Những điều tân sinh viên cần biết về đào tạo tín chỉ

authorPhương Nam 09:58 30/08/2017

(VietQ.vn) - Đào tạo tín chỉ là hình thức không còn mới lạ đối với sinh viên. Tuy nhiên, với các tân sinh viên thì khác, khi vừa bước chân vào cánh cửa đại học thì đây là một hình thức đào tạo khá mới lạ và không giống với thời THPT.

Vậy hình thức đào tạo tín chỉ là gì? Theo giảng viên Nguyễn Anh Tú, đào tạo tín chỉ là đơn vị căn bản để đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Theo đó, một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp. Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường. Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ. Một tiết học được tính bằng 50 phút.

Những điều tân sinh viên cần biết về đào tạo tín chỉ
Những điều tân sinh viên cần biết về đào tạo tín chỉ - Ảnh Sinh viên IT. 

Điểm khác biệt giữa đào tạo tín chỉ so với các phương thức đào tạo cũ ở chỗ, đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, thời gian học, sinh viên được cấp bằng khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định; do vậy họ có thể hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng tùy theo khả năng và nguồn lực (thời lực, tài lực, sức khỏe, v.v.) của mình.

Tuy nhiên, việc đăng ký, lựa chọn được môn học (tín chỉ) đối với các tân sinh viên hay thậm chí là đối với những sinh viên đã có kinh nghiệm không phải là dễ dàng. Thông thường, với các sinh viên năm đầu, kì học đầu tiên các thầy cô giáo vụ hoặc cố vấn học tập sẽ đăng kí tín chỉ cho sinh viên. Các kì sau, sinh viên sẽ tự làm quen với hình thức học tập này.

Đối với hình thức này, bạn sẽ là người chủ động tìm kiếm kiến thức, tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức mới, từ đó, nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc nào thì bạn sẽ nêu ra tại buổi học để cùng lớp học thảo luận và cuối cùng, giảng viên có vai trò là người kết luận lại vấn đề. Do đó, để hiểu được kiến thức cũng như nắm bắt được những vấn đề trong mỗi môn học, sinh viên cần chủ động học và nghiên cứu giáo trình, tài liệu trước khi lên lớp.

Vì đây là nơi bạn có thể được giải đáp những vướng mắc trong quá trình tự học, trao đổi, bổ sung kiến thức mà mình chưa biết từ người khác, và hơn hết, là rèn luyện kỹ năng tư quy, phản biện hay kỹ năng đặt vấn đề,… những kỹ năng mềm này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong quá trình làm việc sau này.

Tuy nhiên, mỗi trường, mỗi thầy cô sẽ có những hình thức đào tạo khác nhau cho sinh viên. Điều quan trọng với tân sinh viên là cần tìm hiểu và nắm thật chắc mô hình đào tạo tín chỉ ở trường mình để trong quá trình học tập phát huy được những thế mạnh của bản thân và nắm bắt những thế mạnh của loại hình đào tạo này. Có nhiều sinh viên khi học tập tốt có thể sẽ ra trường trước thời hạn. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang