Chất lượng sống

Ẩm thực

Những đặc sản khó quên của mảnh đất Phú Yên

author 05:46 31/07/2016

(VietQ.vn) - Phú Yên là điểm đến hấp dẫn với nét hoang sơ quyến rũ của cảnh vật và sự phong phú tươi ngon của thực phẩm, đặc biệt là hải sản.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Hàu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng đơn giản mà ngon hơn cả là nấu cháo. Người Phú Yên ăn cháo hàu bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy bên ngoài hàu có hình dáng thô mộc, xấu xí nhưng khi đập ra thịt bên trong lại trắng trẻo, tươi ngon đến lạ thường. Con hàu tươi chỉ cần xào qua với hành, muối, tiêu và trút vào nồi cháo đã ninh mềm nhừ là có ngay món ngon quên trời đất.
Trong buổi tối mát trời ở thành phố Tuy Hòa, ngồi nhâm nhi món ăn dân dã này cùng bạn bè bên bờ sông lộng gió thì còn gì thú vị bằng. Món ăn không có gì đặc biệt, chỉ với ít cá rô đồng to bằng ngón tay người lớn chiên giòn. Nhưng cái làm cho món ăn này trở nên ấn tượng là nhờ chén nước mắm ngò rí (rau mùi) vừa đậm đà vừa thơm. Cách làm nước chấm này khá đơn giản, ngò rí được giã nát với ớt xanh, pha thêm ít nước mắm, đường cho vừa ăn là được.
Sò huyết đầm Ô Loan là một trong những đặc sản bạn nhất định phải thử khi đến đây. Có thể chế biến nhiều món từ sò huyết như nướng, rang, xào me, hấp, tiết canh hay làm gỏi.
Nếu như ở các tỉnh miền núi phía Bắc nổi tiến với món bò, trâu hay heo gác bếp thì ở Thị trấn Củng Sơn nằm trên cao nguyên Sơn Hoà rộng lớn thuộc tỉnh Phú Yên lại nổi tiếng với món bò một nắng.  Món bò một nắng - đặc sản Phú Yên - được chính người dân nơi đây chế biến. Món ăn mang phong vị phố núi ngon lạ và hấp dẫn. Theo một số người lớn tuổi, món bò một nắng này có tiền thân từ cách chế biến thịt nai khô của người dân trong khoảng vài thập kỷ trước. Sau này, người ta dùng thịt bò chế biến thay nai để ăn và dự trữ thực phẩm. Bò một nắng còn có tên gọi đầy đủ là “bò một nắng hai sương” – bò chỉ phơi một nắng vừa héo đem nướng, nên ngon lạ lùng.
Vùng biển Phú Yên là nơi đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu nên nếu bỏ qua các món chế biến từ đặc sản này khi đã đến đây thì thật thiếu sót. Hãy thử mắt cá ngừ chưng cách thủy để cảm nhận hết sự độc đáo của món ăn từ biển. Mắt cá ngừ chưng béo ngậy ngấm trong gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi… và thoang thoảng mùi thuốc bắc mà vẫn giữ được mùi biển đặc trưng của cá. Nếu may mắn, thực khách còn có cơ hội tận hưởng vị lạ hấp dẫn của gỏi bao tử cá và bao tử cá hầm tiêu xanh. Món nào cũng còn nguyên độ giòn dai của thứ nguyên liệu không phải nơi nào cũng có. Nếu gỏi dễ ăn, dễ chiều với đủ vị chua cay mặn ngọt thì món hầm lại cuốn hút người ta bởi sự kết hợp giữa tiêu xanh cay nồng và ngọt thơm của nước dùng.
Dông vốn là một con vật sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi... Con dông có hình dáng như kỳ nhông nhưng kích thước rất nhỏ, chỉ bằng ngón chân cái của người.  Một điều đặc biệt, trong quá trình sơ chế dông, người ta phải làm rất sạch sẽ vì nếu rửa lại bằng nước lã, dông sẽ bị tanh. Khi sơ chế xong, dông được băm nhỏ, trộn với các loại gia vị khác như tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu ăn, nấm mèo (mộc nhĩ) và bún khô chần mềm. Sau đó, người ta cho phần nhân thịt nhông này vào bánh tráng, cuộn lại như cuốn nem rán sau đó đem chiên chín vàng.
Không cạnh tranh với cơm gà Hội An hay Tam Kỳ, cơm gà Phú Yên có riêng cho mình một chỗ đứng trong bản đồ của người sành ăn. Cơm gà ở đây hấp dẫn bởi gà vàng ươm, da giòn ít mỡ, thịt dai ngọt. Chỉ là cơm gà thôi mà khiến người ta phải rớt nước miếng. Dù cơm gà Phú Yên rất khó ngán nhưng cũng có phần đồ chua, dưa leo, hành ngâm… đi kèm tăng vị cho món ngon.
Đối với dân nghiền hải sản thì không thể bỏ qua món ghẹ mà ghẹ vùng Sông Cầu thì lại càng không. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng này loại ghẹ mập béo, nhiều thịt, thịt chắc. Ghẹ hấp không, hấp bia hay rang muối, nướng vỉ… món nào cũng thơm lừng và ngon đến nỗi có ai đó bị dị ứng mà không được thưởng thức thì đêm còn khó ngủ. Ngồi hóng ra biển, bóc tách từng con ghẹ đỏ rực đầy gạch nhâm nhi là cảm giác ngon từ mắt, từ tai, từ mũi chứ không chỉ đến khi cho lên miệng mới thấy. Gạch ghẹ ngầy ngậy, mịn màng như tan trong miệng và thịt trắng dày, dai dai đậm đà đều chỉ có thể miêu tả bằng từ: tuyệt vời.
Tên gọi cua huỳnh đế có một nguồn gốc thú vị. Loài cua này vốn nổi tiếng thơm ngon, được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua tức cua nên gọi là cua ''hoàng đế''. Nhưng sau khi trở thành sản vật tiến vua chúa, quan địa phương lệnh dân phải đọc trại đi thành ''huỳnh đế'' vì sợ phạm húy.  Hình dạng đặc biệt của loại cua này khiến du khách tò mò, còn vị của nó làm người ta không thể quên. Khách sành thích cua huỳnh đế không chỉ vì nó to (có thể lên tới 1kg) và nhiều dinh dưỡng mà còn bởi cảm giác ngon miệng khi ăn.
Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng của Phú Yên không chỉ dùng để cuốn thịt heo. Đây còn là nguyên liệu làm nên cháo lòng, bánh hỏi lừng danh thiên hạ. Vị giòn, dai, bùi bùi của lòng heo và bánh tráng kết hợp với mát lạnh của rau sống cho cảm nhận đậm đặc hơn hẳn thịt heo cuốn bình thường. Trong khi đó chén cháo nóng hổi hạn chế tối đa việc bị lạnh bụng sau khi ăn.
Nếu như muốn ăn hải sản, hàu nướng mỡ hành là món ăn tương đối lạ miệng mà bạn nên thử. Những con hàu chỉ bé bằng hai ngón tay người lớn, nhưng đầy hấp dẫn với hương thơm nức của mỡ hành quyện trong thịt hàu căng đầy, thơm ngọt ngon miệng.
Cũng như cơm gà, cơm niêu khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Tuy chỉ là một món cơm bình dân, nhưng nhờ cách chế biến tỉ mỉ đầy công phu nên được rất nhiều người ưa thích. Để nấu cơm niêu, bạn phải chọn gạo nguyên hạt, mềm dẻo. Gạo được vo sạch rồi cho vào niêu nấu chín. Khi cơm vừa cạn, nước được tiếp tục vùi vào trong tro, than trong khoảng 20 phút để cơm chín. Thưởng thức cơm niêu với các món cá kho tiêu, kho tộ cùng bát canh rau xanh mát là đủ làm hài lòng bất kỳ thực khách khó tính nào.
Cá mai có thể chế biến thành nhiều món. Ngon nhất là gỏi. Cá mai còn tươi, tách bỏ xương. Trộn thịt cá với hành tây, tỏi, ớt, đường bột ngọt, chanh và các loại rau thơm cho vừa miệng là đã có một món ngon để thưởng thức.
Đầm Ô Loan không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn cung cấp loại sò huyết nổi tiếng thơm ngon. Sò huyết ở đây được xếp vào một trong ba loại ngon nhất ở nước ta cùng với sò huyết phá Tam Giang (Huế), sò huyết đầm Thủy Triều (Khánh Hòa). Bắt sò huyết rất đơn giản, chỉ cần lội trên lớp bùn vừa rút nước, chân đạp trúng con sò, dùng hai ngón chân kẹp vào và gắp lên cho vào rổ. Sò huyết bắt về còn tươi ngon được ngâm cho nhả hết bùn đất trước khi chế biến thành các món ăn ngon như: nướng tái, xào me, hấp, làm gỏi... và đặt biệt là tiết canh sò huyết. Khi chiều xuống, sẽ không gì thú vị bằng khi vừa được ngồi ngắm hoàng hôn trên dòng sông Cái vừa được thưởng thức vị ngọt thanh của những con sò được nướng vừa chín tới.
Bánh ướt chả bò là món ăn sáng bình dân, đơn giản chỉ bao gồm hai phần chính là bánh ướt và chả bò cùng bát nước chấm được pha hơi cay ăn kèm nhưng món ăn rất được người dân ở đây yêu thích. Điều làm nên sức quyến rũ rất riêng cho bánh ướt chả bò có lẽ là ở vị chả bò mang lại. Bò tươi xay nhuyễn được trộn cùng tiêu, hành, muối... và bó lại, hấp chín, khi ăn cho vị ngọt đậm, cay nồng, giòn và dai.
Xôi bồ câu là đặc sản của xã An Định, huyện Tuy An. Cách chế biến món ăn này khá cầu kỳ. Bồ câu làm sạch, băm nhuyễn, xào chín với hành, dầu, tiêu, ớt, tỏi, nêm vừa ăn. Nấu xôi bằng gạo nếp. Khi xôi chín, nhanh tay trộn phần thịt chim với xôi. Khi ăn, dọm kèm bồ câu rô ti.
Bánh canh hẹ là món ăn nổi tiếng khắp nơi, mang thương hiệu của người dân Tuy Hòa và được du khách rất ưa thích, đến đây bạn có thể ăn bánh canh hẹ ở một quán ven đường vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Sợi bánh canh làm từ bột gạo, mềm dai và không bở. Chả cá được làm từ các loại cá biển có nhiều ở đây và giã nhuyễn, nặn thành từng miếng, hấp chín rồi chiên vàng. Nét làm nên điều khác biệt trong bát bánh canh của người Phú Yên có lẽ là ở màu xanh mướt cùng vị thơm nồng của hẹ.
Cá nục hấp là món ăn dân dã của người dân Phú Yên. Món ăn muốn ngon phải rất kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu. Cá được chọn chỉ to bằng hai ngón tay người lớn, thân cá còn săn chắc, mắt còn sáng long lanh mới đủ độ tươi ngon. Cá sau khi rửa sạch đem ướp hành tím, hành lá, các loại gia vị, ớt trái thái nhỏ cho ngấm đều. Sau đó, cho vào nồi hấp cách thủy. Không nên hấp cá quá lâu, cá chín mềm sẽ không còn giữ được vị ngọt đặc trưng vốn có. Cá nục hấp ăn kèm với bánh tráng, rau sống (rau muống, xà lách, húng quế, húng lủi, húng thơm, diếp cá, tía tô...) cùng nước chấm chua cay hoặc nước mắm nêm.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang