Những vụ thâu tóm thương hiệu Việt đình đám

author 13:56 10/06/2014

(VietQ.vn) - Chỉ trong vòng một thập niên qua, hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam đã biến mất, hoặc bị đổi chủ với muôn vàn lý do khiến người tiêu dùng tiếc nuối

Bị thâu tóm, không chịu nổi sức ép tài chính, sự đơn độc trên con đường phát triển, hụt hơi trong hội nhập, chủ động chuyển nhượng, thậm chí bị lừa gạt... chỉ trong vòng một thập niên qua, hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam đã hoặc biến mất, hoặc bị đổi chủ. Mỗi thương hiệu một lý do nhưng nó đang khiến kỳ vọng xây dựng thương hiệu quốc gia bền vững như Samsung của Hàn Quốc, Honda của Nhật... trở nên xa vời. 

Thương vụ thâu tóm Phở 24

Nuôi mộng biến Phở 24 thành thương hiệu đẳng cấp thế giới nhưng cuối cùng ông chủ Lý Quý Trung lại dứt ruột bán “đứa con” của mình để đổi lấy 20 triệu USD.

Phở 24 bị thâu tóm

Phở 24 là một trong những thương hiệu Việt đình đám nhất bị thâu tóm

Tính cả thời gian đàm phán hợp đồng, thương vụ mua bán Phở 24 đã diễn ra cách đây 2 năm. Trong suốt hai năm qua, giới kinh doanh dù thạo tin cũng chỉ có thể biết được những diễn biến sơ lược nhất. Đó là Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee mua 100% cổ phần Phở 24 từ ông chủ Lý Quý Trung với giá 20 triệu USD trong tháng 11/2011. Điều đáng nói, ông Trung khởi nghiệp xây dựng Phở 24 chỉ với vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Hiện tại, Phở 24 có tới 2 ông chủ mới. Đó là Tập đoàn JolliBee của ông Tony Tan Caktion và công ty Việt Thái Quốc Tế của ông David Thái. Cả hai đơn vị này cùng nắm giữ 50% cổ phần sau khi Việt Thái Quốc Tế bán lại 50% cổ phần của Phở 24 cho thương hiệu ăn nhanh nổi tiếng của Philiphines.

Thực tế, Phở 24 hay Highlands Coffee là bước đệm để Jollibee đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng số 1 tại châu Á và có tên trong danh sách những thương hiệu hàng đầu thế giới. 

Thương hiệu kem đánh răng P/S hay Dạ Lan có cùng một cái kết

P/S xuất hiện từ năm 1975,  thuộc  Xí nghiệp sản xuất kem đánh răng Phong Lan. Có thời điểm, P/S chiếm tới 60% thị phần, cùng với Dạ Lan trở thành những ông lớn độc chiếm thị trường kem đánh răng Việt. Năm 1997, Phong Lan liên doanh với Unilever cùng khai thác P/S.  Phong Lan gia công vỏ hộp kem đánh răng (bằng nhôm) cho liên doanh. Một thời gian sau, công nghệ sản xuất vỏ kem đánh răng nhôm bị khai tử, Phong Lan không đủ sức đầu tư công nghệ mới, và  thương hiệu nổi tiếng một thời giã biệt với quyền sở hữu Việt Nam.

kem đánh răng PS bị thâu tóm

Kem đánh răng PS cũng giã biệt quyền sở hữu Việt Nam

Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan từng là một trong những thương hiệu Việt đình đám, chiếm tới gần 70% thị phần cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào, thị phần của hãng chiếm tới 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trịnh Thành Nhơn - người tạo ra thương hiệu này - lại bán Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD.

kem đánh răng Dạ Lan bị thâu tóm

Kem đánh răng Dạ Lan cũng cùng chung số phận

Thương hiệu Tribeco bị Uni-President thâu tóm

tribeco bị thâu tóm

Tribeco - thương hiệu giải khát mạnh nhất Việt Nam về tay Uni-President

Trước ngày bị Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) thâu tóm, Tribeco hoạt động được 20 năm, là một trong những thương hiệu nước giải khát mạnh nhất  Việt Nam. Lên sàn vào cuối năm 2001, chính thức liên doanh vào năm 2008, đến tháng 8/2012, Uni-President - đơn vị nắm 43,6% cổ phần của Tribeco - đã mua lại cổ phần trôi nổi của doanh nghiệp có mức lỗ luy kế trên 300 tỷ đồng với giá bèo. Tribeco chính thức về tay Uni-President.

Bia Việt “sủi bọt” theo vốn ngoại

Thương vụ đình đám nhất gần đây chính là việc “đổi quốc tịch” của bia Huế. Vào giữa những năm 90, các Công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn. Họ tìm lối thoát bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các Công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ. 

Bia Huế bị thâu tóm

Thương vụ thâu tóm bia Việt lại được đánh giá là “đôi bên cùng có lợi”

Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. 

Hãng bia Đan Mạch này đã bỏ ra 1.875 tỉ đồng để mua lại phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bia lớn nhất miền Trung, Công ty Bia Huế. Trong đó, 775 tỉ đồng trả cho giá trị hữu hình là cơ sở vật chất của 2 nhà máy và hơn 1.100 tỉ đồng trả cho giá trị thương hiệu Bia Huda. 

Thương vụ thâu tóm bia Việt lại được đánh giá là “đôi bên cùng có lợi”.

Kem Tràng Tiền -  công ty “vàng” giá rẻ

Ra đời từ năm 1959, cho đến nay Kem Tràng Tiền của Công ty Cổ phần Tràng Tiền luôn là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội. Kem Tràng Tiền trở thành một nét văn hóa đặc trưng của thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, giá trị thực của thương hiệu này không chỉ chỉ có vậy mà còn nằm ở khu đất 1.500m2 mà nó sở hữu.

kem tràng tiền bị thâu tóm

Kem Tràng Tiền bị ngấm ngầm thâu tóm 80% số cổ phiếu của công ty

Ông Lê Kim Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tràng Tiền lúc đó cho biết: "Có một nhóm cá nhân ngoài công ty có tiềm lực tài chính đang tìm cách thôn tính toàn bộ doanh nghiệp của chúng tôi. Đến 15/10/2011, họ đã dùng số tiền lớn mua ngầm khoảng 80% số cổ phiếu của công ty”.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2008, công ty Tràng Tiền đã tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường, đi đến thống nhất bầu ông Hà Trọng Nam, người nắm giữ hơn 92% số lượng cổ phiếu lên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Nhiều ý kiến tại thời điểm đó cho rằng, đây chính là nhân vật đã đứng sau những vụ mua bán cổ phần của Tràng Tiền trong nhiều năm qua.

Nguyễn Huyền (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang