Những chiêu trò bán hàng quá "đát" của siêu thị

author 10:20 21/07/2012

Nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM bị cơ quan chức năng phát hiện bán hàng đã hết hạn sử dụng (hết “đát”) tới 2-3 năm, thậm chí còn dùng nhãn mới dán chồng lên nhãn cũ để kéo dài thời gian bán hàng.

Ông Huỳnh Thiện Trung, thanh tra viên của Phòng Thanh tra, Sở Công Thương TPHCM tại buổi làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn chiều ngày 19-7 tuy không nêu tên đích danh các siêu thị có bán hàng hết “đát” nhưng nhấn mạnh, tình trạng này diễn ra khá phổ biến.

Bằng chứng là trong đợt kiểm tra của cơ quan này trong tháng 6 tại 8 doanh nghiệp có kinh doanh siêu thị, thực hiện kiểm tra trên hệ thống thì đã phát hiện 3 trong số này có bán hàng đã hết hạn sử dụng. Thậm chí, theo ông Trung, nhiều siêu thị còn cho dán chồng nhãn mới với hạn sử dụng mới lên các nhãn đã hết “đát” để đánh lừa người tiêu dùng, cố bán hết hàng.

Bên cạnh đó, tuy hàng hóa được bán tại siêu thị, nơi được cho là có kiểm tra kiểm soát thường xuyên về chất lượng nhưng có nhiều sản phẩm thực phẩm bị nhiễm bẩn, có mốc hoặc gián, bọ. “Khi chúng tôi nói, đại diện các siêu thị đều chối biến. Phải đến khi trưng ra hàng có tình trạng đó thì mới chịu thừa nhận”, ông Trung nói thêm.

Bên cạnh vi phạm về hàng hóa, theo thanh tra Sở Công Thương, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn còn vi phạm rất nhiều quy định về bảng hiệu, hóa đơn, bảng nội quy, công tác báo cáo hàng tháng, khuyến mãi hàng hóa hạn chế kinh doanh…

Tình trạng hàng hết “đát”, hàng nhiễm bẩn cũng được đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, một cơ quan chức năng khác thực hiện việc kiểm tra kiểm soát, phản ánh. Bà Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết tình trạng này thường rơi nhiều vào các siêu thị mới tham gia thị trường và nhất là các nhà sách có bán thêm thực phẩm tươi sống, chế biến.

Người tiêu dùng cần xem kỹ nhãn mác hàng hóa trước khi mua.  Ảnh minh họa: Minh Tâm
Người tiêu dùng cần xem kỹ nhãn mác hàng hóa trước khi mua. Ảnh minh họa: Minh Tâm

Tại một số siêu thị dạng này, cơ quan của ngành y tế đã từng phát hiện có những lon sữa đã hết hạn sử dụng 2-3 năm vẫn được bày bán. Những sản phẩm như mì gói, sữa nước, vốn có hạn sử dụng ngắn cũng được phát hiện rất nhiều. “Có lẽ do hàng hóa bán ế quá nên hết hạn sử dụng nhưng vẫn chưa bán hết”, bà Mai nhận định.

Còn tại các siêu thị lớn, theo bà Mai, vẫn có tình trạng này nhưng số lượng mặt hàng rất ít và các siêu thị thì luôn tìm mọi cách để bào chữa. Lúc thì chẹt ở góc nên không biết, lúc thì do đang gom lại để trả nhà sản xuất.

Cũng theo bà Mai, người tiêu dùng còn có nguy cơ mua phải hàng hết “đát” ở những loại hàng xá (bán theo từng rổ, khay lớn, không có bao bì, nhãn mác) vì các siêu thị thường không có các thông tin về nơi sản xuất, thời gian sử dụng… Do vậy, cần phải xem kỹ nhãn mác trước khi mua.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, khẳng định với những vi phạm như vậy, mức phạt đối với siêu thị khá nặng, từ 10 - 15 triệu đồng/lần theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP. Bà Đào dẫn chứng, một siêu thị lớn của thành phố từng bị phạt 12,5 triệu đồng (mức trung bình trong khung) vì bị phát hiện có một hộp phô mai (trị giá hơn 20.000 đồng) vừa hết hạn sử dụng 1 ngày nhưng còn bày bán.

Có 20 lỗi doanh nghiệp thường mắc và mỗi siêu thị ít nhất mắc 10 lỗi với mức xử phạt tối thiểu là 50 triệu đồng. “Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, mãi lực xuống thấp, lợi nhuận giảm sút mà xử phạt doanh nghiệp như vậy là điều Sở Công Thương không hề mong muốn”, bà Đào chia sẻ.

Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cơ quan chức năng phải xử phạt vì các siêu thị thường xuyên vi phạm quy định, đã được kiểm tra và nhắc nhở tới 3 lần nhưng không hề khắc phục.

Theo bà Đào, Sở Công Thương đang rà soát để thực hiện phân loại, phân hạng các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Căn cứ để phân loại là diện tích và số lượng mặt hàng bày bán, đã được quy định cụ thể tại Quyết định 1371 của Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương).

Hiện tại, Sở Công Thương đã gửi bảng khảo sát cho các siêu thị để làm cơ sở đánh giá. Tuy nhiên, thời gian gửi phản hồi đã hết nhưng nhiều siêu thị chưa có văn bản gửi Sở. Do vậy, các siêu thị cần nhanh chóng bổ sung.

Việc phân loại siêu thị, trung tâm thương mại nhằm mục đích chấn chỉnh việc trưng biển “bừa” của nhiều đơn vị hiện nay.

Theo Thời báo kinh tế Sài gòn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang