Những hệ thống phòng thủ tên lửa ‘bất bại’ làm nên ‘siêu cường’ Mỹ

author 22:00 03/08/2017

(VietQ.vn) - Những hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang sở hữu được coi là vũ khí "bất bại" trong mọi chiến trường khiến đối thủ sợ chết khiếp mỗi khi chúng xuất hiện.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Để đối phó với các loại tên lửa đạn đạo khác nhau, Mỹ xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa phức tạp từ tầm gần đến tầm cao. Các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ được thiết kế để bảo vệ lục địa nước này, các lực lượng quân sự được triển khai trên thế giới và đồng minh khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa chiến lược của đối phương.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis 

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis là chương trình được cho là đáng tin cậy nhất của toàn bộ hệ thống phòng thủ. Hệ thống phòng thủ trên biển này được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. MDA và hải quân Mỹ dự kiến tăng số lượng tàu chiến trang bị hệ thống Aegis từ 33 năm 2014 lên 43 vào năm 2019. Tháng 6/2014, Lầu Năm Góc cho biết hệ thống này đã 28 lần đánh chặn thành công trong số 34 lần thử nghiệm.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Ảnh: TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Ảnh: TTXVN 

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) là hệ thống gắn trên xe có thể triển khai nhanh để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở trong và ngoài bầu khí quyển. Đến giữa năm 2014, có ba hệ thống THAAD được vận hành nhưng Lầu Năm Góc muốn tăng số lượng lên 7 hệ thống.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), được quân đội Mỹ chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Dự án này được thực hiện với sự hợp tác của các tập đoàn Raytheon, Boeing, Aerojet, Rocketdyne, Honeywell, BAE Systems, MiltonCAT và Lockheed Martin là nhà thầu chính.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh: VnExpress

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh: VnExpress

Sau một thời gian dài thử nghiệm, năm 2008 hệ thống THAAD chính thức đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ. THAAD tiêu diệt mục tiêu theo phương pháp tiếp cận “hit to kill” (truy đuổi - tiêu diệt), có nghĩa rằng các tên lửa đánh chặn không mang đầu đạn hạt nhân và phá hủy các mục tiêu thông qua xung lực và động năng. Giai đoạn tiếp cận tên lửa đối phương, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu đạn tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735). Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.

Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn. Tên lửa này có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ). Patriot sử dụng một hệ thống tên lửa đánh chặn và radar hiệu suất cao trên không tiên tiến. Patriot được chế tạo tại Redstone Arsenal ở Huntsville, Alabama, nơi mà trước đó đã phát triển hệ thống phòng thủ ABM (anti – Ballistic Missile)  và các tên lửa Spartan và Sprint nằm trong hệ thống Patriot.

Patriot có bệ phóng được thiết kế trên xe sơ-mi rơ-moóc. Khi đến vị trí chiến đấu, xe đầu kéo sẽ tách khỏi xe mang tên lửa, bệ phóng tên lửa sẽ được cố định bằng các chân chống thủy lực. Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65. Đây là một radar quét mạng pha điện tử bị động. Mảng an-ten của radar có thể phát đi 5.000 chùm tia mỗi giây, ngoài ra còn có hệ thống nhận dạng “bạn-thù” IFF, một mảng TVM cùng một hệ thống phụ để giảm sự ảnh hưởng của các biện pháp gây nhiễu đến hoạt động của radar.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: TTXVN 

AN/MPQ-53/65 là một radar độc đáo được thiết kế theo công nghệ "detection-to-kill" (phát hiện-tiêu diệt). Radar có thể kiểm soát 100 mục tiêu trong phạm vi 170km, nó có thể kiểm soát 9 tên lửa cùng lúc. Thiết kế radar tích hợp này có ưu điểm là giảm sự cần thiết phải có thêm hệ thống điều khiển chung, giảm sự cồng kềnh cho hệ thống.

Thông số về mục tiêu được bám sát bởi một radar duy nhất thông qua hệ thống chỉ huy AN/MSQ-104 nên độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, loại radar này đòi hỏi bộ vi xử lý số hóa mạnh để có thể đảm đương nhiều công việc cùng lúc. Nếu radar bị trúng hỏa lực, hệ thống sẽ mất khả năng chiến đấu bởi không có radar khác phụ trợ.

Có thể nói rằng chính nhờ những hệ thống phòng thủ tên lửa này khiến Mỹ trở thành siêu cường trong mọi cuộc chiến tranh kể cả trong việc phòng thủ đất nước trước mọi kẻ thù xâm lược.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang