Những phi vụ khiến PVC thời Trịnh Xuân Thanh lỗ hàng nghìn tỷ đồng

authorLan Ninh 18:07 18/09/2016

(VietQ.vn) - Dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Tổng công ty PVC đã nhận nhiều hợp đồng, có nhiều hoạt động hoành tráng, tốn kém.

Tin tức đăng tải trên báo Pháp Luật TP HCM, từ năm 2009 đến tháng 5/2013, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN. Thời điểm này, PVC niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán PVX.

Không lâu sau, PVX trở thành một trong những mã nóng nhất khi khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu cổ phiếu mỗi ngày. Đây cũng là cơ sở để PVC phát hành thành công thêm cổ phiếu vào đầu năm 2010, tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỉ đồng.

Nhưng ngay trong những năm tiếp theo, PVC có dấu hiệu đi xuống rồi lâm vào thua lỗ. Năm 2012, doanh thu của PVC đạt 4.600 tỉ đồng nhưng lỗ hơn 1.300 tỉ đồng. Năm 2013, PVC tiếp tục lỗ gần 2.000 tỉ đồng. Đặc biệt, PVC còn phải gánh nợ quá hạn hàng trăm tỉ đồng vay ở các ngân hàng.

Dự án ethanol Phú Thọ đến nay vẫn chưa thể hoạt động. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo báo Tuổi Trẻ, từ năm 2011 - thời điểm PVC bắt đầu đi xuống nhưng đây cũng là lúc tổng công ty này có những dự định rất lớn. Lãnh đạo PVC lúc đó từng khẳng định quyết tâm sẽ xây tòa nhà cao nhất VN.

Đó là tòa nhà đa năng, tháp dầu khí bao gồm văn phòng hạng A, khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp. Công trình dự kiến gồm 2 tòa tháp cao 79 tầng và 54 tầng, khối đế cao 4 tầng, xây dựng trên diện tích 65.000m2, với tổng mức đầu tư 600 triệu USD.

Để chuẩn bị cho siêu dự án này, PVC tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, do suy giảm kinh tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong diện phải giãn, hoãn các dự án đầu tư ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Mặc dù vậy, PVC vẫn quyết tâm đầu tư siêu dự án. Thậm chí, năm 2011 PVC tổ chức hẳn cuộc thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc. PVC ký hợp đồng tư vấn thiết kế và lập dự án đầu tư với Công ty Pelli Clarke Pelli Architects (Mỹ). Sau đó, dù đã tốn không ít tiền của, PVC đã phải cắt giảm số tầng dự kiến và sau đó... dừng luôn dự án này. Sau khi PVC được công khai việc thua lỗ, ban lãnh đạo cũ bị điều chuyển, hàng loạt vấn đề đã được hé lộ.

Lấy mẫu phân tích 168 tấn bùn nhập khẩu của Formosa Hà Tĩnh(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã tiến hành lấy mẫu phân tích 168 tấn bột nhập khẩu của Formosa Hà Tĩnh và gửi ra Trung ương xét nghiệm.

Điển hình là hàng loạt cán bộ của một công ty con thuộc PVC là PVC-ME đã bị cơ quan điều tra khởi tố bởi các hành vi vi phạm pháp luật như lập và ký khống một loạt hợp đồng, chứng từ thanh toán tại một số công trình mà PVN và các doanh nghiệp thành viên của PVN đầu tư như dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng... để rút tiền tiêu xài cá nhân.

Trong thời gian ông Vũ Đức Thuận và ông Trịnh Xuân Thanh còn tại vị, PVC nhận được nhiều hỗ trợ từ PVN. Năm 2011, PVC chủ trương phát hành thêm cổ phiếu với mục đích tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỉ đồng lên 5.000 tỉ. Kết thúc đợt chào bán phát hành cổ phiếu, PVC chỉ bán 150 triệu cổ phần (tương đương 1.500 tỉ đồng).

Trong 1.500 tỉ đồng phát hành thêm, PVN đã góp tới 1.100 tỉ đồng. PVC công nhận một số cổ đông hiện hữu và bản thân cán bộ nhân viên của PVC từ chối quyền mua nhưng PVN quyết tâm đứng ra mua lại phần này, giúp PVC nâng vốn điều lệ thành công lên 4.000 tỉ đồng.

PVC cũng được chỉ định thầu nhiều dự án ngành dầu khí. Khi tiến hành tái cấu trúc và tăng vốn điều lệ năm 2012, PVC cũng không giấu giếm khi thông báo được PVN dành cho hàng loạt dự án trọng điểm như: tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, Trung tâm nhiệt điện Long Phú, topside H4 mỏ Tê Giác Trắng, Khu công nghiệp dầu khí Soài Rạp - Tiền Giang... Tuy nhiên, tại nhiều dự án PVC đã gặp bế tắc, điển hình là ở dự án xây dựng Nhà máy ethanol Phú Thọ.

Giữa năm 2012, PVC đã mất cân đối về tài chính, đặc biệt là vốn để đầu tư, sử dụng vốn của các dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt...

Tại thời điểm kiểm tra, PVC có vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng, nhưng nợ ngắn hạn hơn 9.600 tỉ đồng, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.100 tỉ đồng. Tổng số nợ gốc vay quá hạn tính đến hết năm 2011 đã là 993 tỉ đồng với lãi vay từ 4,9-21%/năm.

Ngoài ra, PVC được xác định sử dụng vốn không đúng mục đích, đặc biệt vốn của ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 ứng cho để thực hiện dự án.

Đoàn kiểm tra kết luận nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc mất cân đối tài chính của PVC là do việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài chính dài hạn trong khi hiệu quả đầu tư tài chính thấp.

Mặt khác, PVC đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết mang lại hiệu quả thấp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Từ kết quả kiểm tra thực tế, ban xây dựng PVN đã kiến nghị PVC cần nghiêm túc chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành; không dùng năng lực của công ty mẹ để đấu thầu rồi chuyển toàn bộ hợp đồng cho các công ty con hoặc công ty liên kết; phải sử dụng vốn đúng mục đích và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Mặc dù được cảnh báo về năng lực hoạt động yếu kém của PVC, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra thua lỗ ở đơn vị này nhưng vụ việc không được xử lý đến nơi đến chốn.

Về sau cả ông Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh vẫn được điều chuyển, được cất nhắc ở những vị trí khác.

Ninh Lan (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang