Chất lượng sống

Ẩm thực

Những món đặc sản dân dã của mảnh đất Vĩnh Long

author 06:38 26/07/2016

(VietQ.vn) - Vĩnh Long là vùng đất của những cây trái có tiếng trong nước, các món đặc sản ở đây gần gũi và giá rẻ nhưng thật rất đáng thử.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Vĩnh Long là vùng đất của những cây trái có tiếng trong nước, các món đặc sản ở đây gần gũi và giá rẻ nhưng thật rất đáng thử.
Thả hồn dưới vòm lá xum xuê, mát rượi, tự tay chọn những trái ngon từ trên cây và tận hưởng ngay tại miệt vườn là đặc quyền của khách thăm nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long. Bưởi năm roi Vĩnh Long cũng như vậy.  Không cần quảng cáo nhiều, cái tên bưởi năm roi đã là sự đảm bảo quá tuyệt cho chất lượng dinh dưỡng của trái cây. Bưởi này đều quả, đều múi và hiếm khi bị khô.  Bưởi năm roi không ngọt hoàn toàn nhưng cũng không chua quá mà là sự kết hợp vừa phải giữa hai vị ấy làm người ăn vặt thích thú. Tách từng múi bưởi, chấm vào chén muối tôm Tây Ninh hay muối ớt cay đều ngon não nề, dễ dàng chinh phục mọi khách du lịch. Đây cũng là thứ quà tặng tiện dụng cho bạn bè, người thân.
Thanh trà là loại trái cây khác thu hút không kém bưởi năm roi. Cứ nhìn những chùm quả tròn vàng ươm lúc tháng giêng, ba, khó người nào kìm lòng mà không mua vài ký.  Có hai loại thanh trà: chua và ngọt phục vụ khẩu vị từng người. Thanh trà chín chấm muối ớt chinh phục tất cả chị em phụ nữ như rất nhiều loại trái cây chua chua được ưa chuộng xưa nay.
Bình thường, người ta chỉ ăn khoai lang luộc nhưng người dân miền Nam lại sáng tạo ra món khoai luộc chấm với mắm sống. Các nguyên liệu làm món dễ kiếm, đơn giản và gần gũi. Chỉ cần khoai lang hấp hoặc luộc chín để nguội, xắt miếng nhỏ, dừa khô nạo cơm, thêm muối mè, đậu phộng, rau sống, rau thơm rửa sạch. Khoai lang mắm sống khi xưa là món nhà nghèo nhưng giờ lại thành đặc sản của vùng đất này.  Khi ăn, dùng lá cách cuốn từng miếng khoai lang, dừa nạo, rau thơm và chấm cùng mắm. Món dân dã này đặc biệt. Hương vị bùi bùi, bở bở, ngọt thơm của khoai, và rau, vị béo dừa quyện với vị mắm mặn mang mùi đặc trưng khiến người ăn ăn hoài vẫn muốn thêm. Ăn khoai lang mắm sống sẽ thấy đâu đó hương của nước, của đồng ruộng và của những tháng ngày lam lũ nhưng an hòa với thiên nhiên của người dân nơi đây.
Cá tai tượng chiên xù nguyên con là món ăn người dân Vĩnh Long nào cũng biết. Cá tai tượng vừa từ chảo dầu vàng ruộm dọn ra cùng bánh tráng, bún tươi, rau sống và chén nước chấm chua ngọt khiến chỉ nhìn thôi cũng có thể chảy nước miếng.  Cá tai tượng thịt dai, thơm, rất lý tưởng cho món cuốn bánh tráng. Bóc tách lấy thịt cá, cho vào lát bánh tráng, xếp thêm rau thơm, bún, rau sống và cuộn thành từng cuộn rồi chấm vào chén nước chấm ngon giữa miệt vườn cây trái là cảm giác tuyệt vời nhất du khách có thể tưởng tượng trong chuyến du hí của mình.
Trái cam xoàn là một món ăn đặc sản của Vĩnh Long. Đây là một loại trái cây cùng họ với cam mật, rất dễ trồng nhất là ở vùng đất cao ráo, dễ thoát nước thì cây sinh trưởng và phát triển mạnh, thông thường cây từ 3 năm tuổi trở lên sẽ cho trái quanh năm. Trái cam xoàn to hơn quít, ruột có màu vàng, vị ngọt thanh hơn quít. Theo khoa học, cam xoàn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường thể lực, có lợi cho làn da của bạn.
Cá cháy là đặc sản Vĩnh Long, hơi nhiều xương nhưng thịt thơm và có trứng bổ, rất béo. Với loại cá này, cách chế biến đơn giản nhất là nấu cháo ăn kèm rau tần ô, rau đắng, xà lách và chút gừng thái nhuyễn. Ngoài ra, đầu bếp còn tẩm ướp cá và kho liu riu trên bếp đến khi nào xương rục ra là có thể ăn với cơm trắng. Canh chua cá cháy cũng là món ăn thanh đạm, giúp đổi vị trong các bữa ăn hàng ngày.
Ngoài kho nồi đất đặc trưng hay chiên nước mắm, cá rô còn được nấu canh với bông so đũa. Chỉ cần một kg bông so đũa và khoảng chục con cá rô cỡ nhỏ là đủ nấu thành nồi canh ngon ngọt.  Cá rô đánh vảy làm sạch, giữ lại phần mỡ béo ở bụng. Nước canh phi tỏi thơm nấu sôi, thả cá vào, đợi chín, sau đó mới cho thêm bông so đũa. Nêm nếm gia vị vừa vặn và thêm chút hành ngò thơm là món ăn sẵn sàng để thưởng thức.
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây thuộc ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long. Làng nghề này có truyền thống cả trăm năm, luôn hoạt động quanh năm. Đặc biệt làm bánh theo cách thủ công, không sử dụng hóa chất nên hương vị bánh rất ngon, khi ăn mềm dẻo với các loại: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng…Bánh tráng Cù Lao Mây cũng là món đặc sản của Vĩnh Long được nhiều du khách ưa chuộng và thích hợp làm quà biếu cho người thân.
Trước kia, cá lóc nướng trui là món ăn mộc mạc của ruộng đồng nay len lỏi vào các quán ăn bình dân, sang trọng thậm chí trở thành đặc sản của nhà hàng, khu du lịch… Cách chế biến món này khá đơn giản, thể hiện sự mộc mạc của người miền Tây, đầu tiên người ta chọn cá lóc còn sống, dùng thanh tre xiên dọc từ miệng đến đuôi cá. Sau đó, cắm thanh tre xuống đất, rồi phủ rơm lên và đốt lửa nướng. Khi cá chín, bạn có thể cuốn bánh tráng với bún, thêm ít rau cải, rau thơm… nhưng đừng quên nước chấm đi kèm phải là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me.
Bánh xèo là món ăn đặc sản của Vĩnh Long nói riêng và đất Nam Bộ nói chung. Ai từng thưởng thức bánh xèo một lần chắc không thể quên hương vị thanh tao, ngọt lành mà mộc mạc, chân chất như chính tên gọi bánh xèo là tiếng đổ bột vào chảo nóng. Bánh xèo Vĩnh Long có nhiều cách chế biến khác nhau từ kích cỡ của bánh đến nguyên liệu làm nhân thay đổi theo sở thích của mỗi người: khi thì củ sắn thái sợi cùng thịt ba chỉ với tép bạc thiệt là ngon; khi là măng tre tươi thái sợi hòa quyện cùng nấm mối vào mùa, khi thì nhân tép bông điên điển vàng rực. Ngoài ra, cách pha chế nước chấm rất riêng cũng tạo nên nét độc đáo không lẫn vào đâu được của bánh xèo Vĩnh Long.
Lẩu gà nòi là món đặc sản ai cũng muốn thử khi đến Vĩnh Long. Gà nòi ở đây là loại là thả vườn, ăn thóc, lúa, sâu bọ… chứ không dùng thức ăn công nghiệp nên khi nấu thịt gà dai, ngọt, thơm ngon chớ không bở rệu như gà công nghiệp. Khi nấu lẩu, người ta cho thêm những hạt đậu phộng vào nấu chung, gắp hạt đậu phộng vừa chín tới cho vào miệng vừa nhai vừa cảm nhận cái vị bùi bùi béo béo không thể nào quên. Lẩu gà nòi thường ăn kèm với đĩa rau mồng tơi, cải ngọt xanh mướt, hay mướp… thêm dĩa nước mắm trong dằm ớt càng làm món lẩu gà trở nên khoái khẩu hơn.
Miền Bắc có đặc sản bánh chưng, miền Nam có đặc sản bánh tét. Đặc biệt, ở các tỉnh miền Tây, bánh tét được người địa phương biến tấu nhiều kiểu khác nhau như: bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét Trà Cuôn… còn ở Vĩnh Long thì bánh tét ba nhân là món đặc sản. Nói là chỉ có ba nhân nhưng người làm còn chế biến thêm nhiều loại nhân cho vào bánh tét như chuối, dừa, mỡ, đậu xanh… để cho bánh thêm phần độc đáo. Để gói bánh tét, người ta chuẩn bị các nguyên liệu như :dừa khô, nếp dẻo thơm, chuối, đậu xanh cà, mỡ, lá chuối phơi khô, dây từ cọng lá chuối để cột bánh… Khi gói xong, cho vào nồi nấu chín, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên vị ngọt lành khó quên của bánh tét ba nhân Vĩnh Long.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang