Những 'chiến sĩ thầm lặng' trên mặt trận chống dịch Covid-19

author 11:12 24/04/2020

(VietQ.vn) - Dịch bệnh là “phép thử” với nền kinh tế, nhưng đồng thời là bối cảnh tạo áp lực, động lực cũng như gợi mở giải pháp mới cho doanh nghiệp để thích ứng công nghệ nền tảng, kinh doanh nền tảng số và thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp (dịch Covid-19) xảy ra, đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu “thấm đòn”, không ít doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm. Đây có thể xem là cú “sốc” lớn với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực và người lao động.

Số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ LĐTB&XH tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, có khoảng 9.000 người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19.

Mỗi doanh nghiệp là một “chiến sĩ”

Trước bối cảnh cả nước đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, nhiều doanh nghiệp đang là những “chiến sĩ thầm lặng” trong cuộc chiến này để có thể thích nghi, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Song song với đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

 Nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất khẩu trang nhằm thích nghi trước tình hình dịch bệnh.

Theo đó, trước dự báo nguồn nguyên liệu có thể thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và 4, đồng thời, tích cực tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế.

Một số thương hiệu may mặc xuất khẩu lớn như: May 10, Việt Tiến, Nhà Bè,… cũng xoay sở tình thế để không phải ngưng hoạt động trong mùa dịch bằng cách tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, mặt hàng đang có sức mua rất mạnh trong thời điểm hiện nay.

Về phía doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu, đại diện Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Tập đoàn đã chủ động xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với dịch bệnh tại hệ thống chuỗi bán lẻ. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua sắm an toàn với 3 tuyến phòng dịch nghiêm ngặt, đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa. Đồng thời triển khai các giải pháp bán hàng online và đặt hàng qua điện thoại, đảm bảo cung cấp hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện tới khách hàng…

“Phép thử” cho nền kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khủng hoảng từ dịch bệnh được coi như là phép thử cho khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú “sốc” từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội. 

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã và đang là “phép thử” với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với những doanh nghiệp có cách thức làm việc bài bản, chuyên nghiệp, đây sẽ là thời điểm tái cơ cấu các vấn đề về quản trị nội bộ, những vấn đề chiến lược, rà soát lại bạn hàng, đưa doanh nghiệp lên nền tảng công nghệ 4.0, thương mại trực tuyến… Đồng thời, tái cơ cấu bộ máy về tài chính, xem xét lại các nguồn thu, chi để có cách quản lý hiệu quả, hợp lý.

“Đây là thời điểm rất tốt để những doanh nghiệp mạnh tiếp tục khẳng định và đứng vững trên thị trường, còn doanh nghiệp nào yếu hơn, không biết nắm bắt cơ hội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ dừng hoạt động hoặc rời bỏ thị trường. Điều này sẽ gián tiếp tạo cơ hội cho doanh nghiệp mạnh “hút” thêm khách, hút giao dịch, giành thị trường mà không phải cạnh tranh nhiều”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Còn theo nhận định của Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, dịch Covid-19 là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại năng lực phản ứng thị trường của mình cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường khi hoàn cảnh thay đổi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn liền với dịch bệnh. Điều đó thể hiện khả năng duy trì được các mối quan hệ, thương lượng với đối tác cũng như khả năng phản ứng trước các kịch bản, gây đứt gãy chuỗi cung ứng không mong muốn; Từ đó rút ra những bài học cũng như định hướng và giải pháp mới trong vấn đề đa dạng hóa thị trường, giao kèo, ký kết hợp đồng và thương thảo hợp đồng.

“Doanh nghiệp cũng nhận được bài học, nhận được động lực để kết nối người lao động. Nếu doanh nghiệp nào làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động gắn với lợi ích của doanh nghiệp trước mắt cũng như lâu dài thì doanh  nghiệp đó sẽ giữ được người tài, tăng uy tín và có được kết quả kinh doanh sau dịch tốt hơn. Dịch bệnh sẽ là bối cảnh để tạo áp lực, tạo động lực cũng như gợi mở giải pháp mới cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thích ứng tốt với công nghệ nền tảng, kinh doanh nền tảng số và thích ứng với nhu cầu thị trường để đáp ứng được những yêu cầu đó”, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.

Chủ tịch VCCI hiến kế phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Toàn dân hãy yêu doanh nhân như yêu bộ đội thời kháng chiến, bởi doanh nghiệp Việt là chiến sỹ tuyến đầu xây dựng kinh tếÔng Vũ Tiến Lộc mong rằng doanh nghiệp Việt Nam luôn nhận thức rõ sứ mệnh của mình là chiến sỹ trong tuyến đầu sự nghiệp xây dựng kinh tế, là những người có trách nhiệm lo sinh kế cho nhân dân, là những người quyết định sức mạnh kinh tế của đất nước.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang