Những mùa xuân không kịp đón giao thừa

authorTrần Thanh 20:00 28/01/2017

(VietQ.vn) - Tết Nguyên Đán đang đến rất gần và những con người này đã rất nhiều mùa xuân trôi qua họ không kịp đón giao thừa.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Thế là mùa đông giá rét đã sắp qua. Những ngày hoa tuyết trắng xóa đang được thay bằng những tia nắng xuân trải nhẹ trên nõn cây lộc nhú. Mưa bay bay nhè nhẹ như khói trong thung xa. Một mùa Xuân đang đến rất gần.Những cây đào, cây quất Nhật Tân cũng đang vươn mình trong đợt rét cuối đông để kịp nhú những bông, quả còn non tơ nhưng cũng đủ tô điểm không khí Xuân cho đất trời Thủ đô.

Trong quan niệm của nhiều người Việt, Tết Nguyên đán thực sự có ý nghĩa trọn vẹn chỉ khi được sống trong không khí họp mặt gia đình. Với những người làm ăn, học tập xa, được hưởng những nghi lễ tết cổ truyền tại quê nhà là một niềm mong mỏi đặc biệt.

Những mùa xuân không kịp đón giao thừa

Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân

Hình ảnh tết trong ký ức của nhiều người xa quê, đó là bóng mẹ ngồi bên nồi bánh chưng đỏ lửa, là dáng cha cặm cụi với chậu mai vàng, là màu đỏ của phong bao lì xì mừng tuổi, là màu xanh của bánh chưng, là màu đỏ trong tờ câu đối với nét chữ nho của ông đồ già, là màu của những ánh đèn rực rỡ trang trí trên cành đào, cây quất, là mùi của lọ dưa hành, của nồi thịt đông mẹ nấu, là mùi hương bay nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên hay ở chùa chiền ngày mùng Một Tết, là bữa cơm tất niên đoàn tụ gia đình, là sáng đầu năm uống tách trà, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhân dịp năm mới, là tiếng cười rộn rã, là khay mứt, hương trầm man mác, là những tin nhắn chúc mừng ấm áp từ người thân, bạn bè…

Những giao thừa vắng nhà

Truyền thống của người Việt Nam xưa nay vốn rất trân trọng giây phút của giao thừa. Trong tâm niệm mỗi người, thời khắc thiêng liêng ấy phải là lúc mọi người trong gia đình quây quần sum họp.

Ấy thế mà đã 4 năm nay, anh Nguyễn Hữu Khoan (quê Nghệ An), công nhân ở quận Thủ Đức, TP HCM chưa một lần anh kịp để về chung vui với gia đình giây phút ấy. Khi nhắc đến tết, đến giao thừa, gương mặt anh buồn bã: “Đã nhiều năm rồi mình không có tết. Lương mình chỉ 4 triệu đồng/tháng, chi tiêu tiết kiệm để gửi về quê phụ mẹ chữa bệnh, thuốc thang nữa nên mình không dám “xa xỉ”. Bốn năm rồi đón tết ở Sài Gòn, gọi điện về nhà chúc tết, lòng thắt lại vì thương mẹ, nhớ quê, thèm được ở bên gia đình những ngày tết lắm...”. Giọng chùng xuống, anh Hải kể bạn bè mình cũng nhiều người chẳng có điều kiện về quê, vì mỗi chuyến đi có thể tiêu hết mấy tháng lương; ai “sang” lắm thì phải dành dụm vài năm mới dám về một lần.

Những mùa xuân không kịp đón giao thừa

Đối với những công nhân làm việc xa nhà, về quê ăn tết cùng gia đình là nỗi khao khát lớn 

Cùng chung nỗi niềm với anh Khoan, chị Minh Thư (quê ở Thanh Hóa, công nhân xí nghiệp dệt may), đối với chị, Tết dường như là một định nghĩa quá xa vời. Chị chia sẻ: “Lương công nhân mỗi tháng chỉ đủ sống. Tết có thưởng thì mình gửi về cho mẹ ở quê lo cho bố bệnh nặng. Cứ thế hết năm này đến năm khác mà chưa một lần về Tết. Cứ đến giao thừa điện thoại về chúc Tết ba mẹ mà lòng buồn hiu hắt vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ tiếng pháo đêm giao thừa, nồi bánh chưng...”. Nói đến đây chị không khỏi kìm lòng. Không chỉ riêng anh Khoan, chị Thư, đối với những công nhân xa quê, họ phải đánh đổi nhiều tháng lương để có được tấm vé về quê đón Tết và tận hưởng khoảnh khắc sum vầy bên gia đình.

“Xuân này có về quê không?” là câu hỏi khiến rất nhiềucông nhân tại các thành phố lớn thấy lòng trĩu nặng. Một câu hỏi giản dị, nhưng gợi lên bao nỗi khắc khoải của những mảnh đời nghèo xa xứ.

Tâm sự ngày xuân

Dư luận đã nói nhiều tới câu chuyện của những công nhân tại các thành phố lớn, những người trực Tết ở các vùng xa xôi, như người lính ở đảo xa hay hay các thầy cô giáo trên miền biên cương. Nhưng vẫn còn đó những người trực Tết ở ngay giữa Thủ đô, với tâm sự thật “lạ”.

Thấm thoát đã qua 3 cái Tết cùng người yêu, năm nào cũng vậy, vào mỗi buổi tối tất niên, anh Trịnh Thế Nam lại cùng cô bạn gái của mình đi dạo phố phường và ngắm pháo hoa của đêm giao thừa. Nhưng Tết Đinh Dậu năm nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, khi anh không thể được hòa cùng mọi người đón không khí xuân sang mà phải dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ trực đêm tại tòa soạn.

Những mùa xuân không kịp đón giao thừa

Những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ trong những ngày tết 

 

 

 Đâu chỉ có nghiệp báo, ngành công an cũng vất vả không kém. Cùng chung nỗi niềm như anh Nam, Trung tá Nguyễn Trung Thành (Đội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội) chạnh lòng: “Trong những đêm giao thừa, nhìn người người qua lại đi chơi tết, rồi vội về với gia đình mà trong mỗi chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng chạnh lòng vô cùng. Ấy thế nhưng vì công việc, vì nhiệm vụ họ vẫn không một phút nản lòng, vẫn vững vàng ý chí gìn giữ cho sự bình yên mỗi vòng xe đang hối hả qua”.

Tết chỉ vui khi trọn sum vầy

Trong các dịp lễ lớn của dân tộc, Tết cổ truyền mang một ý nghĩa đặc biệt bởi nó luôn đi kèm với những ngày gia đình sum vầy, hội ngộ. Chính vì vậy, đối với người lao động đang làm việc và sinh sống xa quê, được về quê đón Tết càng trở thành một ước muốn mãnh liệt.

Khi không khí Tết dần ngập tràn những ngóc ngách của phố phường, nhiều công nhân cho biết lòng họ lại hướng về quê nhà. Cả một năm tất bật với công việc trong các nhà máy, công xưởng thì bình thường nhưng cứ hễ gần Tết, ước mong được về quê sum vầy cùng gia đình đối với họ càng trở nên đặc biệt. Háo hức, đếm ngược đến ngày về, hồi hộp giây phút gặp lại người thân và ngóng trông khoảnh khắc sum vầy cùng gia đình bên bữa cơm cuối năm đã trở thành tâm trạng chung của những người con xa quê.

 Ngoài kia, cuộc sống đang vội vã hối hả vô cùng. Hương đào, sắc mai đang dần ngập tràn rực rỡ Hà Nội. Và những chiến sỹ áo vàng, những công nhân áo xanh, những người khoác áo blue trắng, họ cũng đang lặng lẽ chuẩn bị những kế hoạch nhiệm vụ cho một cái tết bình yên., mặc dù rằng sẽ lại những mùa xuân nữa chẳng kịp đón giao thừa. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang