Những bất thường ở Xi Măng Hà Tiên 1: Ký hợp đồng 'khủng' cho người nhà 'chặt chém'

author 06:52 15/03/2016

(VietQ.vn) - Dưới thời ông Trần Việt Thắng làm Tổng giám đốc Công ty Xi Măng Hà Tiên 1, việc thuê bến bãi, các cảng làm dịch vụ vận tải tại đây diễn ra rất kỳ lạ.

Nối tiếp phản ánh những bất thường đã và đang xảy ra tại Công ty Xi Măng Hà Tiên 1, TP.HCM, chúng tôi xin tiếp tục thông tin về những điều lạ lùng đối với các cảng làm dịch vụ chuyên chở hàng cho Hà Tiên 1.

Nơi làm không hết việc

Trong quá trình hoạt động, việc vận chuyển nguyên vật liệu, thành phẩm của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 đến các tỉnh Bình Dương, Bình Phước … chiếm một tỷ trọng vận tải rất lớn.

Nhiều năm nay, công ty này sử dụng cảng Tuấn An Phú (xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) làm nơi cung cấp dịch vụ cho mình, cho dù rằng cảng này có rất nhiều điểm kém so với các cảng khác trong cùng khu vực.

Nhằm làm rõ quy mô của cảng Tuấn An Phú, vào những tháng cuối năm 2015, chúng tôi đã nhiều lần đến làm việc với cảng này.

Theo cảm quan của chúng tôi, cảng Tuấn An Phú khá bình thường nếu không nói là có phần luộm thuộm. Có những ngày, khi chúng tôi đến là vào đầu giờ buổi chiều, chỉ có loe hoe vài xe tải nặng đang bốc xếp, dỡ hàng than, cát để chở đi. Diện tích của cảng này cũng nhỏ, chật hẹp so với cảng khác trong cùng khu vực.

Một góc cảng Tuấn An Phú chật chội, nhỏ hẹp ở Bình Dương - Ảnh: H.T

Theo nhiều người dân địa phương, họ thậm chí còn không biết đến tên cảng Tuấn An Phú. Trong khi đó, một cảng khác cách Tuấn An Phú chỉ có vài km là cảng Thạnh Phước thì ai cũng biết.

Nhiều người làm dịch vụ vận tải ở Tân Uyên, Bình Dương thẳng thắn chê cảng Tuấn An Phú có “năng lực yếu từ bến bãi, cầu tàu, thiết bị bốc xếp, mớn nước bến tàu nông, giá thì đắt...”

Nhưng họ không thể ngờ được, cảng Tuấn An Phú đang có hợp đồng rất béo bở từ Công ty xi măng Hà Tiên 1 với sản lượng hàng triệu tấn hàng bốc dỡ mỗi năm.

Ngày đầu tiên liên hệ với cảng này, chúng tôi đã  gặp chị Lê Thị Sen – kế toán của Công ty cổ phần Tuấn An Phú (đơn vị quản lý cảng). Chị Sen cho biết, nhiều năm qua, cảng chỉ chuyên làm cho Hà Tiên 1. Chị Sen cũng hướng dẫn chúng tôi phải liên hệ với anh Trần Thanh Tú – Phó Giám đốc phụ trách kimh doanh của cảng để có thêm thông tin cũng như triển khai các hoạt động hợp tác.

Theo chị Sen, hoạt động của cảng này hầu hết đều do anh Tú quản lý dưới sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Hoàng Tuấn.

Cuộc gặp giữa chúng tôi và ông Trần Thanh Tú diễn ra sau đó ít ngày. Ông Tú xác nhận, “cảng Tuấn An Phú làm không hết việc, chủ yếu làm cho Hà Tiên 1”.

Cũng theo vị đại diện cho cảng Tuấn An Phú, doanh thu của cảng này 80 – 90% đến từ làm dịch vụ cho Hà Tiên 1, còn lại là từ dịch vụ bến bãi cho một công ty cổ phần bê tông.

Ông Trần Thanh Tú còn khoe rằng: “Việc ký kết hợp đồng dịch vụ với Hà Tiên 1 có từ trước khi xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng của cảng hiện nay. Ngoài ra, hợp đồng đó có hiệu lực vài chục năm”.

Ai đứng sau cảng Tuấn An Phú?

Nói về sản lượng, ông Tú cho biết, “tất cả hàng hóa, clinker của Hà Tiên 1 ký vận chuyển đều phải qua Tuấn An Phú. Ngày nào cũng có đến vài ngàn tấn được vận chuyển qua đây”.

Như để minh chứng cho điều mình nói, anh Tú đã cung cấp bản thống kê sản lượng được vận chuyển tại Tuấn An Phú trong 11 tháng đầu năm 2015. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất tháng 8 là Tuấn An Phú vận chuyển hơn 98.000 tấn. Các tháng còn lại đều vận chuyển được từ hơn 117.000 tấn cho đến hơn 200.000 tấn.

Tổng sản lượng mà Tuấn An Phú đã vận chuyển được là hơn 1,7 triệu tấn. Trong đó, Tuấn An Phú thông tin với chúng tôi là chủ yếu vận chuyển các mặt hàng clink, than đá, thạch cao, cát, đá… Mà tất cả các mặt hàng này đều là nguyên liệu để sản xuất xi măng.

Thấy chúng tôi “choáng váng” với các thông tin và con số mà mình cung cấp, ông Trần Thanh Tú cho biết thêm: Trong giấy phép kinh doanh của mình, Tuấn An Phú có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng, do ông Trần Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị hùn góp vốn với 2 cá nhân khác, ông Tuấn góp vốn 2,8 tỷ đồng.

Và để giải thích thêm cho sự “hoành tráng” của Tuấn An Phú là hoàn toàn không ngẫu nhiên, ông Tú khoe rằng trong các cá nhân thực sự là chủ cảng thì có ông Trần Việt Vũ với vai trò quản lý.

Danh bạ điện thoại của cảng có tên ông Vũ - ảnh: H.T

Trên danh bạ điện thoại được treo trong văn phòng của cảng Tuấn An Phú có thể hiện thông tin này. Vậy ông Trần Việt Vũ là ai? Chúng tôi không bất ngờ khi biết ông Vũ là anh ruột của ông Trần Việt Thắng.

Liệu đây có phải là lý do khiến cho công ty Hà Tiên 1 chọn cảng Tuấn An Phú làm đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ trung chuyển cho mình mà không đoái hoài đến các doanh nghiệp tương tự khác trong khu vực?

Trong khi chờ câu trả lời từ chính Công ty xi măng Hà Tiên 1 cũng như của ông Trần Việt Thắng, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin sau đến quý độc giả.

Trở lại câu chuyện với ông Trần Thanh Tú, khi báo giá dịch vụ cho chúng tôi, ông Tú cho biết mức giá cao nhất của cảng mình là 21.120 đồng/tấn.

Trong khi đó, như đã nói ở trên, cảnh Thạnh Phước là một cảng có hạ tầng, cơ sở vật chất rất tốt chỉ nằm cách cảng Tuấn An Phú chưa đến 4km lại có giá dịch vụ rẻ hơn khá nhiều.

Trong báo giá gửi chúng tôi, ông Phạm Quốc Thông – quyền Giám đốc cảng Thạnh Phước cho biết cảng rộng 22,4ha, khánh thành và đi vào hoạt động từ 09/05/2012. Hiện cảng Thạnh Phước đang vận hành 2 cầu cảng chiều dài 124m với cầu cố định Liebher, công suất 300 tấn/h/cẩu.

Cùng lúc, Thạnh Phước còn có nhiều trang thiết bị bốc dỡ hiện đại khác, bãi chứa container, các loại hàng rời, hàng kiện nặng, trạm cân điện tử 100 tấn, các kho hàng tổng hợp với qui mô 1.800m2 cho mỗi kho hàng.

Giá dịch vụ đối với lượng hàng từ 10.000 tấn trở lên, Thạnh Phước chỉ lấy giá 20.000 đồng/tấn. So với giá 21.120 đồng/tấn của Tuấn An Phúc thì chênh lệch không hề nhỏ, nhất là với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang