Những ông bầu quyền lực của bóng đá Việt

author 07:16 23/04/2014

(VietQ.vn) – Sở hữu một trong những CLB bóng đá lớn nhất Việt Nam, nắm trong tay tập đoàn kinh tế lớn…Bầu Đức, Bầu Kiên, Bầu Hiển..là những cái tên nắm giữ quyền lực trong làng bóng đá Việt.

10 năm, kể từ khi bóng đá Việt chuyển mình trở thành một giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu khu vực thì tầm ảnh hưởng của các ông bầu ngày càng lớn.

Dường như với tiềm lực kinh tế vững mạnh thì chuyện sở hữu một đội bóng không còn là chuyện hiếm trong giới doanh nhân. Với tài năng và cái duyên với bóng đá, các ông bầu dưới đây đang đưa bóng đá Việt Nam lên một bước tiến mới.

Bầu Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chủ sở hữu CLB HAGL

Bầu Đức

Có lẽ Bầu Đức là cái tên đã quá quen thuộc trong giới doanh nhân và nền bóng đá Việt. Bầu Đức đang ngày càng thể hiện quyền lực của mình với những đóng góp to lớn sau những gì “những đứa con cưng” của ông mang lại cho người hâm mộ.

Nếu có giải thưởng tôn vinh hay vì sự cống hiến trong bóng đá, chắc chắn ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai Group, Đoàn Nguyên Đức, phải là “nhân vật của năm”.

Mới đây U19 – “Những đứa trẻ của bầu Đức” đã mang lại vinh quang và niềm tự hào cho người hâm mộ bóng đá Việt. .

 Trong bối cảnh nền bóng đá u ám, xuống cấp, với hàng loạt những cuộc bể dâu, thậm chí là đổ vỡ ở thượng tầng, U19 Việt Nam xuất hiện như một làn gió mới. Chúng ta không bao giờ được phép xóa bỏ những giá trị cũ, nhưng hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào cái mới. Bầu Đức và những đứa trẻ của ông thực sự đã gieo vào tai, vào mắt và vào tim một bộ phận đáng kể người hâm mộ, tình yêu và cả niềm tin về một tương lai tốt đẹp.

Thành lập đội bóng HAGL, tậu Kiatisuk với bản hợp đồng ấn tượng và gây shock ở thời điểm năm 2001: đầu tư hơn 120 tỷ đồng, hợp tác với CLB Arsenal (Anh quốc) để mở Học viện bóng đá tại Pleiku… không chỉ đơn giản là vì tình yêu bóng đá. Ông từng tuyên bố: “Làm bóng đá để quảng cáo Hoàng Anh Gia Lai là đúng rồi. Không có gì đem lại lợi nhuận vô hình nhanh và… rẻ như làm bóng đá”. Sự thật là bóng đá mang đến cho ông cùng tập đoàn HAGL lợi nhuận về thương hiệu và mặt hình ảnh không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.

Khoảng những năm 2000, cái tên bầu Đức mới thực sự nổi như cồn khi quyết định đầu tư cho bóng đá Gia Lai - vốn chẳng tên tuổi gì trong làng bóng với số tiền thời điểm đó khiến người ta choáng váng: 8 tỷ/ năm. Chỉ là đội hạng nhất, bầu Đức đã dám chơi ngông lấy về chân sút Kiatisak của Thái Lan và bảo hiểm đôi chân cầu thủ này 1,5 tỷ. Đó chưa phải là tất cả khi HAGL thực hiện chính sách thành công nhanh chóng, thu lượm rất nhiều sao ở V.League và cũng rất nhanh chóng trở thành một quyền lực trong làng bóng đá Việt Nam. Lên V.League và vô địch ngay năm đó, HAGL và Bầu Đức trở thành một hiện tượng.

Tất nhiên, bầu Đức chưa bao giờ tách bóng đá ra khỏi câu chuyện kinh doanh. Thậm chí lấy bóng đá để kinh doanh và lấy kinh doanh nuôi bóng đá là mục tiêu của ông bầu phố Núi.

Bầu Kiên – ông bầu vướng vòng lao lý

Bầu Kiên

Dù đang bị xét xử, Nguyễn Đức Kiên vẫn luôn là ông bầu ấn tượng nhất từng có trong làng bóng Việt mà đến giờ, đôi khi fan túc cầu vẫn mong trở lại.

Trong lễ tổng kết mùa giải năm 2011, bầu Kiên đã kịch liệt chỉ trích VFF với những ngôn từ vô cùng gay gắt. Có lẽ ông là người đầu tiên dám thẳng thắng đến thế, tung hê hết mọi góc khuất của làng túc cầu Việt lên trước truyền thông đại chúng.

Quá chán nản với VFF, bầu Kiên đã nảy ra ý tưởng thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) rồi thuyết phục các ông bầu khác như bầu Thắng (ĐTLA), bầu Đức (HAGL)… gia nhập.

Sau này, VPF đã thay VFF nắm quyền điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam (V-League và giải hạng nhất).

Sự ra đời của VPF cũng đánh dấu một cuộc chiến lớn là cuộc chiến giành bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam với VFF và AVG. Trước đó, VFF đã ký HĐ nhượng quyền truyền hình cho AVG với giá rẻ trong 20 năm.

Khi quản lý CLB bóng đá Hà Nội, bầu Kiên cũng khiến cả nước phải ngước nhìn khi chiêu mộ Công Vinh. Thời điểm cuối năm 2011, Công Vinh đã hứa sẽ ở lại Hà Nội T&T của bầu Hiển.

Song rất bất ngờ, anh nhận lời đến với CLB bóng đá Hà Nội, nhận khoản tiền lót tay 13 tỷ. Bầu Hiển đã phải ngậm ngùi thừa nhận có lẽ Công Vinh đến với bầu Kiên vì tiền!

Bầu Hiển – ông bầu âm thầm của bóng đá Việt

Bầu Hiển

Nhắc tới “Bầu” Hiển, người ta sẽ nghĩ ngay tới một doanh nhân luôn rất “nhiệt” với bóng đá Việt Nam. Không chỉ là ông chủ tập đoàn T&T và chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB, 'bầu' Hiển còn có cơ nghiệp đồ sộ. Trong đó, tập đoàn T&T của ông xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, tài chính, công nghiệp và thể thao.

Mới đây, khi bầu Đức cùng đám trẻ Học viện bóng đá HAGL- Arsenal JMG gây tiếng vang tại các giải trẻ quốc tế thì bầu Hiển “âm thầm” sưu tập trọn bộ các giải thưởng danh giá nhất: vô địch V.League cùng HN T&T, vô địch Cúp QG cùng SHB.Đà Nẵng, vô địch giải U.21 báo Thanh Niên bằng đội U.21 HN T&T.

Ông không chỉ được biết đến với những thương vụ đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, tài chính, bất động sản mà còn gây "ồn ào" trong đời sống bóng đá Việt mấy năm qua bởi sự mạnh tay chi tiền và có phần hơi... kỳ bí của mình.

Ông từng gây sửng sốt khi đưa T&T Hà Nội 3 năm thăng 3 hạng và phá kỷ lục thị trường chuyển nhượng nội địa với việc qua mặt tất cả để có được chữ ký của chân sút Lê Công Vinh, đồng thời sở hữu 3 đội bóng tại Việt Nam (trong đó 2 ở Vleague là T&T Hà Nội và SHB Đà Nẵng). Với sự đầu tư mạng tay cho bóng đá như thế này, nhiều chuyên gia dự đoán ông Hiển sẽ trờ thành một tài phiệt bóng đá ở Việt Nam.

Hương Mi (th)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang