Những nước giàu có tiềm lực khoa học và công nghệ rất mạnh

author 06:26 06/12/2014

(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc, những quốc gia giàu có, kiểm soát cả thế giới chính là những đất nước có tiềm lực mạnh nhất về khoa học công nghệ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ngày 5/12/2014, Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức buổi hội thảo về “tăng cường năng lực nghiệp vụ về cung cấp thông tin cho báo chí”.

Phát biểu tại hội thảo lần này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, trong một đất nước, truyền thông luôn là công cụ cần thiết, có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

"Ngày nay, mạng xã hội có thể làm cho mọi người dân ai cũng có thể trở thành các nhà báo. Việt Nam lại có tới hơn 90 triệu dân, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm đa số. Đây là thế hệ tương lai của đất nước và họ tiếp cận với công nghệ rất nhanh nhạy. Mà truyền thông thì luôn đi liền với công nghệ. Do đó, muốn phát triển công nghệ, chúng ta không thể lơ là công tác truyền thông", Thứ trưởng Tạc nói.

ông phạm công tạc, thứ trưởng bộ khoa học và công nghệ

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Viết Cường

Đánh giá về công tác truyền thông của Bộ KH&CN thời gian qua, ông Tạc thẳng thắn chỉ rõ: “Hiện nay công tác này của Bộ còn khá yếu so với các Bộ ngành khác. Nhiều năm trở lại đây, những chính sách về khoa học công nghệ của Việt Nam đã có thay đổi lớn. Bộ đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy cho khoa học công nghệ Việt Nam phát triển".

Để khẳng định vai trò to lớn của khoa học công nghệ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mượn ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trong lễ công bố ngày khoa học công nghệ Việt Nam (18/5). Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói: “Đối với mỗi quốc gia, những tiềm lực về khoáng sản, tài nguyên, đất đai, mặt nước v.v… qua các thế hệ khai thác, sử dụng chỉ có thể tiêu hao chứ không thể phát triển được. Nhưng riêng tài sản trí tuệ của dân tộc, càng sử dụng càng nhiều lên, càng giàu có lên, càng phát triển lên”.

Cũng theo Thứ trưởng Tạc: “Các vị nhìn lại lịch sử từ thời kỳ Phục Hưng đến giờ, khi công nghiệp bắt đầu phát triển vào thế kỷ 16, 17, 18 thì sau này những quốc gia giàu có, kiểm soát cả thế giới chính là những đất nước có tiềm lực mạnh nhất về khoa học công nghệ. Ngày nay, đâu đâu cũng thấy smartphone, iphone, ipad… đó là nhờ vào tri thức, khoa học công nghệ. Một lần nữa có thể khẳng định, chỉ có khoa học mới giúp cho đất nước phát triển được. Một số nước ở Châu Á như Nhật Bàn, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc đã tạo ra những sự thay đổi đột biến về kinh tế cũng nhờ vào công nghệ".

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, phó khoa báo chí

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó khoa Báo chí HV Báo chí & Tuyên truyền đang chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm cho can bộ, nhân viên truyền thông của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Viết Cường

Tại hội thảo lần này, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã dành nhiều thời gian để chia sẻ đến các “học viên” những kiến thức, kinh nghiệm quý báu về công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho báo chí.

"Đất nước đang phát triển theo hướng hiện đại thì lĩnh vực khoa học công nghệ luôn phải được ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này. Đó một phần do những người làm truyền thông đã chưa truyền tải được tới họ ý nghĩa của khoa học công nghệ trong đời sống kinh tế xã hội. Bởi vậy, nhiệm vụ của những người làm truyền thông là phải làm thế nào để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của khoa học công nghệ, qua đó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, đột phá của mỗi cá nhân trong lĩnh vực này", bà Hằng nói.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang