Những vụ thu giữ máy lọc nước giả chấn động năm 2017, lổ hổng do đâu?

author 16:37 24/12/2017

(VietQ.vn) - Chỉ tính trong năm 2017, không ít trường hợp lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ lượng lớn máy lọc nước giả khiến người dùng hoang mang.

Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở sản xuất mua lõi lọc không rõ nguồn gốc về lắp ráp, sau đó dán tem nhái các sản phẩm có thương hiệu để bán giá cao. Người mua mất tiền nhưng lại phải nhận sản phẩm kém chất lượng.

Các chuyên gia cho rằng, việc để doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm chất lượng đang tạo ra lỗ hổng. Trong khi, quy định về chất lượng nước khá đầy đủ. Phân cấp quản lý rõ ràng nhưng không có giải pháp phối hợp kiểm soát chặt chất lượng đầu ra. Chính điều này đã khiến cho các hành vi lừa đảo bán máy lọc nước giả xuất hiện nhan nhản trên thị trường khiến người tiêu dùng bất an về một sản phẩm gắn liền với sức khỏe con người.

Điển hình mới đây nhất là vụ Đội Quản lý thị trường số 14, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 3 cơ sở sản xuất tại huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ, Hà Nội, thu giữ nhiều máy lọc nước và tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.

Số lượng máy lọc nước giả được các cơ quan chức năng Hà Nội thu giữ.

Được quảng cáo xuất xứ từ Nhật Bản, có thể loại bỏ hoàn toàn nhiều chất gây hại có trong nước, nhưng trên thực tế, những chiếc máy này lại có vô số tem mác ghi nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn. Thậm chí, một số thương hiệu còn chưa sản xuất máy lọc nước bán ra thị trường. Tại đây, còn có cả tem chống hàng giả, hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo cơ quan chức năng, hành vi giả mạo của cơ sở này không chỉ là chiêu thức đánh lừa người tiêu dùng, mà đáng lo ngại hơn là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, khi không được cơ quan nào kiểm định chất lượng.

Tiếp theo, ngày 16/5, Đội chống hàng giả - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngõ 4 phố Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), phát hiện Trần Tiến Công (sinh năm 1991, trú tại thôn Lạc Quả, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) điều khiển xe máy 89K1- 052.89 chở 3 thùng các-tông có dấu hiệu nghi vấn. Đội chống hàng giả tiến hành kiểm tra, phát hiện bên trong các thùng là 275 chiếc màng lọc nước dân dụng Dow Filmtec™ RO giả.

Qua khai thác, cơ quan cánh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khám xét khẩn cấp kho hàng của Công ty TNHH Sản xuất Thanh Huấn tại địa chỉ số 356 phố Nam Dư, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thu giữ 109 chiếc màng lọc nước nhãn hiệu Dow Filmtec™ RO giả.

5 lý do nên chọn máy lọc nước sử dụng công nghệ Hydrogen (VietQ.vn) - Ngoài lợi ích cho nguồn nước sau lọc giàu hydrogen thì máy lọc nước Kangaroo Hydrogen còn tích tụ nhiều công nghệ mới xứng đáng là lựa chọn tốt nhất cho các gia đình.

Cùng ngày, đội chống hàng giả, phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Nhật Quang tại địa chỉ số 115 Phan Đăng Lưu, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm do Nguyễn Văn Hợp làm giám đốc.

Qua kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Đầu tư và và Phát triển công nghệ Nhật Quang đang kinh doanh 218 chiếc màng lọc nước nhãn hiệu Dow Filmtec™ RO giả.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở, chỗ làm việc của Nguyễn Văn Hợp, tiếp tục thu giữ thêm 250 chiếc màng lọc nước dân dụng giả nhãn hiệu nêu trên.

Xác định hành vi của Nguyễn Trọng Huấn và Nguyễn Văn Hợp đã phạm vào tội buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự, cơ quan Cánh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Huấn và Nguyễn Văn Hợp theo luật định.

 Thị trường máy lọc nước thật giả lẫn lộn người dùng nên mua ở những nơi uy tín. Ảnh: Vân thảo

 Thị trường máy lọc nước thật giả lẫn lộn người dùng nên mua ở những nơi uy tín. Ảnh: Vân thảo

Trước đó, Đội QLTT số 7 kiểm tra Công ty TNHH NANO Việt Nam (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) đã phát hiện thu giữ hàng nghìn sản phẩm lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo giả. Chủ hàng khai nhận là mua màng lọc ở Trung Quốc bóc nhãn cũ, rồi dán tem giả nhãn hiệu Kangaroo lên sản phẩm đánh lừa người tiêu dùng.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực ngăn chặn việc sản xuất máy lọc, màng lọc nước giả, kém chất lượng nhưng trong quá trình xử lý cũng gặp không ít khó khăn do thiếu quy chuẩn cho sản phẩm này.

Liên quan tới vấn đề này, trước đó trả lời báo chí ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Hiện nay, chỉ có Bộ Y tế đưa ra 2 quy chuẩn về chất lượng nước sau khi được lọc gồm quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình khai thác nước uống, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung cho mục đích sinh hoạt, có công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên. Còn QCVN 06-1/2010/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai. Đối với máy lọc nước sử dụng trực tiếp, áp dụng tiêu chuẩn QCVN06-1/2010/BYT.

Ông Nguyễn Công San cũng cho biết, hiện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với chức năng quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo luờng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa vẫn chưa đưa ra quy chuẩn sản phẩm máy và màng lọc nước. Việc thiếu quy chuẩn chung là kẽ hở để nhiều DN lợi dụng sản xuất, tiêu thụ hàng kém chất lượng. Điều này cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả.

Thiếu tá Nghiêm Tuấn Anh - Phó đội trưởng Đội chống hàng giả - Phòng Cảnh sát kinh tế PC46 cho biết, việc giả mạo màng lọc nước RO ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân do thiết bị giả, nhái không đảm bảo được nguồn nước sạch, an toàn. Hành vi làm giả, làm nhái còn vi phạm luật sở hữu trí tuệ và tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, hành vi này phải được xử lý nghiêm.

 Vân Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang