Những vụ khách hàng lao đao vì tiền tỷ biến mất trong sổ tiết kiệm ngân hàng

authorMạnh Long 08:00 26/09/2016

(VietQ.vn) - Làm sổ tiết kiệm được cho là một cách giữ tiền an toàn bậc nhất tuy nhiên nó vẫn tồn tại những rủi ro do không cẩn trọng trong một số thao tác.

Theo báo Tuổi trẻ, sáng 22/9, bà Ngô Phương Anh (57 tuổi, ngụ Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết ngày 21/9 bà đã làm đơn tố cáo ông Phạm Thế Long, giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, cùng một số nhân viên ngân hàng chiếm đoạt 32 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm do bà đứng tên.

Ngày 20/4 bà Bùi Thị Anh Thư (35 tuổi, thường trú tại đường Đào Duy Từ, Đà Lạt) đề nghị bà đi cùng tới BIDV chi nhánh Tây Hồ để hoàn tất thủ tục sang tên sổ tiết kiệm 30 tỉ đồng. Việc sang tên do bà Thư mua miếng đất trị giá 36 tỉ đồng của gia đình bà Anh tại Đà Lạt cách đó ít tháng.

Trước đó, để trả số tiền mua nhà đất 36 tỉ đồng, bà Anh Thư đã làm hợp đồng ủy quyền cho bà Phương Anh sở hữu một sổ tiết kiệm có kỳ hạn 30 tỉ đồng mang tên Bùi Thị Anh Thư, do phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ phát hành vào ngày 21/1 và ngày hết hạn là 21/4/2016.

Khách hàng lao đao vì tiền tỷ đột nhiên biến mất trong sổ tiết kiệm. Ảnh minh họa 

Tại đây, khoảng 17g30 bà Anh Thư và bà Phương Anh gặp ông Phạm Thế Long, ông Chung (chưa xác định được tên đầy đủ, chức vụ). Ông Long nói bà Anh và bà Thư đưa chứng minh nhân dân để photo và đưa một tờ giấy trắng không có nội dung yêu cầu bà ký phía dưới.

Bà Anh giải thích với báo Tuổi trẻ: “Ông Long yêu cầu tôi ký vào tờ giấy trắng A4 và nói làm vậy để ngân hàng xác nhận xem có giống với mẫu chữ ký của tôi từng đăng ký tại ngân hàng hay không. Sau đó, ông Long nói thủ tục đã hoàn tất và hẹn tôi tới sáng 22/4 quay lại nhận sổ”.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, bà Phương Anh kể: “Sáng 
22/4, tôi trở lại phòng giao dịch D2 Giảng Võ làm thủ tục nhận sổ tiết kiệm. Ông Long đưa hơn 10 tờ giấy có tiêu đề “giấy nộp tiền” nhưng không có nội dung, yêu cầu tôi ký phía dưới. Do chủ quan, tôi chỉ nghĩ phát hành sổ tiết kiệm mới nên ký để nộp vào thẻ mới nên đồng ý. Ngoài ra, còn có hai tờ giấy màu hồng cam kết không rút tiền trước thời hạn. Sau đó ông Long và ông Chung đưa sổ tiết kiệm mới kèm theo 5 bản sao y do ông Long ký và đóng dấu. Nhận sổ tiết kiệm mới mang tên Ngô Phương Anh có kỳ hạn là 3 tháng, trị giá 32 tỉ đồng, tôi và chồng tin tưởng gửi trả lại sổ tiết kiệm mang tên Bùi Thị Anh Thư cho ông Chung cầm”.

Thảm án Quảng Ninh: Bên trong ngôi nhà 4 bà cháu bị giết hại(VietQ.vn) - Ngôi nhà 2 tầng nơi 4 bà cháu bị giết trong thảm án Quảng Ninh bao phủ không khí tang tóc, cơ quan chức năng phát hiện nhiều dấu vân tay, dấu giày

Tuy nhiên, sự việc bắt đầu nảy sinh khi ngày 21/6 ông Chung nhắn tin vào điện thoại di động của bà Phương Anh: “Sổ ở BIDV tới thời hạn phải trả, cháu cho chị Thư mượn tiền để làm sổ cho cô, bây giờ đã đến hạn tất toán. Cô ra Hà Nội giúp cháu, nếu không tên cô sẽ bị treo trên toàn hệ thống ngân hàng, sau này không ai giao dịch với cô đâu”.

Nhận được nhiều tin nhắn từ ông Chung, ngày 1/7 bà Phương Anh đã nhờ người quen làm tại BIDV ở TP.HCM kiểm tra thì phát hiện 32 tỉ đồng đã bị rút sạch vào trưa 22/4.

Cũng trả lời Tuổi trẻ, ông Vũ Hoàng Dương - giám đốc chi nhánh BIDV Tây Hồ - cho biết sổ tiết kiệm đã được tất toán vào ngày 22-4. BIDV kiểm tra toàn bộ chứng từ thì thấy đầy đủ gồm có giấy báo mất sổ và đề nghị rút tiền do bà Anh ký và các giấy tờ về nhân thân gồm chứng minh nhân dân, mẫu chữ ký của bà Anh.

Khi rút tiền, bà Anh đã không rút tiền mặt mà tất toán sổ tiết kiệm rồi chuyển khoản cho 10 cá nhân bằng việc ký 10 giấy ủy nhiệm chi.

Về bằng chứng ghi lại những giao dịch tại phòng giao dịch, ông Dương cho biết có camera ghi lại nhưng chỉ lưu trong khoảng 3 tháng, sau đó ghi đè lên. Ông Dương cho biết thêm ông Phạm Thế Long hiện nay không còn là giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ.

Thông tin đăng tải trên báo Dân trí, Dương Thanh Nghị (41 tuổi, quốc tịch Pháp, quê Bà Rịa – Vũng Tàu), thời gian làm việc ở Pháp, ông dành dụm, sau đó gửi tiền tiết kiệm tại phòng giao dịch Hòa Hưng. Thời điểm lúc này, ông Nghị thường xuyên liên lạc với ông Nguyễn Lê Kiều Quang (SN 1978, ngụ Q.Bình Thạnh) – là giám đốc phòng giao dịch Hòa Hưng.

Tháng 12/2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn, ông Nghị tới ngân hàng rút hết các sổ cũ, dồn các sổ đó lại cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư. Khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, ông Quang và nhân viên đưa cho ông Nghị ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng - theo lời ông Quang là những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền cho đỡ mất thời gian.

Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần ông Quang cũng đề nghị như vậy, ông Nghị không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên lần này cũng ký. Hoàn tất mọi thủ tục, ông Quang đưa cho ông Nghị sổ tiết kiệm với đầy đủ thông tin của cá nhân cũng như thể hiện rõ số tiền 400.000 euro.

Sau khi gửi tiền, ông Nghị còn đề nghị ông Quang chứng minh cho tôi thấy số tiền 400.000 euro mang tên ông có trong hệ thống ngân hàng hay không và ông Quang đã mở phần mềm cho ông Nghị xem thì thấy đầy đủ thông tin thể hiện số tiền gửi là 400 ngàn Euro.

Đến đầu tháng 2/2015 ông Nghị đến ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi xin rút khoản tiết kiệm trên để giải quyết việc cá nhân. Tại đây, nhân viên cho ông biết, ngân hàng cần thời gian chuẩn bị số tiền lớn giao cho ông nên hẹn 2 ngày sau.

Đúng hẹn ông Nghị gặp giám đốc chi nhánh cùng 1 cán bộ công an tên Hải. Thế nhưng ông Nghị bất ngờ khi được cho biết là, có 2 sổ tiết kiệm đứng tên ông, có cùng ngày gửi, cùng số tiền gửi nhưng 1 trong 2 sổ đó được thế chấp để vay số tiền 10,4 tỷ đồng ngay tại ngân hàng Agribank. Nghi ngờ tiền của mình bị chiếm đoạt nên ông Nghị cùng luật sư gửi đơn tố cáo vụ việc ra cơ quan công an.

Được biết, 2 sổ tiết kiệm có chủ sở hữu tên Dương Thanh Nghị có cùng ngày gửi, cùng số tiền 400 ngàn Euro nhưng khác số hiệu. Sổ tiết kiệm được thế chấp tại Ngân hàng Agribank để vay 10,4 tỷ đồng thể hiện chữ ký được cho là của ông Nghị. Trong bảng sao kê nhận tiền cũng có chữ ký được cho là của ông này. Cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành giám định các chữ ký này.

Liên quan đến vụ việc này, Agribank đã đề nghị Công an TPHCM xác định quan hệ cá nhân giữa ông Nguyễn Lê Kiều Quang và ông Dương Thanh Nghị đối với khoản tiền gửi 400.000EUR nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng, tham ô tài sản của Nhà nước. Agribank khẳng định quyền lợi hợp pháp của khách hàng gửi tiền luôn được đảm bảo và bảo mật.

Theo Vnexpress, năm 2012, một vụ sổ tiết kiệm bỗng dưng bị mất 1,1 tỷ đồng cũng từng xảy ra tại VIB. Thời điểm đó, khách hàng Trần Thị Hòa gửi tiết kiệm 1,4 tỷ đồng tại chi nhánh VIB, quận 11, TP HCM từ ngày 14/8. Đến ngày 20/11/2012, khách hàng này đến ngân hàng để giao dịch thì phát hiện sổ tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng chỉ còn ghi nhận 300 triệu đồng, tức 1,1 tỷ đồng đã "bốc hơi".

Đại diện VIB lúc đó xác nhận có sự sai lệch giữa số tiền trong sổ gửi tiết kiệm của khách hàng với tài khoản trong hệ thống. Ngân hàng còn cho biết, sau khi kiểm tra, bước đầu cho thấy có một số chứng từ rút tiền tại VIB, quận 11 có chữ ký của khách hàng.

Tuy nhiên, khách hàng khẳng định không có bất kỳ giao dịch nào với nhân viên của VIB, quận 11, không rút tiền lần nào, còn các chữ ký là giả. Có một phiếu chi là chữ ký thật nhưng khách hàng cho rằng bị lừa ký chứ chưa hề đi rút tiền. 

Sau đó, VIB đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh làm rõ. Theo nhận định ban đầu, lỗi không thuộc về khách hàng nên phía Ngân hàng Quốc tế thống nhất chủ trương trả lại tiền, không để ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Theo đó, ngày 21/12/2013, VIB đã trả lại toàn bộ số tiền bị "bốc hơi" cho bà Trần Thị Hòa. Tính cả gốc và lãi, số tiền hoàn trả hơn 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã chỉ đạo VIB quận 11 rút kinh nghiệm đồng thời vẫn nhờ cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sự việc.

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang