Những gương mặt sáng giá trong giới doanh nhân Việt 2016

authorThúy Hạnh 06:28 13/10/2016

(VietQ.vn) - Nhân kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), hãy cùng điểm lại sự nghiệp và những câu nói "để đời" của các doanh nhân hàng đầu trong nước.

Chấp nhận rủi ro, dấn thân và mong muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng là đặc điểm chung của những doanh nhân Việt thành đạt.

Sau đây là sự nghiệp và những câu nói ấn tượng ẩn chứa những kinh nghiệm, bài học sâu sắc, cũng như thể hiện được tính cách hay phẩm chất cá nhân của những doanh nhân hàng đầu Việt Nam.

1. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng

 'Nếu có thể thực hiện, thì kể cả mất tiền tỷ, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại thứ gì đó cho thế hệ sau. Còn tiền thì dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết'. 

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đi lên từ hai bàn tay trắng. Với triết lý kinh doanh "Tôi muốn để lại thứ gì đó cho đời, muốn biến Hà Nội và Sài Gòn tương tự Singapore, Hong Kong".

Ông Vượng đã lọt vào danh sách tỷ phú thế giới tháng 3/2013, với tổng tài sản khoảng 1,5 tỷ USD trên cương vị Chủ tịch HĐQT Vingroup. Đây là một tập đoàn đa ngành với các dự án đầu tư quy mô lớn trong hầu hết các lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch, thương mại, sức khỏe, giáo dục…

Tạp chí Forbes còn ví vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup như “Donald Trump của Việt Nam” chứng tỏ lĩnh vực kinh doanh bất động sản của ông Vượng có sức ảnh hưởng rất lớn. Được biết, khối tài sản công khai của ông chủ Vingroup là khối bất động sản trải khắp Việt Nam.

Đầu tháng 7/2016, Fobes công bố khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt ngưỡng 2,2 tỷ USD (khoảng 49.200 tỷ đồng), đứng thứ 903 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Với vị trí này, ông Vượng đã tăng 108 bậc trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2016. Trước đó, bảng xếp hạng vào tháng 3/2016 ông Vượng đứng thứ 1.011, với quy mô tài sản khoảng 1,76 tỷ USD.

Hiện lượng cổ phiếu VIC tỷ phú đôla này nắm giữ là 591 triệu, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,45% cổ phần.

2. Doanh nhân Mai Kiều Liên

'Tôi nghĩ rằng việc kinh doanh thì phải có lãi là chuyện đương nhiên nhưng trước hết phải đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trước tiên'

Bà Mai Kiều Liên là lãnh đạo Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Vinamilk. Bà là một trong 2 nữ doanh nhân của Việt Nam được Forbes bình chọn là doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Trong bảng xếp hạng này, bà giữ ở vị trí 25 trong tổng số 50 nữ doanh nhân mà tạp chí này đề cử.

Vị thế vững chắc của Vinamilk ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của bà Mai Kiều Liên. Bà là người ra những quyết định kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm, tiến hành tái cấu trúc công ty và đặt mục tiêu sẽ đưa Vinamilk lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới với doanh thu 3 tỷ USD.

Về điểm này, Forbes cũng đưa ra đánh giá, bà Liên đã xây dựng Vinamilk không chỉ trở thành một trong những thương hiệu uy tín của Việt Nam, mà còn được khắp châu Á và thế giới coi trọng và đánh giá cao.

Đại gia Việt mạnh tay chi 18 triệu USD mua trang trại Australia(VietQ.vn) - Đây được xem là vụ đầu tư lớn đầu tiên của Đại gia Việt vào chăn nuôi bò nói riêng và nông nghiệp nói chung ở vùng phía Bắc của Australia

3. Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức

'Càng kinh doanh nhiều càng khổ, không có cả thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ. Nhưng với tôi, đích đến cuối cùng không phải là tiền, mà là danh dự, uy tín và những gì tôi làm được cho đời này'. 

Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức từng khẳng định: "Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết.

Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê, và nói thật, vì điều gì nữa tôi cũng không thể định nghĩa. Cuộc sống mà, phải có người này người khác. Người đam mê cái này, kẻ đam mê cái kia. Tôi đam mê công việc".

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là người có nhiều phát ngôn mạnh bạo, để đời nhất gắn với sự nghiệp kinh doanh của mình. Năm 2011, bầu Đức được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á và là người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế – đặc biệt là kinh tế tư nhân Việt Nam.

Nắm giữ đa số cổ phần của một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất nước, Bầu Đức cũng tham gia sâu vào các lĩnh vực như sản xuất cao su, đồ nội thất và thủy điện tại Việt Nam và các quốc gia lân cận. Ông cũng sở hữu một câu lạc bộ bóng đá riêng và là người Việt Nam đầu tiên kể từ năm 1975 sở hữu máy bay riêng.

Hiện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất ở Lào với số vốn 1,2 tỷ USD. Khoản tiền này, được đầu tư vào các lĩnh vực như: Cụm công nghiệp mía đường, 6 nhà máy thủy điện, trồng cao su, cọ dầu, bắp, mía trên diện tích 40.000 ha…

Ngoài ra, Tập đoàn này cũng giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương và đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội hơn 30 triệu USD.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn khiến bầu Đức từ vị trí người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán rớt xuống thứ 5.

4. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn

 'Tôi rất muốn trở thành tỷ phú để đóng góp nhiều hơn cho xã hội nhưng tôi thật sự chưa là tỷ phú và tôi không muốn làm tỷ phú bong bóng. Tôi muốn làm ra đồng tiền để đóng thuế và đóng góp xã hội'.

Hồi sinh trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza), biến nó thành nơi mua sắm hàng hiệu đẳng cấp nhất Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng được đánh giá là một quyết định rất mạo hiểm của Johnathan Hạnh Nguyễn.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific – IPP) – người được gọi là ông vua hàng hiệu Việt Nam chia sẻ: “Tôi không ‘chơi ngông’, liều lĩnh hay thiếu suy nghĩ để chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza.

Bởi với tôi, đó không đơn giản là một trung tâm thương mại mà còn là khát vọng một đời của người con xa xứ”. Trong số 112 gian hàng siêu sang tại Tràng Tiền Plaza, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 20 gian.

Được đồn đoán sở hữu khối tài sản trị giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đôla với hình ảnh của dinh thự siêu xa xỉ tại Việt Nam nhưng Chủ tịch của IPP chưa từng công bố về gia tài mình có. Các số liệu thống kê chính thức về tài sản của Johnathan Hạnh Nguyễn cũng chưa từng xuất hiện.

5. Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

 "Là một nữ doanh nhân, tôi có trách nhiệm cống hiến cho nền kinh tế đất nước và mang đến sự thay đổi tích cực cho cả quốc gia, cộng đồng. Trong ánh sáng của sự bình đẳng, điều ấy đang diễn ra”.

Bà chủ hãng hàng không "bikini" VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo ghi dấu ấn với câu nói: “Bạn phải dẫn đầu và chấp nhận rủi ro một cách có tính toán".

Bà Phương Thảo là tấm gương người phụ nữ “đảm việc nước” ở thời điểm hiện tại.

Nữ doanh nhân sinh năm 1970 xếp thứ 62 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Theo Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 1 triệu đôla khi 21 tuổi.

Gần 25 năm sau, bà được biết đến là nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, người táo bạo đưa hình ảnh người mẫu mặc bikini để quảng cáo cho VietJet Air. Bởi lẽ sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam thực hiện IPO, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ đôla.

Phần lớn tài sản này đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) - dự án bất động sản 65 ha ở TP HCM và các công ty khác bà đang nắm giữ. Ngoài ra, bà Thảo còn góp vốn vào 3 khu nghỉ dưỡng, bao gồm Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang và An Lam Ninh Van Bay Villas.

“Tôi chưa bao giờ ngồi tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty phát triển tốt, thu nhập của nhân viên tăng lên và VietJet Air có thêm thị phần, vươn lên vị trí số một”, bà Thảo chia sẻ.

Thuy Hạnh (T/H)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang