Chất lượng sống

Ẩm thực

17 món ăn Việt khiến người nước ngoài không dám ăn

author 15:57 26/06/2016

(VietQ.vn) - Việt Nam là thiên đường ẩm thực đối với du khách nước ngoài nhưng cũng có không ít món ăn Việt khiến người nước ngoài e dè, sợ hãi.

Mắm tôm: Được nhiều người Việt Nam yêu thích, loại nước chấm này lại khiến các du khách nước ngoài phải nín thở bởi mùi quá đậm. Nhiều người ví mắm tôm với Vegemite của Australia.
Món cháo mối của người Cơ Tu: Mối đang bắt còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn. Món cháo mối ăn rất thơm ngon được chế biến như sau: Nấu cháo gạo hay sắn tươi chín, cho tiếp mối đã rang vào nồi, chờ sôi lại rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Bát cháo mối với màu nâu của mối, màu trắng của cháo ăn có mùi thơm rất đặc trưng, bổ dưỡng...
Thịt chó: Đối với người nước ngoài, chó không chỉ là vật nuôi, chúng là người bạn tâm giao thân thiết. Vậy nên việc ăn thịt “người bạn” của mình quả là điều…không tưởng. Không khó để nhận thấy biểu hiện sửng sốt của bạn bè nước ngoài khi nhắc tới món thịt chó của người Việt. Ngày nay, mặc dù tình yêu thương dành cho loài chó của người Việt đã tăng lên rất nhiều, nhưng không có nghĩa là những người nuôi chó từ bỏ món ăn này. Họ vẫn ăn, miễn là món ăn được chế biến từ chó “của người khác” chứ không phải chú chó cưng của mình. Và điều này là nỗi e dè lớn nhất đối với người ngoại quốc khi tới Việt Nam “Chúng tôi có thể yêu đất nước này, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận món ăn này’”. Đó là cảm nhận của hầu hết du khách quốc tế trước thói quen ăn uống kì lạ này của người Việt Nam.
Trứng vịt lộn, trứng cút lộn: Không quá ngạc nhiên khi món ăn này đứng đầu danh sách 10 món ăn kinh dị nhất hành tinh. Người nước ngoài không thể tin được việc có thể ăn một con gia cầm còn đang trong giai đoạn phôi, chưa phát triển hoàn chỉnh bằng việc loại bỏ sự sống của nó “ngay từ trong trứng”. Một du khách nước ngoài đã miêu tả món trứng vịt lộn như thế này: “''Phải công nhận trứng vịt lộn là một trải nghiệm ẩm thực khó khăn của mình”. Việc chinh phục món ăn này đôi khi trở thành phần thi thách đố nan giải cho nhiều vị khách và từng được chương trình Fear Factor khai thác dù trên thực tế món ăn này cũng phổ biến ở một vài quốc gia châu Á khác như Nhật, Hàn Quốc, Philippine...
Tiết canh: Tiết canh “cộp mác” độc quyền của người Việt. Với quan niệm huyết tươi là loại thuốc bổ thần kì, từ xa xưa, ông cha ta đã sáng chế ra việc làm ngưng tụ tiết tươi của các động vật băm nhỏ cùng sụn, thịt bằng nước mắm pha loãng hoặc muối nhạt. Dù tính chất bổ dưỡng đã được chứng minh, và mặc dù người Việt ưa chuộng món ăn này vô cùng, thì việc chứng kiến cảnh đưa “máu đông” còn tươi nguyên vào miệng là điều vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều người nước ngoài.
Thịt chuột: Người Việt không chuộng thịt chuột bằng thịt chó nhưng tại nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ và sông Cửu Long, chuột được giao bán rộng rãi như một nhu yếu phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Thậm chí, tại nhiều miền quê, thịt chuột còn được coi là món đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ tết trọng đại. Không chỉ vậy, người Việt chế biến chuột còn rất cầu kì và...sáng tạo với trên 30 món ăn có thể kể tên có nguyên liệu chính từ chuột. Nhưng trong con mắt người nước ngoài, chuột là loài gặm nhấm hôi hám, bẩn thỉu, là tác nhân lây truyền dịch bệnh không thể “cùng chung sống”.
Nội tạng động vật: Người nước ngoài chỉ ăn thịt và da động vật, phần nội tạng bên trong hoàn toàn bị vứt bỏ. Nhưng nếu tập làm quen với ẩm thực Việt, họ cũng phải làm quen với các món ăn được chế biến từ nội tạng. Thậm chí người Việt còn cho rằng nội tạng động vật bổ dưỡng hơn nhiều phần thịt và da. Bằng một vài phương thức chế biến sáng tạo, các món nội tạng động vật hiện nay không còn là nỗi ám ảnh quá lớn với khách nước ngoài.
Bọ xít, châu chấu rang: Đây là hai trong những món nhậu khiến nhiều người ghê sợ nhất bởi nhắc tới bọ xít và châu chấu, chúng ta sẽ hình dung ra những con bọ xít có mùi hôi, nước tiểu của chúng có thể gây mù mắt. Còn châu chấu là loại côn trùng gây hại cho cây trồng và thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Tuy nhiên nếu chế biến cẩn thận, bạn sẽ có một món nhậu cực ngon và rất hợp miệng. Tuy nhiên nhiều người nước ngoài cảm thấy sợ hãi khi thử món này lần đầu.
Đuông dừa: Được coi là một trong những đặc sản nổi tiếng của Việt Nam thế nhưng khi nhìn thấy đuông dừa, bạn sẽ phải “khóc thét” vì trông chúng không khác gì những con sâu non.  Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương, sau khi giao phối loài bọ này sẽ đục khoét ngọn dừa rồi đẻ trứng vào đó, nở ra ấu trùng và lớn dần nhờ ăn cổ hũ dừa. Các ấu trùng đuông dừa có hình dáng giống con sâu non, thân mềm nhũn và có màu trắng sữa.
Nhộng: Nhộng là một món ăn dân dã và khá phổ biến ở nước ta, những con nhộng này thường là nhộng tằm, những con tằm trong giai đoạn chuẩn bị biến thành bướm được nuôi bằng lá dâu nên chúng rất sạch và lành tính.  Thông thường người ta rang nhộng với lá chanh để tăng độ thơm ngon cho món ăn, ngoài ra khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị bùi, thơm và béo ngậy của những con nhộng được nuôi béo tốt. Cùng nỗi sợ các loại côn trùng, du khách ngoại quốc sẽ cảm thấy e dè trước món ăn này.
Rươi: Rươi là một món ăn đặc sản chỉ có vào mùa thu đông ở miền Bắc. Chúng thuộc bộ giun đốt, có nhiều lông tơ và sống ở cùng tiếp giáp nước ngọt và nước lợ. Hình dáng của rươi giống như những con đỉa nước to nhưng lại có nhiều chân giống con rết, thân hình lũn nhũn với rất nhiều màu sắc khác nhau khiến cho chúng ta chỉ nhìn thôi cũng thấy ghê sợ. Thế nhưng ít ai biết rằng sau khi chế biến, rươi lại trở nên thơm ngon lạ kỳ và cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Sá sùng: Sá sùng chính là con trùn biển, có nơi gọi là con sâu cát. Ở Việt Nam, những vùng biển đặc biệt có nhiều sá sùng là Quảng Ninh, Hải Phòng, vùng biển Thủy Triều (Cam Ranh), Cần Giờ…  Sá sùng màu nâu đỏ, nhìn qua có hình dạng giống như con trùn đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát. Sá sùng sống trong hang sâu dưới cát.
  
Thắng cố: Đây là món ăn đặc trưng của miền núi phía bắc Việt Nam. Hình ảnh những chảo thắng cố nghi ngút bên bếp lửa hồng trong sớm lạnh vùng cao đã trở nên quen thuộc với các du khách. Trước đây, thắng cố được làm từ thịt ngựa, giờ có thể sử dụng bò hoặc lợn. Thịt và nội tạng được xắt nhỏ, cho vào chảo lớn xào lăn, rồi thêm nước và gia vị, ninh nhừ. Thưởng thức một bát thắng cố với rượu ngô vào mùa đông được xem là trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, món ăn này có mùi không dễ chịu gì, khiến nhiều du khách không nuốt nổi.
Nậm pịa: Xét về độ khó ăn và mùi khó ngửi thì nậm pịa còn hơn cả thắng cố. Là đặc sản của người Thái ở Tây Bắc, món ăn này được làm từ nội tạng, tiết đông, đuôi, cuống tim... của bò hoặc dê, nấu cùng loại phân non (pịa) ở ruột già, thêm gia vị và ninh nhừ. Khi chế biến xong, nậm pịa thường có màu xanh, mùi khó chịu và vị đắng. Không phải du khách nào, nhất là du khách nước ngoài, cũng dám thử món ăn độc đáo này.
Mắm cá miền Tây: Các khu chợ bán mắm là điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới đồng bằng sông Me Kong. Tại đây, du khách sẽ hoa mắt trước đủ loại mắm, từ mắm ba khía, mắm rô, mắm lóc, mắm cá linh... Tuy nhiên, nhiều du khách khuyên những người đi sau phải chuẩn bị tinh thần để không choáng trước mùi của đặc sản này.
Bánh pía: Tương tự, những ai không chịu nổi mùi sầu riêng sẽ không thể thưởng thức đặc sản bánh pía. Loại bánh có vị ngọt độc đáo và hấp dẫn này có mùi không được dễ chịu cho lắm.
Bún mắm nêm: Là món ăn nổi tiếng của Đà Nẵng và giờ đã lan ra nhiều vùng trên khắp cả nước, bún mắm nêm không thử thách du khách nước ngoài bằng mắm tôm, nhưng cũng khiến nhiều người nhăn mặt. Tuy nhiên, khi đã ăn rồi thì họ lại thích mê món này.

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang