Có một bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ?

author 19:31 01/06/2016

(VietQ.vn) - Theo chân "người rừng" Trần Ngọc Lâm, chúng tôi đi sâu vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn để khám phá những điều bí ẩn được giấu kín giữa trập trùng rừng núi.

Những bãi đá cổ vài trăm năm tuổi, những cánh rừng chè cổ thụ chạy ngút ngàn tầm mắt và những loại kỳ trân dị thảo đã không còn là huyền thoại mà hiện ra lồ lộ ngay trước mắt chúng tôi.

Những báu vật trên đỉnh trời

Nhắc đến bãi đá cổ Sapa, ai cũng dễ dàng nghĩ ngay đến khu di tích có diện tích khoảng 8km vuông nằm tại thung lũng Mường Hoa trên địa bàn 3 xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Bãi đá cổ với gần 200 khối đá có khắc các hoa văn kỳ lạ này được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn đông Bác cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá cổ quý giá này đang dần mờ đi theo năm tháng trước sự hủy hoại của con người.

Thế nhưng trong chuyến thám hiểm đại ngàn Hoàng Liên Sơn gần đây, chúng tôi đã may mắn được tận mục sở thị một bãi đá cổ nguyên sơ chưa từng được công bố. Bãi đá này được ông Trần Ngọc Lâm - người sống nhiều năm trời trên hang gấu gần đỉnh Phan xi păng - phát hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước qua những lần lang thang trong rừng tìm lá thuốc để tự chữa trị căn bệnh hiểm nghèo ung thư phổi.

Tảng đá đầu tiên được PV phát hiện có hình hoa văn 

Từ độ cao 2.022 mét so với mực nước biển, chúng tôi rời con đường trải nhựa bằng phẳng nối liền 2 tỉnh Lào Cai - Lai Châu để bắt đầu tụt xuống một thung lũng rộng lớn với những trảng thảo quả bạt ngàn. Tận cùng của vùng thảo quả là một khe hẹp gập ghềnh đầy đá gộc và gai rừng mà theo lời người dẫn đường Trần Ngọc Lâm thì đây chính là con đường thổ phỉ ngày trước lâm tặc kéo gỗ và tải than trái phép ra khỏi rừng Quốc gia.

Trên đường đi, vẫn có thể tìm thấy những lò đốt than và những lán trại của lâm tặc bỏ lại giữa rừng. Đi bộ ước chừng 5 km thì chúng tôi bắt đầu gặp những khối đá đầu tiên nằm ăn sâu vào lòng đất, trên mặt phủ đầy rêu xanh. Lấy con dao đi rừng khẽ khàng cạo đi lớp rêu xanh rì phía trên, tôi ngạc nhiên đến tột đỉnh. Quả thực như lời ông Lâm nói, trên những khối đá này hiển hiện những hoa văn.

Từ địa điểm phát hiện ra khối đá đầu tiên có hoa văn kỳ lạ đi khoảng 500m, vượt qua một con dốc dựng đứng nữa thì chúng tôi gặp cả một bãi đá lớn với gần chục khối đá gắn liền nhau đều có hình vẽ bí ẩn. Những hoa văn trên khối đá đầu tiên khá giống một tấm bản đồ địa chính với những ô vuông có thể coi là khu dân cư, những lằn kẻ xếp chồng lên nhau giống như ruộng bậc thang và những con đường chạy ngang dọc. Cũng có những góc hoa văn khá phức tạp và rối mắt giống như những chữ Việt cổ đã được phát hiện tại bãi đá nơi thung lũng Mường Hoa.

 Ông Lâm khẳng định độ cứng của những tảng đá có hoa văn lạ

Ông Trần Ngọc Lâm khẳng định vẫn còn rất nhiều các khối đá có hoa văn tương tự nếu tiếp tục đi sâu vào rừng rậm và vượt qua con dốc dựng đứng như bức tường thành trước mặt kia. Nhờ cánh tay và bờ vai của người dẫn đường nhiệt tình làm điểm đặt chân, cuối cùng chúng tôi cũng leo lên được đỉnh con dốc kinh hoàng đó. Tụt xuống một đoạn đường ước chừng 500 mét, mở ra trước mắt chúng tôi là một bãi đá có diện tích khoảng 1 km vuông với hơn chục khối đá lớn gắn liền với nhau.

Xem xét một cách tỉ mỉ, chúng tôi nhận thấy trên tất cả các khối đá này đều có hoa văn, thậm chí có những khối hoa văn dày đặc với những nét vẽ rất độc đáo, lạ lùng. Hoa văn được phát hiện nhiều nhất và rõ nét nhất là những đường song song xếp chồng lên nhau như ruộng bậc thang ở cả 2 chiều ngang, dọc. Bên cạnh đó có những khối đá mang hoa văn rất phức tạp với những đường cong, đường gấp khúc tạo nên những biểu tượng kỳ lạ rất giống với những nét vẽ chúng tôi đã từng được chiêm ngưỡng ở bãi đá cổ Mường Hoa.

Với kinh nghiệm của một người dân bản địa quen sống trong núi rừng, ông Lâm khẳng định "không có loại dao nào chém vào có thể để lại vết sâu thế được vì đây là những khối đá gốc rất cứng". Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Lâm gỡ con dao rừng sắc bén đeo bên thắt lưng bổ xuống một khối đá không có hoa văn nằm cạnh đó. Một tiếng "choang" khô khốc, những tia lửa bắn ra, con dao và ông Lâm bị dội ngược lại với một lực rất mạnh nhưng cũng chỉ để lại trên bề mặt khối đá một vết xước mờ do bong rêu.

Ông Lâm cho biết thêm, người Mông đi rừng quý con dao như tính mạng của mình, chẳng bao giờ họ đem con dao ra để đào đất chứ đừng nói đến việc vô cớ chém hay khắc hàng ngàn nhát vào bề mặt những phiến đá này. Hơn nữa, đây là khu vực rừng núi hiểm trở, để vào được đến bãi đá thì từ đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn phải vượt qua 5km đường thổ phỉ và 3 con dốc dựng đứng gần như hoang vắng dấu chân người.

Anh Giàng A Sử khoe con dao rừng sắc bén 

Vừa lúc đó, chúng tôi gặp một người Mông tên là Giàng A Sử, nhà ở tít dưới xã San Sả Hồ, cách rất xa bãi đá đang đi tìm trâu. Hỏi thăm A Sử về bãi đá, A Sử khẳng định ngày nào cũng đi chăn trâu qua khu vực này và đã thấy những vết khắc này từ rất lâu rồi nhưng không biết ai khắc và khắc từ bao giờ. Khi chúng tôi hỏi có bao giờ anh dùng dao chém vào đá như thế không thì A Sử lắc đầu ngay lập tức. Anh lôi con dao đi rừng to bản, sắc lẹm đeo bên mình ra cho chúng tôi xem và khoe: "Quý lắm đó! Không ai lại chém vào đá đâu. Hỏng dao đó. Trẻ con có cho tiền chúng nó cũng không ngồi chém vào đá đâu. Hỏng con dao này là không đi rừng được nữa đâu".

Nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ

Ý thức được giá trị quan trọng của những hoa văn được khắc chìm trên bãi đá cổ mới được phát hiện giữa rừng Hoàng Liên Sơn, chúng tôi đã chụp lại một cách cẩn thận và chi tiết những hoa văn này để chuyển tới các nhà khảo cổ học.

Vừa nhìn thấy những hình ảnh chúng tôi mang tới, PGS.TS Trình Năng Chung - Trưởng phòng khoa học Viện Khảo cổ học - đã reo lên thích thú: "Đúng là những họa tiết giống với bãi đá cổ ở thung lũng Mường Hoa và bãi đá cổ Xín Mần trên cao nguyên đá Hà Giang".

Xem xét tỉ mỉ những bức ảnh đã được phóng to, ông Chung khẳng định những nét khắc trên các khối đá mà chúng tôi phát hiện được là do bàn tay con người tạo nên chứ không phải tự nhiên mà có. Đây là những dấu vết tạo hình cổ còn lưu lại được đến tận hôm nay. Ông Chung cũng nhận định những hoa văn này chủ yếu là hình học hóa chứ không phải biểu tượng hóa như hình dương vật, âm vật đã gặp ở bãi đá cổ Mường Hoa.

Khu tập trung nhiều khối đá có hình khắc nhất

Bên cạnh những nếp nhăn do phong hóa của vỏ đá, những hoa văn trên các tảng đá vừa được phát hiện cơ bản gồm các vạch khắc song song, hình tứ giác đồng tâm, hình tròn đồng tâm, hình quả trám và vạch khắc song song có kẻ ngang như hình hàng rào. Theo như giải thích của ông Chung thì những vạch khắc song song được giải thích là hình vẽ những thửa ruộng bậc thang của người Việt cổ khá phổ biến ở các bãi đá cổ đã được phát hiện. Hình hồi văn 2 ô vuông lồng vào nhau và hình hàng rào giống hoa văn trên bãi đá cổ Xín Mần (Hà Giang) thì đến nay vẫn chưa được giải mã. Hình quả trám thì rất hiếm, ở các bãi đá cổ đã được phát hiện đều không có.

Bên cạnh đó, trên những tảng đá mà chúng tôi phát hiện được còn có những đường khắc uốn lượn rất phóng túng mà ông Chung cho rằng chưa thể đưa ngay ra lời giải đáp. Những đường khắc song song trên mặt đá có đáy cơ bản là hình chữ V, chỉ có vài đường đáy hơi có hình chữ U. Có thể dự đoán, để tạo những hình khắc này, người xưa đã sử dụng kỹ thuật đục khắc còn rất thô sơ, dùng vật nhọn đục trực tiếp trên bề mặt tảng đá.

Giống như bãi đá cổ được phát hiện ở Xín Mần, dụng cụ đục khắc này phải có chất liệu là sắt. Ông Chung cũng cho biết, khi nghiên cứu kỹ thuật đục khắc trên bãi đá cổ Sapa, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt có nhận xét loại đục khắc tạo rãnh có mặt cắt hình chữ U đáy khum lòng máng đặc trưng cho giai đoạn hình khắc sớm nhất ở Sapa. Các hình khắc này mang một phong cách, một kỹ thuật khắc nên có thể dự đoán được khắc ở một thời chứ không chồng chéo nhau như ở bãi đá cổ Mường Hoa.

Những vết khắc như bản đồ trên tảng đá 

Ở phiến đá có hoa văn phức tạp và dày đặc nhất, ông Chung nhận xét những đường khắc này dễ làm người ta liên tưởng đến một bức sơ đồ. Thế nhưng cũng có khả năng đây chỉ là những đường vẽ phóng túng và không có chủ ý hoặc nội dung gì của người xưa. Nhìn toàn cảnh bãi đá, ông Chung đồ rằng đây là một điểm nghỉ chân của người Việt cổ.

Hiện tại có thể nói bãi đá cổ có hoa văn mới được phát hiện chưa bị biến dạng bởi sự tác động của người thời nay vì thế sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng nghiên cứu hơn so với bãi đá cổ ở thung lũng Mường Hoa. Bãi đá cổ Mường Hoa có quá nhiều lớp vẽ chồng chéo lên nhau, thậm chí khách du lịch còn vẽ máy bay đầu bò, ô tô đè lên những hình khắc cổ nên các nhà khoa học rất khó bóc tách và nghiên cứu. Nhận định sơ bộ ban đầu, TS Trình Năng Chung cho rằng bãi đá cổ này có niên đại khoảng vài trăm năm.

(Còn tiếp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang