Những khúc mắc còn tồn tại trong Thông tư về hàng hóa 'made in Vietnam'

author 05:57 26/09/2019

(VietQ.vn) - Đại diện một số cơ quan bày tỏ những kiến nghị, thắc mắc xoay quanh dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo.

Ghi hay không ghi nhãn hàng hoá là không bắt buộc

Tại Hội thảo xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam vừa được Bộ Công Thương tổ chức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số quan điểm như: Việc xác định nhãn mác cho hàng hoá đã có Nghị định 43 điều chỉnh, nhưng bản dự thảo Thông tư có Điều 3 nói đến khái niệm “xuất xứ Việt Nam là hàng hoá Việt Nam”, tức là có thể hiểu xuất xứ tại Việt Nam là hàng hoá Việt Nam hoặc hiểu ngược lại hàng hoá Việt Nam là xuất xứ Việt Nam hay không?

VCCI cũng đặt vấn đề về việc hàng hoá được phép thể hiện xuất xứ Việt Nam trên nhãn mác nhưng nếu không dùng thì có được sử dụng những cụm từ như “sản phẩm Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” hay không? Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, những khái niệm đưa ra trong Thông tư mới chỉ quy định với hàng hoá xuất khẩu chứ không bao gồm hàng hoá lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam.

Trả lời đại diện VCCI, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Ban soạn thảo cho rằng hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá lưu thông trong nước có khác nhau. Hàng hoá lưu thông trong nước còn liên quan đến việc tiếp thị sản phẩm bên cạnh việc ghi nhãn xuất xứ, ví dụ như hàng hoá sản xuất tại địa chỉ nào sẽ không cần ghi xuất xứ nữa, trong những quy định trước đây đã cho phép DN thực hiện điều nay. Tuy nhiên với Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hoá không cho phép ghi như vậy mà bắt buộc DN phải ghi xuất xứ.

Với quy định các cụm từ “chế tạo, sản xuất, chế tác…”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dự thảo Thông tư không hoàn toàn quy định xuất xứ mà quy định như thế nào là hàng Việt Nam và như thế nào là xuất xứ của Việt Nam. Với vấn đề VCCI nêu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và khắc phục.

Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, Thứ trưởng Khánh cho biết sẽ áp dụng thống nhất bởi nếu chỉ áp dụng cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam mà không áp dụng với hàng hoá nhập khẩu thì khi vi phạm sẽ rất khó xử lý.

“Việc ghi hay không ghi nhãn hàng hoá là không bắt buộc. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá chưa chắc chắn về xuất xứ hàng hoá, họ có thể dán nhãn theo hiểu biết của họ. Còn nếu đã dán nhãn “made in Vietnam” thì bắt buộc phải theo những quy định trong Thông tư này”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Ảnh minh họa 

Bộ Tư pháp chỉ ra thiếu sót của dự thảo

Cùng góp ý về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam (do Bộ Công Thương soạn thảo), Bộ Tư pháp cho rằng việc ban hành quy định cụ thể về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng nội dung dự thảo Thông tư có chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam - tức là chứa đựng những quy định về điều kiện mà theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng.

“Với nội dung như vậy cần ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Về nội dung của dự thảo Thông tư, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương “không quy định lại các nội dung đã được thể hiện tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP” mà cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn để bảo đảm yêu cầu của khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Các nội dung trùng lặp giữa dự thảo Thông tư và Nghị định 31 được Bộ Tư pháp chỉ ra gồm: các khoản 1, 2, 3, 4,7, 9 Điều 3 dự thảo Thông tư giải thích lại các từ ngữ đã được quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14, 9, 15 Điều 3 Nghị định 31; Điều 8 dự thảo Thông tư về cơ bản giữ nội dung quy định lại Điều 7 Nghị định 31, chỉ sửa đổi kỹ thuật theo hướng thay thế cụm từ "nước", "nhóm nước", "vùng lãnh thổ" thành cụm từ "Việt Nam";

Các điều 10, 11, 12, 13 dự thảo Thông tư quy định lại các điều 9, 10, 11, 12 Nghị định 31, trong khi cơ quan chủ trì soạn thảo chưa hướng dẫn được như thế nào là "lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm" tại khoản 6 Điều 10 dự thảo Thông tư và mối quan hệ của khoản 6 này với Điều 9 dự thảo Thông tư; Điều 10 dự thảo Thông tư khi quy định về các công đoạn gia công, chế biến đơn giản lại không có nội dung nêu tại khoản 7 Điều 9 Nghị định 31 về việc "Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này".

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra sự thiếu thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ của dự thảo Thông tư. Cụ thể, khoản 8 Điều 3 dự thảo Thông tư định nghĩa "Hàm lượng giá trị gia tăng là... sau khi trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hoặc trị giá nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa". Trong khi đó, khoản 3 Điều 9 dự thảo Thông tư lại sử dụng thuật ngữ "Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam".

Cũng theo Bộ Tư pháp, quy định tại khoản 1 Điều 14 dự thảo Thông tư chưa rõ ràng: nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam thì có nghĩa là tổ chức, cá nhân này được thể hiện là hàng hóa của nước khác?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương giải trình rõ hơn nội dung này.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công Thương cần bổ sung nghĩa vụ tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, không chỉ có "Thông tư này" tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Thông tư.

Trước ý kiến đóng góp từ Bộ Tư pháp và để giải thích cho nghi vấn của dư luận cho rằng dự thảo Thông tư có nhiều điểm “sao chép”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phản biện lại rằng dự thảo Thông tư có sự độc lập với các thông tư, quy định khác. “Chúng tôi không chép lại Nghị định 31 hay nghị định khác. Chúng tôi đang viết lên một thứ tương tự như vậy và chúng tôi có quyền thay đổi một số điểm để phù hợp. Vì không chép lại nên không thể nói chúng tôi chép thừa hay chép thiếu”, Thứ trưởng Khánh nói.

Về hình thức văn bản, trước góp ý của Bộ Tư pháp về việc cần ban hành dưới hình thức Nghị định, Thứ trưởng Khánh cho rằng, đây là công việc và trách nhiệm của nhiều bộ ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin Truyền thông, Khoa học Công nghệ… quy định thế nào là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thuộc lĩnh vực quản lý.

Tuy nhiên, sau một thời gian trao đổi, trên cơ sở ý kiến thống nhất của một số bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam.

Ông Khánh cũng thông tin, nhóm soạn thảo đã đề xuất để dưới hình thức nghị định nhưng không được bởi nghị định phải hướng dẫn một luật nhưng hiện nay không có luật nào quy định về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Do đó, nếu để dưới hình thức nghị định thì đây sẽ là “nghị định không đầu” và theo ông Khánh sẽ bị Bộ Tư pháp tuýt còi ngay lập tức.

“Điều này khiến anh em chúng tôi (nhóm soạn thảo thông tư – PV) quyết định để hình thức thông tư. Nhưng khi để thông tư lại xuất hiện một số vấn đề vượt qua thẩm quyền của một thông tư. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, báo cáo lại Thủ tướng về hình thức văn bản”, ông Khánh giải đáp.

Bảo Lâm

Thông tư về hàng hóa 'made in Vietnam' không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp(VietQ.vn) - Bộ Công Thương khẳng định, thông tư mới sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vì đây chỉ là Thông tư giúp doanh nghiệp ghi nhãn chính xác hơn cho sản phẩm của mình
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang