Những cú ‘lội ngược dòng’ của ngành dệt may – da giày

author 06:44 16/12/2020

(VietQ.vn) - Điều đáng mừng, sau thời gian ban đầu bất ngờ với Covid-19, khá nhiều doanh nghiệp ngành dệt may – da giày đã nhanh chóng thích ứng và tìm được cơ hội phát triển tốt hơn trong khủng hoảng.

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, hầu hết các ngành nghề đều phải chịu tác động tiêu cực, trong đó dệt may và da giày là những ngành chịu tác động sớm và kéo dài nhất của đại dịch Covid-19. Điều đáng mừng, sau thời gian ban đầu bất ngờ với Covid-19, khá nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng thích ứng và tìm được cơ hội phát triển tốt hơn trong khủng hoảng.

Doanh nghiệp biến nguy thành cơ

Thay vì đóng cửa, nhiều doanh nghiệp tự tìm hướng phát triển cho mình ngay giữa đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Đơn cử như Giovanni - nhãn hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam đã bắt đầu sản xuất khẩu trang từ tháng 1/2020. Sau đó khi các cửa hàng không thể mở cửa trong thời gian giãn cách xã hội, công ty đã đào tạo nhanh cho nhân viên để chuyển sang bán hàng online và tư vấn khách hàng qua điện thoại, internet. Chính vì chuyển đổi nhanh nên ảnh hưởng của Covid-19 không quá trầm trọng, thậm chí công ty đã phát triển được mảng bán hàng online và dự định sẽ mở rộng ra khu vực ASEAN và các chuỗi siêu thị ở Nga trong năm tới.

TNG cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất khẩu trang. Sau đó, TNG tiếp tục phát triển các sản phẩm quần áo y tế với thương hiệu TNG để xuất khẩu. Covid-19 đã giúp công ty đẩy mạnh mảng ODM (tự phát triển thiết kế và nguyên vật liệu) và OBM (tự phát triển thương hiệu). Covid-19 cũng là động lực giúp TNG tích cực liên kết với các DN khác ở Việt Nam để tự chủ được hơn 70% nguyên vật liệu cho các sản phẩm y tế.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc đứt gãy nguyên phụ liệu từ nước ngoài khiến doanh nghiệp gặp khó, buộc phải tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung ứng trong nước. Chính Covid-19 đã kéo doanh nghiệp trong nước “lại gần” nhau hơn, kết nối tốt hơn.

Trong ngành sợi, đa số các công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Covid-19 xảy ra, ngành sợi rất khó khăn. Tuy nhiên, công ty Sợi Phú Bài vẫn duy trì hoạt động khá tốt vì đã phát triển dòng sợi cao cấp để bán cho các nhà máy dệt FDI ngay tại Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Còn nhiều cơ hội phát triển

Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động (ERC), xu hướng ngắn hạn và trung hạn là đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm để các DN dệt may duy trì sản xuất. Còn DN da giày có xu hướng giảm gia công, đa dạng hóa khách hàng. Về dài hạn là xu hướng công nghệ xanh và tiếp tục tự động hóa. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã khiến cho các DN tăng mạnh nhu cầu liên kết với DN khác tại Việt Nam.

Nhu cầu liên kết giữa các DN trong giai đoạn hiện nay gồm: Liên kết để mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; liên kết để chia sẻ đơn hàng, đặc biệt giữa các công ty lớn và công ty vừa và nhỏ; liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường (như xử lý nước thải, dùng năng lượng mặt trời…).

Có thể thấy, mặc dù đối mặt với “cơn sóng dữ” Covid-19, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Điển hình là tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu (lên tới 50% với một số mặt hàng) mà mức giá cũng giảm sâu nhất (20%). Trong khi đó, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Hoa Kỳ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.

“Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa kỳ, mặc dù xét về tổng giá trị, xuất khẩu may mặc trong nửa đầu 2020 vẫn chưa đạt mức của năm 2019. Theo phỏng vấn sâu với các nhà máy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, một nguyên nhân quan trọng cho xu hướng này là việc các nhãn hàng may mặc đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, TS. Đỗ Quỳnh Chi cho hay.

 
“Rõ ràng thị trường chúng ta có, nhưng quan trọng có cạnh tranh được với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... hay không. Năm 2021 vẫn sẽ chưa hết khó, nhưng 2022-2023 sẽ bật lên rất mạnh”, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đánh giá.
 

Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các DN đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% DN dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.

Đồng thời, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau Covid-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP.

“Chúng ta sẽ vượt khó 2021, 2022, thậm chí 2023; đế cuối quý III/2023 nếu Covid-19 kiểm soát được thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt”, ông Vũ Đức Giang nêu ý kiến.

Tăng năng suất thêm 14% nhờ tinh thần liên tục cải tiến(VietQ.vn) - Nhờ các giải pháp cải tiến liên tục năng suất của dây chuyền sơn tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam đã tăng thêm 14,2%

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang