Những 'đại thụ' từ giã 'cánh rừng' âm nhạc Việt Nam trong năm 2015

author 18:00 16/12/2015

(VietQ.vn) - Với nhiều người, năm 2015 là một năm buồn của nền âm nhạc Việt Nam khi nhiều giáo sư, nhạc sĩ lớn qua đời, để lại khoảng trống lớn trong tâm hồn khán giả.

Giáo sư Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/6/2015)

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại tỉnh Vĩnh Long, là con cả của một gia đình có 4 đời nhạc sĩ. Ông qua đời vào sáng 24/6, sau gần một tháng chữa trị tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TPHCM, hưởng thọ 94 tuổi.

Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc có tiếng, một nhà sư phạm đã từng đi giảng bài, nói chuyện ở hầu khắp các nước nên sự ra đi của ông để lại một khoảng trống quá lớn đối với nền âm nhạc dân tộc của Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Khê là cây đại thụ trong giới học thuật liên quan đến âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác không chỉ tại Việt Nam

Giáo sư Trần Văn Khê là cây đại thụ trong giới học thuật liên quan đến âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác không chỉ tại Việt Nam

Sinh thời, GS Trần Văn Khê từng chia sẻ, ông gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống do "duyên trời định": "Tôi đến với nhã nhạc Huế như tôi đã đến với ca trù, chầu văn miền Bắc, hát bội miền Nam, nhạc Phật giáo ba miền - những bộ môn đó gặp khó khăn do những thay đổi về mặt chính trị, kinh tế, xã hội tại VN và có thể bị chìm vào quên lãng”.

“Khi đã thấy các bộ môn ấy thật sự có những giá trị nghệ thuật nhưng chưa được đông đảo quần chúng và các cơ quan hữu trách nhận thức, tôi đã kiên trì phân tích, đúc kết và nêu ra những ưu điểm của các bộ môn ấy bằng những bài viết và những buổi nói chuyện. Tôi cũng tìm đủ cơ hội để giới thiệu những bộ môn ấy với người nước ngoài bằng đĩa hát, băng từ, băng video để họ có dịp thưởng thức, phê bình, đánh giá. Dần dần những bộ môn ấy đã được hồi sinh", vị GS đáng kính từng chia sẻ.

Nhạc sĩ Phan Nhân (15/5/1930 – 29/6/2015)

Nhạc sĩ Phan Nhân, một trong những cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam, tác giả ca khúc Hà Nội – niềm tin và hy vọng qua đời lúc 11h45 hôm 29/6 tại nhà riêng, hưởng thọ 85 tuổi. Vợ ông – nghệ sĩ Phi Điểu từng chia sẻ về những năm tháng cuối đời của người nghệ sĩ tài hoa: “Chú thường ngồi vì khi nằm thì bị khó thở... nhưng chú vẫn "hát" hư hử hừ hư rất gần với rên. Chú vẫn rất hóm hỉnh chọc ghẹo và làm thơ tặng cô”.

Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15/5/1930 tại Long Xuyên, An Giang. Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Phan Nhân đã để lại những tác phẩm thắm đượm cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước và cả những ca khúc trong trẻo ông viết cho trẻ nhỏ.

Ca khúc Hà Nội – niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân được đánh giá là một trong những sáng tác hay nhất về thủ đô yêu dấu

Ca khúc Hà Nội – niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân được đánh giá là một trong những sáng tác hay nhất về thủ đô yêu dấu

Những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân có thể kể đến như Hà Nội - niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội, Em là con gái má Út Tịch, Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác,…

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11/11/1924 – 29/6/2015)

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, là con thứ 11 trong một gia đình có cha làm thợ may. Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam", được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940, sáng tác giúp tên tuổi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được biết rộng rãi là Đoàn giải phóng quân (viết cuối 1945). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Trong thời gian này, ông viết một số ca khúc như: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là ‘Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam’

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là ‘Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam’

Sau năm 1975, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TPHCM. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là ca khúc phổ thơ như: Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu... Ông cũng sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác..

Nhạc sĩ An Thuyên (15/8/1949 – 3/7/2015)

Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An từ năm 1967 và đã được trực tiếp tham gia công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo ngành.

Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, công tác ở Đoàn Văn công Quân khu IV. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc Viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về Phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ông là hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (chuyển lên đại học năm 2006) từ 1993 - 2009.

Sự ra đi của nhạc sĩ ‘Ca dao em và tôi’ khiến nhiều người bàng hoàng

Sự ra đi của nhạc sĩ ‘Ca dao em và tôi’ khiến nhiều người bàng hoàng

Nhạc sĩ An Thuyên nổi tiếng với những ca khúc: Ca dao em và tôi, Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng...

Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự nhận được nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: với Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng với ca khúc Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994)…

Nhạc sĩ Anh Bằng (5/5/1926 - 12/11/2015)

Nhạc sĩ Anh Bằng từ trần vào ngày 13/11 (giờ Hà Nội) tại nhà riêng ở Mỹ, hưởng thọ 89 tuổi. Sau hơn 8 năm điều trị bệnh ung thư gan, ông trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của gia đình, bè bạn. Trước đó, ngày 10/11, người nhà của nhạc sĩ Anh Bằng đưa ông vào bệnh viện ở miền Nam California (Mỹ) cấp cứu do căn bệnh biến chứng, gây hôn mê sâu. Bác sĩ khi đó đã dự đoán ông không qua khỏi sau hai tuần.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại cho đời nhiều sáng tác nổi tiếng, trong  đó có Chuyện tình Lan và Điệp

Nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại cho đời nhiều sáng tác nổi tiếng, trong  đó có 'Chuyện tình Lan và Điệp'

Nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1926 tại Thanh Hóa, là nhạc sĩ nổi tiếng với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc, trong đó có nhiều ca khúc đi vào lòng người như Chuyện tình Lan và Điệp, Anh còn nợ em, Chuyện giàn thiên lý, Khúc thụy du, Sầu lẻ bóng, Anh cứ hẹn, Bây giờ còn nhớ hay không...  Năm 1975, nhạc sĩ cùng gia đình sang Mỹ sinh sống.

Lan Anh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang