tất cả lực lượng lao động và tùy thuộc vào yêu cầu riêng của công việc mà một số người cần có chuyên môn hạt nhân đặc thù ở mức cao hơn.

Năng lực chuyên môn được phân loại theo ba nhánh cần cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, bao gồm:

•    Nhân lực “hạt nhân” được đào tạo chính thức chuyên sâu trong các lĩnh vực hạt nhân (ví dụ: công nghệ hạt nhân, hóa phóng xạ, bảo vệ bức xạ, v.v.);

•    Nhân lực “hạt nhân hóa” được đào tạo và huấn luyện chính thức trong các lĩnh vực có liên quan (phi hạt nhân) (ví dụ: cơ khí, điện tử, công trình dân dụng, hệ thống), nhưng họ cần có kiến thức về môi trường hạt nhân, ở đó có sử dụng chuyên môn của họ;

•    Nhân lực “hiểu biết hạt nhân” có hiểu biết hạt nhân để làm việc trong công nghiệp (ví dụ: thợ điện, cơ khí, thợ các nghề khác và nhân viên hỗ trợ).

Tháp năng lực chuyên môn trong hình E.2 minh họa điều này. Nói chung, số lượng nhân lực tăng dần từ đỉnh xuống đáy.

Chú giải trong hình: Nuclear – Hạt nhân; Nuclearised – Hạt nhân hóa; Nuclear-aware – Hiểu biết hạt nhân; Education – Đào tạo; Training – Huấn luyện.

Thông thường, từ đáy dịch chuyển lên đỉnh Tháp, việc đạt được năng lực chuyên môn thay đổi từ thông qua huấn luyện tập trung vào công việc, một hoặc nhiều nhiệm vụ cụ thể, cho đến thông qua đào tạo, phát triển các nguyên tắc cơ bản chuyên sâu hơn; mà nếu những chuyên môn đó được thu nhận một cách đúng đắn, thì có thể áp dụng chúng trong các tình huống thường là ít lường trước hơn.

Đôi khi, đào tạo và huấn luyện được sử dụng như hai quá trình khác biệt, nhưng xoắn quyện vào nhau, để chuẩn bị lực lượng lao động chuyên môn hạt nhân. Thông thường, cách tiếp cận đào tạo được sử dụng cho cả lộ trình chuyên nghiệp, còn các yếu tố huấn luyện rõ rệt hơn thì được sử dụng khi vào nghề. Tuy nhiên, hiện nay, các cách thức đó ít bị phân tách cứng nhắc hơn, mà có sự giao thoa ở mức độ cần thiết, để phát triển nhu cầu của người lao động.

Trong một số tình huống, công nghiệp giải quyết thiếu hụt lực lượng lao động kỹ thuật bằng cách tuyển dụng những người có chuyên môn phù hợp trong các lĩnh vực có liên quan, nhưng chưa có nền tảng về hạt nhân và truyền thụ kiến thức nền tảng cho họ thông qua huấn luyện đặc thù. Công nghiệp cũng bổ sung nhân lực thông qua chuỗi cung ứng các nhà thầu lớn; trong đó, điều cần gấp là thiết lập và duy trì văn hóa an toàn bền vững. Theo tài liệu Hoàn thiện hiệu suất hoạt động của con người và tổ chức năm 2009 của Ủy ban về an toàn các cơ sở hạt nhân (CSNI) của NEA, thì đây là chủ đề được các tổ chức có thẩm quyền về an toàn đánh giá thường xuyên.

Các chuyên gia ở đỉnh Tháp có vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo nghiên cứu, phát triển và thiết kế, để vận hành an toàn cơ sở hạt nhân. Hầu hết các cán bộ quản lý nhà máy điện hạt nhân có thể được phân loại vào thành phần ở đỉnh Tháp (được nhấn mạnh trong tài liệu Nguyên do của sự quan ngại). Họ có vai trò chủ yếu trong việc chuyển giao văn hóa an toàn hạt nhân cho tất cả lực lượng lao động. Thông thường, điều kiện tiên quyết, đó là những người được đào tạo về công nghệ hạt nhân và/hoặc vật lý hạt nhân, hoặc là những người có kinh nghiệm ứng dụng hạt nhân phi năng lượng (ví dụ trong hải quân hạt nhân).

Họ thường được đào tạo tại các trường đại học, thông qua chương trình đại học hoặc cao học. Thêm vào đó, tùy thuộc vị trí làm việc, họ có thể được huấn luyện trên thiết bị mô phỏng (ví dụ đối với nhân viên vận hành lò phản ứng) và huấn luyện theo công việc - on-the-job - chuyên biệt để đạt được chuyên môn đầy đủ ở cấp chuyên gia.

Chương trình tiến sĩ là cần thiết để đào tạo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, và là không thể thiếu để hỗ trợ nghiên cứu – phát triển trong công nghiệp, tại các viện nghiên cứu, cũng như ở các trường đại học. 

Từ sau báo cáo năm 2000 của NEA, những mối quan ngại tiếp theo dần được làm rõ, chú trọng đến việc không có đủ nhân viên vận hành và kỹ thuật viên hỗ trợ cho các nhà máy điện hạt nhân, khi các nhà máy được kéo dài thời gian hoạt động. Ví dụ tại Hoa Kỳ, các khảo sát lực lượng lao động công nghiệp chỉ ra rằng, chính việc kéo dài thời gian vận hành nhà máy điện hạt nhân đã góp phần lớn nhất vào nhu cầu lực lượng lao động trong ngắn hạn. Nhìn toàn cảnh về các nhà máy được xây dựng mới và tăng trưởng công nghiệp hạt nhân quy mô toàn cầu, thậm chí cần có sự chú ý nhiều hơn đối với việc huấn luyện phần lớn hơn lực lượng lao động hạt nhân ở phần đế của Tháp, thường là với thời gian ngắn.

Thông thường, cần nhiều thời gian để đào tạo và huấn luyện hạt nhân, nên việc thiết lập và dự phòng cung ứng lực lượng lao động hạt nhân phù hợp đòi hỏi được lập kế hoạch một cách có hệ thống từ hàng chục năm trước. Ở khía cạnh đó, những chính sách hạt nhân làm ngược lại, có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng suy giảm toàn cầu có nguyên nhân từ khủng hoảng tài chính dai dẳng và những tiếng nói phản đối bị đánh thức bởi thảm họa Fukushima Daiichi; làm tăng thêm các bất định và có thể làm trầm trọng thêm các thiếu hụt hiện tại. Thực vậy, các quyết định thay đổi hoặc trì hoãn của chính phủ có tác động như cơ chế cản trở đầu tư, việc làm và có ảnh hưởng tai hại đối với sự quan tâm, sự ràng buộc của những người trẻ đối với công nghiệp.

Vì vậy, sự can thiệp có tính chất gắn kết của chính phủ, công nghiệp, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu – phát triển là cần thiết để ngăn chặn sự thiếu hụt về nguồn nhân lực tại một số quốc gia cũng như duy trì nguồn cung nhân lực có kỹ năng và năng lực chuyên môn. Sự kết hợp này là điều cần thiết để bảo đảm nguồn tuyển dụng mới ổn định trong dài hạn và phù hợp, để bù đắp vào lực lượng sẽ nghỉ hưu.

TS Lê Chí Dũng
(nguyên Phó Cục trưởng cục An toàn bức xạ hạt nhân) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang