Những chiến công của tướng Phạm Quý Ngọ

author 06:56 23/02/2014

Rất nhiều chuyên án, vụ án lớn trong các lĩnh vực hình sự, ma túy, kinh tế... mang đậm dấu ấn chỉ huy của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, trong thời điểm ông là Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Thứ trưởng Bộ Công an được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng Cảnh sát.

Bao nhiêu năm, cái dáng hao gầy, nụ cười nồng ấm của ông, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã rất quen thuộc và gần gũi với các cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng. Những vụ án lớn, những chuyên đề phòng chống tội phạm và cả những buổi làm việc về xây dựng lực lượng Cảnh sát trong những năm gần đây có nhiều dấu ấn chỉ đạo của ông. Sát sao và quyết liệt...

Những chiến công của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ

Những chiến công của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ

Chúng tôi may mắn được theo sát vụ án đối tượng Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng tại huyện Lục Nam (Bắc Giang), một vụ án gây chấn động dư luận và ghi dấu ấn đặc biệt sự chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ. Đó là những ngày tháng 8 nắng gắt. Khi có mặt tại tiệm vàng Ngọc Bích, chúng tôi đã gặp Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ xuống tận nơi xem xét hiện trường và chỉ đạo vụ án. Không khí ở hiện trường ngột ngạt vì nóng và tanh, mồ hôi nhễ nhại trên trán nhưng đồng chí Thứ trưởng vẫn cẩn thận xem từng góc nhỏ nơi xảy ra vụ án. Khi đến trước di ảnh của cả gia đình bị hại, trong đó có cháu bé chưa tròn 8 tháng tuổi đôi mắt tròn xoe ngây thơ, đôi mắt ông ngân ngấn.

Trong cuộc họp đầu tiên chỉ đạo việc điều tra vụ án, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã nhấn mạnh rằng: “Trước sự dã man của tội phạm, nỗi đau tột cùng của người dân, chúng ta phải tập trung tất cả trí tuệ để hiến kế cho việc điều tra chuyên án đạt hiệu quả nhanh nhất”. Tất cả các binh chủng của lực lượng Cảnh sát, những người lãnh đạo giỏi nhất trong lĩnh vực điều tra vụ án hình sự được huy động và tập trung trí tuệ. Những ngày sau, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã liên tục lên Bắc Giang để chỉ đạo sát sao việc điều tra vụ án. Đồng chí Thứ trưởng đã nghe trực tiếp tiến trình vụ án, phân công các lực lượng cụ thể từng phần việc.

Trong chiều 29/8/2011, khi các lực lượng tham gia điều tra đã phát hiện ra hung thủ vụ án là đối tượng Lê Văn Luyện, ông cũng có mặt tại Công an huyện Lục Nam (Bắc Giang) để biểu dương thành tích của các đơn vị tham gia phá án, đồng thời tiếp tục chỉ đạo việc truy bắt đối tượng. Khi đối tượng Lê Văn Luyện bị bắt giữ tại Lạng Sơn, nụ cười mới thực sự xuất hiện trên gương mặt đồng chí Thứ trưởng. Ông phấn khởi phát biểu với cánh báo chí chúng tôi rằng, việc làm sáng tỏ vụ án, bắt giữ đối tượng gây án đã đáp ứng được sự mong mỏi của quần chúng nhân dân, là câu trả lời cụ thể nhất về những nỗ lực của cơ quan Công an trong việc đấu tranh với cái ác, bảo vệ sự bình yên của nhân dân.

Rất nhiều chuyên án, vụ án lớn trong các lĩnh vực hình sự, ma túy, kinh tế... mang đậm dấu ấn chỉ huy của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, trong thời điểm ông là Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Thứ trưởng Bộ Công an được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng Cảnh sát. Đó là chuyên án bắt giữ các đối tượng vận chuyển 8,8 tấn cần sa tại Quảng Ninh; vụ án giết người, cướp tiệm vàng tại Bắc Giang; vụ nhận hối lộ của Huỳnh Ngọc Sỹ, Trưởng ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây - TP Hồ Chí Minh; vụ tham ô và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ tham ô và cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Vifon; vụ kinh doanh trái phép, lừa đảo, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn...

Những cán bộ điều tra về các chuyên án, vụ án lớn này đều chung một cảm nhận về Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất các chuyên án: đó là ông rất tận tâm, quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo chuyên án, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông cũng rất gần gũi với các cán bộ, chiến sỹ, bất kể giờ giấc, kể cả đêm khuya, khi có diễn biến mới của vụ án, các cán bộ, lãnh đạo trực tiếp điều tra vụ án đều có thể gọi điện báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của ông. Và ông luôn có những ý kiến chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho anh em làm án để mục đích cuối cùng là xử lý kiên quyết tội phạm, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ở vị trí lãnh đạo nào, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cũng rất gần gũi và quan tâm đến các cán bộ, chiến sỹ. Trong các chuyên án lớn, ông luôn kịp thời có mặt, động viên, biểu dương các cán bộ, chiến sỹ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ông luôn đau đớn, trăn trở trước những mất mát, hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ trong cuộc chiến đấu gian khổ và quyết liệt với tội phạm. Bất kể trong vụ việc nào, khi có cán bộ, chiến sỹ Công an bị thương, hy sinh, ông đều cố gắng thu xếp thời gian để đến tận nơi thăm hỏi, động viên.

Cánh phóng viên chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh người lãnh đạo ấy xót xa nắm tay, chia sẻ với người mẹ củaThượng úy Đỗ Mạnh Linh, Đại đội phó Đại đội Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hòa Bình đã hy sinh trong một trận chiến đấu với tội phạm ma túy. Ông động viên người mẹ và gia đình vững vàng vượt qua nỗi đau mất mát lớn và tự hào về sự hy sinh vì bình yên cuộc sống của con, em mình.

Khi nghe tin 2 đồng chí Công an huyện Đông Triều (Quảng Ninh) bị trọng thương khi truy bắt một băng cướp xe máy, dù rất bận công việc và chiều muộn, nhưng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ vẫn dẫn đầu đoàn công tác đến Bệnh viện Uông Bí thăm hỏi và động viên. Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ xót xa khi thấy những vết mổ kéo dài trên cơ thể của Trung tá Hoàng Hữu Giang, Đội trưởng và Thượng sĩ Bế Hữu Tùng, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Đông Triều đang nằm bất động trên giường bệnh vì vừa trải qua một cuộc phẫu thuật rất nguy hiểm đến tính mạng. Ông ân cần thăm hỏi, cài lại từng nút áo cho các cán bộ của mình. Đồng chí Thứ trưởng đã biểu dương tinh thần dũng cảm, quên mình trong chiến đấu của hai đồng chí, nắm tay chia sẻ với người cha già của Thượng sỹ Bế Hữu Tùng, động viên các gia đình vượt qua khó khăn này để chăm sóc cho các đồng chí mau bình phục....

Ông cũng là người luôn sâu sát, chỉ đạo và động viên kịp thời lực lượng 141 của Công an Hà Nội và yêu cầu nhân rộng mô hình này ra các địa bàn trọng điểm của cả nước. Ông mong muốn lực lượng Cảnh sát phải đổi mới tư duy từ lý luận, cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ với câu nói rất giản dị: “Muốn đẩy một cỗ xe nặng không dừng lại ở sự kêu gọi, mà quan trọng là phải tạo ra chỗ để mọi người cùng đặt tay, cùng đẩy, đó chính là cơ chế và con người”.

Tâm sự với phóng viên và cộng sự, ông nói rằng: Tôi được sinh ra ba lần: Lần 1 là cha mẹ sinh ra; lần 2 là may mắn khi bị đối tượng hình sự bắn xuyên giữa hai chân khi còn làm Cảnh sát hình sự tại Công an huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình và lần thứ 3 là nhờ sự đổi mới và hội nhập của Đảng, Nhà nước, ông được tiếp cận nền y học tiên tiến của thế giới khi được ghép gan năm 2008. Vì vậy, ông đã cố gắng làm việc đến những ngày cuối cùng vì sự bình yên của Tổ quốc.

Cho đến trước lúc ra đi, ông vẫn chưa thôi những trăn trở về công việc. Xin được thắp một nén nhang tưởng nhớ ông. Những hình ảnh gần gũi của ông, những dấu ấn của ông trong việc chỉ đạo các chuyên án lớn chắc chắn sẽ vẫn còn mãi mãi khắc ghi trong các cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng...

Theo Công an Nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang