Những nguyên tắc 'bất di bất dịch' khi trang trí bàn thờ ngày Tết

author 20:00 27/01/2017

(VietQ.vn) - Từ truyền thống đạo hiếu uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam, việc đặt và trang trí bàn thờ gia tiên tiền tổ trong những ngày Tết luôn được chú trọng đặc biệt.

Cố nhà văn Băng Sơn - trong bài viết về bàn thờ trong tập tùy bút "Thú ăn chơi của người Hà Nội" đã viết: “Đối với người đi làm ăn xa xôi, Tết đến về sum họp giữa gia đình quê hương đâu chỉ là ăn cỗ Tết. Thiêng liêng, quan trọng đầm ấm là được thắp ba nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, được chắp tay tưởng niệm với bao hồi lắng về tổ tiên, ông bà cha mẹ,… những người đã về cõi xa xôi.

... Chim có tổ, người có tông. Có ông bà mới có cha mẹ. Có cha mẹ mới có mình… người Việt chúng ta quan niệm, tâm niệm thế. Suốt 3 ngày tết, bàn thờ không được để hương khói lạnh tàn. Hương trầm, hương đen, hương vòng, hương sào... cứ nghi ngút, ngào ngạt hòa cùng hương hoa, hương của mâm ngũ quả... làm căn nhà thiếu thốn nhiều thứ cũng đầy phong vị Tết, tràn ngập màu sắc mùa Xuân chứa chan niềm hy vọng mới...”.

Tuy nhiên, theo phong thuỷ, việc sửa biện và thờ cúng không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia đình. Chia sẻ với PV Tạp chí Chất lượng Việt Nam, thầy Thích Trí Thịnh – Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình) có một số lưu ý về việc sửa biện bàn thờ và ý nghĩa của những đồ vật “không thể thiếu” trưng bày trên ban thờ ngày Tết.

Những nguyên tắc 'bất di bất dịch' khi trang trí bàn thờ ngày Tết

Thầy Thích Trí Thịnh – Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng

Theo Thầy Thích Trí Thịnh, bàn thờ gia tiên sạch sẽ để bày tỏ lòng kính hiếu với các bậc tiền nhân trong dòng họ, vì thế, việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và phải được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Khi lau bàn thờ, cần sử dụng chổi quét hoặc khăn lau riêng biệt, không sử dụng chung đụng đồ lau dọn. Sử dụng nước sạch để lau dọn bàn thờ hoặc nước mưa, nước lá trầu, lá bồ…

Tuy nhiên, để trang trí bàn thờ đúng cách và những đồ vật gì nên đặt trên bàn thờ không phải gia đình nào cũng nắm rõ.

Thầy Thích Trí Thịnh cho biết, bàn thờ ngày Tết bao gồm đồ để thờ và đồ để cúng. Trong đó, đồ để thờ là những lễ vật bày biện trên bàn thờ, có thể đặt trong thời gian dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng nhưng đồ cúng phải được thay hàng ngày như cơm cúng, nước cúng,... phải đượcthay mới hàng ngày.

Trang trí đồ thờ bao gồm đôi cây đèn dầu, đôi lọ lục bình, chum nước, mâm ngũ quả... đặt 2 bên bàn thờ; những vật này không thể thiếu trên 2 bên bàn thờ mỗi gia đình và bất di bất dịch không được di chuyển.

Đồ cúng bao gồm chén nước hoặc bát nước cúng, ly rượu, nến, thức ăn chay, mặn…

Về sửa biện bàn thờ ngày Tết, Thầy Thịnh lưu ý: “Mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau, tương ứng với 5 hành trong Ngũ hàng âm dương là Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ, gia chủ nên chọn những loại quả có màu sắc ứng với mỗi hành.

Đôi lọ lục bình để bất di bất dịch phía 2 bên bàn thờ, tượng trưng cho 6 căn của một người, bao gồm tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý.

Những nguyên tắc 'bất di bất dịch' khi trang trí bàn thờ ngày Tết

Người Việt cần sửa soạn cẩn thận bàn thờ để đón Tết

Hai bên ban thờ cũng không thể thiếu đôi cây đèn dầu. Hiện nay, nhiều gia đình cho rằng, sử dụng bóng điện thay thế và chỉ cần thường xuyên lau chùi sạch sẽ để thay thế đèn dầu. Nhưng quan niệm đó không đúng, vì việc đổ dầu vào đèn và lau sáng trước khi thắp mang ý nhắc nhở con cháu phải trau dồi học hành, trau dồi kiến thức như việc trau dồi dầu cho đèn”.

Ngoài ra, sư thầy cũng lưu ý: “Chum nước đặt 2 bên bàn thờ chứa không quá đầy nước, nhưng khi cúng lễ phải mở nắp chum và đậy lại khi cúng xong. Tuy nhiên, chén nước hoặc bát nước vẫn phải có trong mâm cúng…”.

Bánh chưng, bánh dày là hai thứ tượng trưng cho Trời – Đất, được làm từ lương thực, tượng trưng cho sự no ấm, thịnh vượng, là lễ vật không thể thiếu. Khi bày lễ, chú ý rằng bánh chưng phải để theo cặp (2 chiếc) cho trọn vẹn quan hệ phu - phụ thuận hòa.

Ngoài các lễ vật trên, thì sẽ có thêm đĩa trầu cau, chén nước, và các loại bánh trái, vật thực khác.

Sư trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng – thầy Thích Trí Thịnh nhấn mạnh: “Tết đến, Xuân về, trang hoàng nơi thờ tự là một việc làm để thể hiện lòng hiếu thảo lòng kính ái với gia tiên tiền tổ, những người thiên cổ. Cần thành tâm, thiện ý, tránh những suy diễn, bày biện rườm rà, vừa tốn kém lại không đúng với ý nguyện của tiền nhân…”.

 Trần Hoàng

Nên cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên?(VietQ.vn) - Sắp đến ngày 23 tháng Chạp, nhưng nhiều người vẫn đang băn khoăn không biết nên cúng ông Công ông Táo ở đâu?

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang