Chân dung những nữ doanh nhân Việt xuất thân từ ngành y

author 19:43 27/02/2020

(VietQ.vn) - Là những doanh nhân lớn trên thương trường Việt, giữa họ đều có điểm chung là xuất thân từ ngành y.

Bà Phạm Thị Việt Nga - "nữ tướng" công ty Dược Hậu Giang

"Nữ tướng" ngành dược Phạm Thị Việt Nga đã rời chức vụ Tổng giám đốc tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang từ ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, bà Nga vẫn tiếp tục đồng hành cùng Dược Hậu Giang với vai trò là thành viên HĐQT để tham gia điều hành chiến lược. Đồng thời, bà Nga cũng làm cố vấn chuyên môn để chuyển giao nhịp nhàng và hỗ trợ Ban điều hành kết nối, xây dựng các mối quan hệ.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh ngày 20/12/1951, là Tiến sĩ Kinh tế - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và có bằng Dược sĩ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Bà được coi là "linh hồn" của Dược Hậu Giang với 30 năm gắn bó từ những ngày khó khăn đến khi trở thành thương hiệu dược số một tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Việt Nga được xem là "linh hồn" của công ty Dược Hậu Giang. 

Bà "bén duyên" với ngành Dược vô cùng tình cờ, sau khi bà nhận phân công của tổ chức. Lúc đó, bà hoàn toàn không hề có khái niệm nào về công việc sắp tới của mình và thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, với tinh thần thép của một nữ bộ đội, bà đã không ngần ngại bắt đầu học lại kinh tế. Trước đó, bà Nga từng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1964 đến năm 1975.

Bà Nga bắt đầu gia nhập Dược Hậu Giang từ năm 1988 với cương vị Tổng giám đốc. Kể từ khi Xí nghiệp liên hợp Dược Hậu Giang được cổ phần hóa vào năm 2004, bà Nga giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất trong HĐQT và Ban điều hành là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.

Dược Hậu Giang không phải doanh nghiệp dược ra đời sớm nhất trên thị trường nhưng lại là thương hiệu dược tiên phong trong công tác Marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư hệ thống phân phối khắp cả nước. Nhờ những nền móng mà bà Nga cùng các cộng sự đặt ra từ những năm 90, Dược Hậu Giang đến nay đã có vị trí vững chắc trên thị trường. Trong đó, kênh phân phối chính là điểm mà bà Nga tự hào nhất ở Dược Hậu Giang, giúp công ty không tốn nhiều chi phí vào quảng cáo mà vẫn cạnh tranh được với các thương hiệu dược khác.

Năm 2013, bà Phạm Thị Việt Nga được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bên cạnh bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk. Theo Forbes, danh sách 50 nữ doanh nhân này đều là những người phụ nữ đặc biệt tích cực lèo lái doanh nghiệp vượt qua "cơn bão" khủng hoảng trong năm 2012, đạt lợi nhuận cao trong thời điểm kinh tế toàn châu Á đi xuống.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh- Giám đốc điện lạnh, 6 năm trước là lính quân y

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân đội, năm 16 tuổi bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá. Công việc của một người lính quân y theo bà suốt 6 năm trước khi bà được cử ra Bắc học văn hóa vào năm 1973. 

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức), bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được ông Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Xí nghiệp đề nghị "kế vị".

"Nữ tướng" điện lạnh Nguyễn Thị Mai Thanh 

Bà Mai Thanh gắn bó với sự tiên phong của Xí nghiệp. Năm 1992, Xí nghiệp của bà Mai Thanh một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn xung phong thực hiện cổ phần hóa và đến năm 1993 trở thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Đây là tiền đề cho sự ra đời của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) ra đời từ đó.

Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động, với sự mạnh dạn của bà, REE tiếp tục tạo ra nhiều cột mốc khi là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên….

Nhờ sự dẫn dắt của người lính quân y thuở nào, REE liên tục gặt hái nhiều thành tựu. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần REE đạt 3.565 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 66% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.242,2 tỷ đồng, giảm 4,5% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và đã hoàn thành 84,8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Sau quá trình tái cơ cấu, REE đầu tư mạnh vào các công ty sản xuất và kinh doanh điện, than và nước sạch qua các thương vụ M&A.

Tính đến hiện tại, REE đang nắm hơn 7.765 tỷ đồng tài sản thuộc lĩnh vực hạ tầng điện, nước, chiếm 43,3% tổng tài sản. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, mảng này ghi nhận đạt gần 758 tỷ đồng, chiếm 61% tổng lợi nhuận của REE. Tính riêng mảng nước sạch, REE đầu tư liên kết vào 4 nhà máy nước sạch với  tổng công suất thiết kế là 1,2 triệu m3/ngày. Đó là 3 nhà máy nước liên kết tại TP HCM, gồm: Nắm 42,07% nhà máy B.O.O Thủ Đức, 40% Thủ Đức III (SWIC) và 32% vốn Tân Hiệp II (TH2W). Công ty còn sở hữu 35,95% vốn nhà máy nước sông Đà (thuộc Viwasupco).

Tại TP.HCM, REE đầu tư một số công ty phân phối nước sạch như: Nắm 44,17% vốn CTCP Cấp nước Thủ Đức (mã TDW), nắm 20,05% CTCP Cấp nước Gia Định (mã GDW) và 20,02% vốn CTCP Cấp nước Nhà Bè (mã NBW).

Trên sàn chứng khoán, mã REE của CTCP Cơ điện lạnh đã tăng trưởng 23,02% trong khi phiên giao dịch của năm 2019 chỉ còn 1 tuần nữa sẽ kết thúc. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua giao dịch chủ đạo là giằng co, không rõ xu hướng, cổ phiếu REE đã trở thành kênh sinh lời tốt cho nhà đầu tư. Ngoài ra, mã này cũng đang nằm trong nhóm VN30, nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TTCK Việt. Chốt phiên 20/12, vốn hóa REE đạt gần 11.100 tỷ đồng.

Bà Mai Thanh từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014.

Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận

Doanh nhân Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống trong ngành Đông dược. Bà làm việc tại Công ty Traphaco bắt đầu từ vị trí cán bộ kỹ thuật. Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và hiện tại là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco.

Doanh nhân Vũ Thị Thuận - người đặt nền móng cho Traphaco.

Bà ghi dấu ấn khi dẫn dắt Traphaco chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần. Sau đó, với chiến lược khác biệt, tập trung vào mảng đông dược, bà từng bước đưa Traphaco từ một doanh nghiệp nhỏ thành công ty sản xuất đông dược lớn nhất Việt Nam.

Suốt 40 năm gắn bó với Traphaco, bà Thuận được coi là "linh hồn" của công ty, góp công lớn tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay. Bà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước trong đó có danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Bảo Linh (t/h)

Thúc đẩy hợp tác giữa APO và ASEAN vì mục tiêu tăng năng suất và phát triển nền kinh tế khu vực(VietQ.vn) - Ngày 27/2, Hội nghị trù bị thúc đẩy hợp tác giữa APO và ASEAN đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan; Tiến sỹ Phanit Laosirirat, Chủ tịch APO; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng đại diện của Việt Nam tại các Ủy ban chuyên ngành ASEAN.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang