Những hư hỏng ở hệ thống trợ lực lái thủy lực, tài xế nhất định phải biết

author 14:00 06/05/2018

(VietQ.vn) - Hệ thống lái ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của những người ngồi trên xe. Sau đây là những hư hỏng thường gặp ở hệ thông trợ lực lái thủy lực ô tô mà bạn nên biết.

Hệ thống lái có chức năng dẫn hướng cho xe khi hoạt động. Trên hầu hết các xe ô tô con hiện nay đều được trang bị hệ thống lái trợ lực thủy lực, trợ lực thủy lực – điện hoặc trợ lực điện hoàn toàn

Trợ lực lái thủy lực gồm bình chứa dầu, bơm trợ lực dẫn động đai thường bố trí chung với một số phụ tải khác như máy nén điều hòa, máy phát điện. Bơm kết nối với van phân phối thông qua đường cấp dầu cao áp. Đường hồi dầu nối van với bình chứa. Hai đường ống khác dẫn dầu từ van phân phối xuống xi lanh chấp hành được tích hợp với thước lái.

Van phân phối kết nối động với cơ cấu lái. Khi quay vô-lăng, van xoay tương ứng theo chiều đánh lái, một phía xi-lanh thông với dòng dầu áp suất cao, đẩy pít-tông lệch về một phía, dầu trong xi-lanh còn lại hồi về bình chứa. Chênh lệch áp suất giữa hai bên pít-tông tạo ra lực đẩy hỗ trợ bánh xe quay vòng.

Trong quá trình chúng ta sử dụng xe, các chi tiết trong hệ thống lái sẽ chịu tác dụng của các lực làm cho chúng có thể hao mòn, biến dạng, hoặc gây ra hư hỏng…

Thiếu dầu  trợ lực lái

Vấn đề đầu tiên chủ xe cần quan tâm khi đánh lái thấy nặng là thiếu dầu trợ lực lái. Trước khi mở nắp bình hãy làm sạch xung quanh tránh để bụi bẩn lọt vào hệ thống. Thước đo dầu thường liền nắp.

Nếu dầu dưới mức cho phép, có nghĩa rằng hệ thống đang thiếu dầu. Rất có thể đã có rò rỉ trên đường ống. Khu vực rò rỉ thường bám nhiều bụi bẩn, đó có thể là một vết nứt, hay đoạn ống gẫy. Đôi khi bạn cần khởi động máy, đánh lái nhiều lần bởi khi đó dầu áp suất cao dễ rỉ ra ngoài.

Trước khi bổ sung dầu theo đúng loại mà nhà sản xuất khuyến cáo trong sổ tay hướng dẫn sử dụng, bạn cần tìm và khắc phục các rò rỉ nếu có.

 2. Lỏng đai dẫn động bơm trợ lực

Những hư hỏng ở hệ thống trợ lực lái thủy lực, tài xế không nên bỏ qua

 Lỏng đai trợ lực lái. Ảnh minh họa

Mở nắp ca pô kiểm tra bề mặt đai, khi có nhiều vết nứt trên thân đai cách nhau khoảng 3 mm thì dây đai đó cần được thay thế.

Đai trượt bên pu-ly, động cơ hoạt động nhưng bơm quay với tốc độ yếu, áp suất chênh lệch không được duy trì cũng gây ra hiện tượng đánh lái nặng. Hiện tượng này thường kèm theo tiếng rít vì đai trượt khi đánh lái, đồng thời bề mặt tiếp xúc của đai với pu-ly nhẵn và bóng. Việc khắc phục chỉ đơn giản là căng lại dây đai.

 3. Hỏng van phân phối dầu

Những hư hỏng ở hệ thống trợ lực lái thủy lực, tài xế không nên bỏ qua

 Hỏng van phối dầu. Ảnh minh họa

 

Có thể kiểm tra van phân phối dầu bằng cách đánh hết lái sang trái rồi phải. Với cách kiểm tra này, cần đặt áp suất lốp theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu van làm việc bình thường, bạn có thể nghe được tiếng động nhẹ khi bánh lệch hoàn toàn về một phía.

Nếu không nghe được thì van có thể bị kẹt hoặc gặp phải một số vấn đề khác. Đừng giữ vô-lăng ở trạng thái đánh hết lái trong thời gian dài bởi áp lực dầu cao có thể phá hỏng hệ thống. Công việc khắc phục sự hư hỏng này đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm, tốt nhất nên đưa xe tới garage uy tín để sửa chữa ô tô của bạn.

Các liên kết của hệ dẫn động lái và treo bị dơ cũng ảnh hưởng tới sự làm việc của trợ lực lái. Do đó cần sửa chữa chúng kịp thời để toàn hệ thống làm việc tốt.

 Hoàng Yến (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang