Tiền và những lời khuyên mà sinh viên không thể bỏ qua

author 17:20 11/07/2014

(VietQ.vn) - Những bài học về Tiền là thứ sinh viên ra trường cần học đầu tiên, khi họ đang bước chân vào đời với một mớ lý thuyết và không có kinh nghiệm thực tế

Cách đây 16 năm, Mary Morrison, nổi tiếng trong giới sinh viên Stanford là "người phụ nữ thực tế," đã bắt đầu mở lớp tài chính cá nhân sau khi chứng kiến sự thiếu hiểu biết của sinh viên về tiền bạc. "Một số người vào lớp mà không biết gì", bà nói. "Họ ngơ ngác như một con nai bị soi đèn pha vào vậy."

bài học về tiền

Bài học về Tiền và tài chính là thứ đầu tiên sinh viên ra trường không thể bỏ qua. Ảnh minh họa

Mỗi năm bà đào tạo khoảng 200 sinh viên. Từ đây, những học viên đã nhận được bài học về tính trung thực và niềm say mê.  Họ gọi đó là những trải nghiệm “vừa thú vị vừa đáng sợ”.

Dưới đây là 10 lời khuyên về tiền bạc mà Mary Morrison cho là quan trọng nhất:

1. Đừng đưa ra quyết định nghề nghiệp chỉ dựa trên số tiền kiếm được 

Hãy suy nghĩ về vị trí và lợi ích mà công việc mang lại. "Nếu bạn được đề nghị công việc với số lương là X đô la tại thành phố New York, nó sẽ không còn giá trị tương tự ở  thành phố Kansas," Morrison nói. "Bạn phải đánh giá những gì bạn muốn làm để gây dựng sự nghiệp của mình và lợi ích từ các quyết định đó."  

2. Tính toán cho chi phí khởi nghiệp

Trước khi nhận được đồng lương đầu tiên, bạn có vô vàn những thứ phải chi tiêu như tiền đặt cọc thuê nhà hay sắm xe để đi lại. Vì vậy Morrison khuyên các bạn nên tính toán xem chuẩn bị những chi phí gì cho đến khi có lương. 

3. Tiền lương không nhiều như bạn nghĩ

Hãy bắt đầu điền vào mẫu đơn W-4 khấu trừ thuế của mình một cách chính xác và biết lương đã bị hao hụt đi bao nhiêu. Bạn không thể bắt đầu mua sắm chi tiêu mà không biết trong ví có bao nhiêu tiền. "Đồng lương và số tiền thực sự bạn được giữ không hề như nhau," Morrison nói. "Bạn và người đàn ông nuôi ba đứa con ở nhà bên sẽ không thể chi tiêu như nhau với cùng một số lương”. 

4. Hãy thực tế về việc chi tiêu của bạn cũng như những khoản cần thiết khác

Ra trường là quãng thời gian các bạn trẻ phải vật lộn với chi phí như đi lại, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, giải trí và các chi phí phát sinh.Hãy lên kế hoạch về mọi thứ. Nhiều sinh viên nghĩ có thể sống với 50 đô la cho tiền ăn mỗi tuần. Morrison đã cố gắng để thuyết phục họ rằng điều này sẽ không xảy ra. "Tôi nói với họ ngay trong lớp rằng họ sẽ không thể làm được điều đó và họ thường bỏ qua khi bắt đầu lên kế hoạch cho mình”, bà nói. "Tôi không quan tâm đến việc họ chọn rắn làm vật cưng. Chỉ cần biết việc ấy tiêu tốn bao nhiêu thôi."

5. Theo dõi các thói quen chi tiêu

Hãy biết chắc chắn không chỉ việc phải tiêu bao nhiêu tiền mà còn biết khi nào hóa đơn sẽ đến.

6. Có một tài khoản khẩn cấp

Điều rủi ro luôn xảy ra, và môt ngày nào đó nó sẽ xảy ra với bạn. "Bạn sẽ bị ốm, bị thương. Cuộc sống sẽ xảy đến với bạn theo cùng cách nó đến với mọi người", Morrison cho biết. Hãy chuẩn bị tinh thần và tài chính để luôn sẵn sàng đối đầu với những biến cố không mong đợi này. 

7. Biết khi nào nên sử dụng thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng

"Tôi nghĩ rằng sinh viên cần phải có thẻ tín dụng," Morrison nói. "Chúng an toàn hơn so với thẻ ghi nợ khi xảy ra trộm cắp và việc trả hết thẻ tín dụng mỗi tháng sẽ giúp người dùng xây dựng một lịch sử tín dụng, và hy vọng, một điểm tín dụng tốt." Tuy nhiên, để mua những mặt hàng thường xuyên như đồ ăn, xăng hoặc vé xem phim, sinh viên nên sử dụng một thẻ ghi nợ. Theo kinh nghiệm của bà, chúng sẽ  giúp ta trả lời câu hỏi muôn thuở: Tôi đã để dành bao nhiêu tháng này? Thẻ tín dụng nên được dùng cho những việc chính hoặc những kế hoạch lớn.

8. Nhận bảo hiểm cho người thuê nhà

Xem xét cẩn thận các loại bảo hiểm công ty cấp cho. Ví dụ, mọi người đều cần những bảo hiểm cơ bản như bảo hiểm tai nạn lao động, y tế, xe cộ… và cũng đừng từ chối nếu ông chủ cung cấp cả bảo hiểm nhà cho bạn.

9. Bắt đầu đóng quỹ hưu trí tư nhân 

"Ngay cả khi bạn bắt đầu với một số tiền rất khiêm tốn, nó cũng có thể đem lại một sự khác biệt lớn sau này", Morrison nói. Có thể bạn sẽ thấy tiếc khi phải trích 50 đô la Mỹ từ lương hàng tháng nhưng nó sẽ lớn dần và có thể là “cứu tinh” của bạn khi gặp rủi ro sau này. 

10. Đừng ngại đầu tư

"Tôi nói với họ rằng một tài khoản tiết kiệm là một đầu tư rủi ro, bởi vì nó có nghĩa là bạn đang đánh cược rằng sẽ không có lạm phát xảy ra", Morrison nói. Đa dạng hóa và đầu tư trên nhiều lĩnh vực là chìa khóa để thành công.

Nguyễn Huyền


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang