Những cơ quan nào được xử phạt hành vi vi phạm về môi trường?

author 13:30 25/11/2016

(VietQ.vn) - Xử phạt tới 2 tỉ đồng đối với cá nhân, tổ chức nếu vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số tiêu chuẩn kỹ thuật nguy hại ra môi trường.

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đối với hành vi vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường, Nghị định này quy định cụ thể từng mức phạt đối với từng mức độ vi phạm khác nhau.

Cụ thể, phạt cảnh cáo đối hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%).

Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần bị phạt từ 1- 400 triệu đồng tùy lượng nước thải.

Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 02 lần bị phạt từ 3-750 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 - 850 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 3 lần và phạt từ 30-950 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến dưới 5 lần.

Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

 Lực lượng Cảnh sát môi trường được phép xử phạt vi phạm hành chính về môi trường trong thẩm quyền của mình

Nghị định cũng quy định hành vi xả nước thải có chứa 1 trong 3 loại vi khuẩn (Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 4 đến dưới cận dưới của quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc từ trên cận trên của quy chuẩn kỹ thuật cho phép đến dưới 10,5 bị phạt từ 20 - 850 triệu đồng.

Hành vi xả nước thải có chứa từ 2 loại vi khuẩn (Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae) trở lên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 2 đến dưới 4 hoặc từ 10,5 đến dưới 12,5 bị phạt từ 30-950 triệu đồng.

Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt từ 50 triệu đồng tới 1 tỷ đồng.

Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường. Đối với vi phạm quy định này có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc định chỉ hoạt động có thời hạn.

Ngoài các mức phạt trên, các cá nhân và tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm mô trường.

Yêu cầu áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng với Chính phủ điện tử(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định ở trên là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính với tổ chức sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường gồm: UBND các cấp (xã, huyện, thị, thành phố trực thuộc Trung ương); Trưởng Công an xã (thị trấn, phường), Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu – khu chế xuất; Trưởng Công an huyện (thị, thành phố trực thuộc tỉnh), Trưởng phòng Công an cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương); Giám đốc Công an tỉnh, thành phố; Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các Sở Tài nguyên và Môi trường...

Ngoài ra, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Các lực lượng khác như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quản lý thị trường, Thuế, Cảng vụ hàng hải, Cảng đường thủy nội địa, Thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng được xử lý vi phạm hành chính về vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mà mình quản lý theo quy định.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang