Những hành vi nào bị coi là xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa?

author 06:56 26/08/2020

(VietQ.vn) - Các hành vi bị coi là xâm phạm nhãn hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ đã được quy định rõ ràng, cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Hàng loạt vụ việc giả, xâm phạm nhãn hiệu bị phát hiện

Ngày 30/7/2020, các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) gồm Cục nghiệp vụ, Tổ 368 và Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (Q.Tân Phú, TP.HCM), có địa chỉ website là khautrangnamanh.com. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện hàng trăm thùng khẩu trang tại công ty Nam Anh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ. Tổng số lượng khẩu trang sau khi kiểm đếm khoảng 151.000 chiếc.

Cùng ngày, Đội QLTT số 26 cùng Đoàn liên ngành 389 quận Hà Đông tiến hành khám phương tiện xe ô tô BKS 24N-3978 do ông Trần Văn Chanh điều khiển phát hiện hàng hóa gồm 60 thùng khẩu trang không nhãn mác (2.400 chiếc/thùng); 78 thùng khẩu trang có nhãn Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng) do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Gia Bảo Hưng sản xuất. Chủ lô hàng là ông Dương Văn Cường trú tại Tổ 5, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại thời điểm khám, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng vi phạm tại Hà Đông. 

Tiếp tục kiểm tra điểm tập kết hàng hóa do ông Dương Văn Cường làm chủ (địa chỉ số 9-11 phố Ngô Thì Sỹ, khối Đoàn Kết, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), cơ quan chức năng phát hiện 74 thùng khẩu trang không có nhãn mác (2.400 chiếc/thùng); 83 thùng khẩu trang có nhãn Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng) do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Gia Bảo Hưng sản xuất (địa chỉ: Số 145 đường Hoàng Diệu, tổ 10, phố Mới, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, xưởng sản xuất tại số 43 đường 3, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội); 23 thùng khẩu trang thành phẩm nhãn hiệu Viva Face Mask (01 thùng chứa 50 hộp, 50 chiếc/hộp) do Công ty TNHH đầu tư Công nghệ Việt Hàn sản xuất (địa chỉ: Số 18 ngách 31, ngõ 342 đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, nhà máy sản xuất Nông Trường An Khánh, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội); 715 kg vỏ hộp đựng khẩu trang và 300 kg vỏ thùng cattong mang nhãn hiệu Viva Face Mask ghi sản xuất bởi Công ty TNHH đầu tư Công nghệ Việt Hàn. Toàn bộ số hàng hóa trên ông Cường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Tại điểm tập kết, Đoàn kiểm tra phát hiện có 02 người đang thực hiện việc san khẩu trang từ các thùng khẩu trang không có nhãn mác và từ các thùng khẩu trang có nhãn Green Life Face Mask vào các hộp khẩu trang mang nhãn hiệu Viva Face Mask.

Ngày 9/5/2020, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục QLTT và Công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra kho chứa hàng của Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Đại Hồng Phát phát hiện trong kho có 4.972 kg vải giả mạo nhãn hiệu Gucci, Dior, Channel, Hermes.

Toàn bộ số vải trên nằm trong lô hàng do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Đại Hồng Phát nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh. Trên cơ sở đề nghị của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, ngày 22/6/2020, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định xử phạt Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Đại Hồng Phát về hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đối với hành vi vi phạm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Đại Hồng Phát, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh có Văn bản kiến nghị để Cục QLTT Quảng Ninh xem xét xử lý.

Ngay sau khi nhận được Văn bản kiến nghị của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, Cục QLTT Quảng Ninh đã tiến hành làm việc với Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh và ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Đại Hồng Phát để phân loại, làm rõ các hành vi vi phạm.

Căn cứ vào tài liệu do Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cung cấp và kết quả làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan, Cục QLTT Quảng Ninh đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định xử phạt vi vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Đại Hồng Phát về các hành vi: Nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo; Bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tổng mức phạt tiền là 374.000.000 đồng.

Căn cứ nào để xác định hành vi xâm phạm nhãn hiệu?

Theo khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Ảnh minh họa về nhãn hiệu hàng hóa. 

Đồng thời, tại Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP cũng đã hướng dẫn những yếu tố bị coi là xâm phậm nhãn hiệu.

Thứ nhất: Yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu

Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

Thứ hai: Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

Thứ ba: Điều kiện xác định yếu tố xâm phạm

Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.

Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện là Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định là hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ  hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang