Cổ đông hoang mang về 'bất thường' trong báo cáo tài chính của Tập đoàn Mai Linh

author 23:35 21/06/2016

(VietQ.vn) - Việc Tập đoàn Mai Linh trả món nợ khổng lồ, trong đó riêng Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc nợ hơn 447 tỷ đồng dường như chỉ là điều "viễn tưởng"?

Với tổng số nợ lên đến gần 1.000 tỷ đồng, công ty kiểm toán đã lên tiếng khuyến nghị về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Mai Linh. Với việc trả món nợ khổng lồ, trong đó chỉ tính riêng Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc là hơn 447 tỷ đồng, dường như đây là điều “viễn tưởng” (!?).

Tại Báo cáo tài chính năm 2015 của Tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã đưa ra nhận định, Tập đoàn Mai Linh đang lỗ hơn 693 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán. Kiểm toán đã nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này.

Trên báo cáo tài chính còn thể hiện, tính đến hết ngày 31/12/2015, Tập đoàn Mai Linh có tài sản ngắn hạn đang là con số âm tới hơn 911 tỷ đồng.

Cụ thể, dựa vào báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, đến hết ngày 31/12/2015, Tập đoàn đã báo cáo một khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm hơn 635 tỉ đồng. Tổng hợp số nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là hơn 911 tỉ đồng.

Những yếu tố này có thể gây ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Mai Linh. Toàn bộ số liệu trên khác với báo cáo quản trị (trang 13) về khả năng thanh toán của Tập đoàn Mai Linh.

Tuy nhiên, trước tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” này, nhiều cổ đông phản ánh họ bị Hội đồng quản trị giấu giếm. Nhiều người không biết việc công ty lâm nguy, bị chiếm dụng vốn bởi vấn đề này không được đưa ra bàn bạc ở Đại hội đồng cổ đông.

Trong khi đó, nhiều lần Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc khẳng định mọi thông tin đều được minh bạch trước các cổ đông từ nhỏ đến lớn. Thế rồi, khi báo chí đăng tin, không ít cổ đông “mắt chữ A, mồm chữ O” vì nghe phải thông tin sốc này!

Ông Hồ Huy

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh (ngoài cùng bên trái hàng trước)

Điều đáng nói, khi mọi thông tin cần phải minh bạch, phải được đưa đến từng thành viên thì ông Hồ Huy (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh lại cố tình lảng tránh báo chí cùng những câu hỏi, thắc mắc của cổ đông?

Với những tồn tại, kinh doanh liên tục âm, các khoản nợ khó trả trong nhiều năm liền cho đến nay đã gần 1.000 tỷ đồng thì không ít cổ đông và công luận đặt câu hỏi, Tập đoàn Mai Linh liệu có còn tồn tại hay phá sản!?

Điều khiến các cổ đông thất vọng chính là Ban điều hành Tập đoàn Mai Linh vẫn đang cố tình “che giấu” rằng mình vẫn đang hoạt động tốt bằng báo cáo quản trị với những lời hoa mỹ.

Nhưng các cổ đông, nhà đầu tư có kinh nghiệm đã “bắt thóp” được việc làm này. Họ đặt ra câu hỏi, tại sao Tập đoàn Mai Linh phải giấu nhẹm các khuyến nghị trọng yếu của kiểm toán Deloitte? Và tại sao họ không công bố các thuyết minh chi tiết để nhà đầu tư biết và đánh giá chính xác sự việc “tập đoàn có tồn tại hay phá sản”?!

Việc giấu nhẹm thông tin này được thể hiện rõ khi Tập đoàn Mai Linh chỉ công bố báo cáo tài chính với vỏn vẹn báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ chứ không có khuyến nghị của kiểm toán và các báo cáo thuyết minh chi tiết.

Ngoài ra, khi tìm hiểu về báo cáo lưu chuyển tiền tệ mà Tập đoàn Mai Linh công bố, PV thấy sự việc hết sức khó hiểu với số liệu: Tài sản dài hạn khác của công ty này lại là “Chi phí trả trước dài hạn” với số tiền lên đến hơn 771 tỷ đồng?

Để rộng đường dư luận, PV đã chuyển báo cáo tài chính của Tập đoàn Mai Linh đến chuyên gia tài chính, kiểm toán để có được cái nhìn cụ thể hơn.

Sau khi xem xét, các chuyên gia kiểm toán độc lập đã đưa ra nhận định và khuyến nghị: "Mặc dù trên báo cáo tài chính Tập đoàn Mai Linh chưa đưa ra số ước tính chi phí lập dự phòng, nhưng với việc chưa kết chuyển chi phí trả trước dài hạn vào kết quả kinh doanh nên kết quả báo cáo tài chính này đã chuyển từ lãi thành lỗ. Lũy kế lỗ trên bảng cân đối kế toán tại 31/12/2015 là 1.358.844.039.724 đồng. Số lỗ này so với vốn của chủ sở hữu đã bị âm vốn là 342.127.409.724 đồng".

Chụp lại báo cáo tài chính của Tập đoàn Mai Linh năm 2015Chụp lại ý kiến của chuyên gia độc lập soát xét lại báo cáo tài chính của Tập đoàn Mai Linh

Để đảm bảo minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán cũng như đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ các bất thường về tài chính và xử lý nghiêm các vi phạm công bố thông tin của Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh.

Trao đổi về khoản nợ của Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc cho biết, các khoản nợ này đã kéo dài từ 5-6 năm nay. Các khoản nợ này đã được thể hiện rất rõ trong báo cáo tài chính và được công khai trên website của Mai Linh miền Bắc.

Mai Linh miền Bắc để bị chiếm dụng vốn: 'Cổ đông sẽ nghi ngờ và xung đột lợi ích'(VietQ.vn) - Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc là công ty đại chúng thì phải đăng ký kinh doanh với đơn vị nào và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan nào?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang