Những vu thu gom nông sản 'quái gở' của Trung Quốc

author 12:14 24/03/2015

(VietQ.vn) - Đỉa khô, ong bầu, lá điều, lá mãng cầu xiêm, mây rừng, hạt na…là những mặt hàng “kỳ quặc” được Trung Quốc tích cực thu mua nhiều năm nay tại Việt Nam.

Tình trạng thu mua nông sản “quái gở” được các thương nhân Trung Quốc thu mua đã diễn ra nhiều năm và không ít nông dân Việt Nam ôm "trái đắng". Mặc dù có quá nhiều bài học nhưng tình trạng ồ ạt gom hàng, tận diệt hệ sinh thái, thúc đẩy sinh vật ngoại lai có hại để phục vụ các thương lái vẫn không dứt đã nhiều năm.

Tận thu cây hải đường

Đầu tháng 3/2012, xã Đặng Cương, huyện An Dương (Hải Phòng) - đất trồng cây hải đường đón tiếp nhiều môi giới phía Trung Quốc về thu mua cây hải đường với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/cây. Ban đầu thương lái Trung Quốc chỉ mua những cây hải đường lâu năm thì thời gian này họ thu mua tất cả các cây hải đường, kể cả những cây vừa ươm trồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, cây hải đường chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ và mang phong tục truyền thống Tết xưa. Thế nên, việc thu mua loại mặt hàng này cũng đặt ra nhiều dấu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.

Đổ xô mua gạo về “trộn”

Những vụ thu gom nông sản 'quái gở' của TQ

Việc thu mua lúa gạo của TQ khiến thị trường gạo rối loạn (ảnh minh họa)

Từ tháng 4/2012, thương nhân Trung Quốc đổ xô đến ĐBSCL tìm mua lúa với giá cao. Thậm chí, thu mua cả gạo thường trộn lẫn gạo thơm với giá gạo thơm…

Tuy nhiên, việc kinh doanh từ phía trung Quốc rất bất thường, lúc thì mua lúa thường, lúc lại mua lúa thơm, khiến thị trường luôn biến động. Chính việc thu mua vơ vét của thương lái nên cuối vụ đông xuân vừa qua, giá lúa thường bất ngờ tăng ngang bằng với lúa hạt dài.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, đây có thể là cách để thương lái Trung Quốc thôn tính thị trường. Họ có tiền nên khi ồ ạt thu mua một loại lúa nào đó là ngay lập tức đẩy giá lên cao. Khi giá lên cao, họ lại bỏ không mua, khiến thị trường rối loạn… và người dân cần đề phòng.

Mua đỉa khô giá cao

Vào khoảng tháng 5/2012, thương lái Trung Quốc lại ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa giá cao (từ 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô) khiến các làng quê nhộn nhịp khác thường, cánh đồng lúc nào cũng có người túc trực bắt đỉa.

Nhiều thông tin cho rằng đỉa và các chế phẩm từ đỉa rất tốt cho bệnh khớp và tim mạch. Bởi, trong tuyến nước bọt của loại vật hút máu này có chất chống viêm sưng, chống đông máu và bệnh khớp. Tuy nhiên, ít vị thuốc nào cần dùng đến đỉa.

Việc thu mua đỉa ào ạt của Trung Quốc khiến người dân không chỉ đi bắt mà còn thi nhau nuôi đỉa. Một dấu hỏi lớn cho các nông dân khi thương lái không mua nữa thì việc giải quyết số đỉa này như thế nào trong khi đỉa là loại động vật có sức sống rất mãnh liệt, có thể bị đốt cháy nhưng gặp điều kiện thích hợp chúng lại có thể tái sinh?

Những vụ thu gom nông sản 'quái gở' của TQ

Con vật tái sinh này bỗng được giá đáng ngờ dưới bàn tay thương lái TQ. Ảnh minh họa

Thích mua dứa có thuốc kích thích

Trung tuần tháng 6, thương lái Trung Quốc tìm đến vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) để thu mua quả dứa. Điều đáng nói là họ chỉ chọn những quả dứa cỡ to từ 1-2 kg/quả và còn xanh để mua với giá 4.000 đồng, cao hơn mức giá của thương lái nội địa từ 500- 800 đồng/kg. Mỗi ngày, các thương lái thu mua từ 20-30 tấn dứa ở vùng này.

Việc thương lái Trung Quốc mua dứa của nông dân là điều bình thường, nhưng việc chọn quả to và còn xanh để mua là điều cần quan tâm. Từ lâu nay, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang là đối tác chính để nông dân địa phương bán dứa thương phẩm, phục vụ cho nhà máy chế biến nước trái cây xuất khẩu. Thế nhưng, việc thương lái Trung Quốc nhảy vào mua ngang và chọn những trái dứa to, đẹp sẽ làm cho nguồn nguyên liệu của nhà máy của công ty bị thiếu hụt.

Không những thế, những thương lái này còn tư vấn cho người dân dùng thuốc kịch thích cho dứa to, đẹp hơn.

Mua ong bầu khiến cây trồng mất “giống”

Đầu tháng 8/2012, người dân xóm 10 (P. Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) rộ lên phong trào săn ong bầu để bán cho đầu nậu, xuất sang Trung Quốc. Loài vật chẳng có giá trị về kinh tế nhưng rất có lợi cho cây trồng bỗng chốc có giá và đang bị săn bắt tận diệt.

Theo yêu cầu từ phía Trung Quốc, ong bầu khi đánh bắt về phải làm chết rồi phơi nắng. Đủ 3 buổi nắng thì có thể thu mua. Mỗi cân ong tươi có giá 500.000 đồng, còn đối với ong bầu được phơi khô thì có giá gấp đôi (1 triệu đồng/kg).

Nhiều người dân nơi đây không hiểu ong bầu có giá trị gì, chỉ biết có nơi thu mua, hướng dẫn bí quyết săn bắt ong là đổ xô đi học hỏi rồi sắm vợt đi bắt. Loài ong chuyên thụ phấn cây trồng bỗng chốc bị săn bắt triệt để.

Ong bầu không có nhiều và không dễ đánh bắt nhưng theo những “bí kíp” từ phía thương nhân Trung Quốc đưa ra, có thể bắt được hàng yến. Điều này khiến những sinh vật có lợi cho cây trồng bỗng dưng biến mất.

Mua lá điều khô về…đốt

Những vụ thu gom nông sản 'quái gở' của TQ

Trước đó, tại Đồng Nai, các thương nhân Trung Quốc mạnh tay thu mua lá điều khô. Không biết họ thu mua làm gì nhưng để lại cái hại rất lớn cho những vườn điều tại địa phương.

Theo các chuyên gia, mỗi năm điều rụng lá một lần. Khi lá khô rụng xuống sẽ che phủ rễ điều, chống xói mòn. Nếu lá điều khô bị gom sạch sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt dinh dưỡng trong đất, làm giảm chất lượng, năng suất trái.

Sự việc bị phát giác, thương lái Trung Quốc bỏ đi, mang theo nhiều tấn lá điều khô đã trót mua đi…đốt. Trong khi đó, tại các địa phương, lá điều khô chất đống người dân không biết xử lý ra sao.

Mua lá mãng cầu xiêm, mây rừng

Gần đây hơn, tại Hậu Giang và Tiền Giang thời gian gần đây xuất hiện một số tiểu thương lạ mặt thu mua lá mãng cầu xiêm. Lá tươi được thu mua với giá từ 10.000- 15.000 đồng/kg, lá khô từ 35.000- 45.000 đồng/kg.

Lá được thu mua với giá cao chính vì thế mà nhiều hộ dân đã đổ xô thu gom lá mãng cầu. Thậm chí có hộ đốn bỏ cả cây để bán lá. Vì lợi ích trước mắt, người dân đã bất chấp bán lá mà không hề biết mục đích thương lái mua lá để làm gì và tác hại của việc ào ạt hái lá bán đến năng suất cây trồng ra sao. Khi được hỏi, có người nói đưa về TP.HCM  tiêu thụ, có người nói xuất sang Trung Quốc làm thuốc…

Việc thương lái lạ mua lá mãng cầu xiêm còn chưa hạ nhiệt thì tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông người dân lại bỏ vườn rẫy, ồ ạt vào rừng tìm trái mây rừng để bán cho thương lái Trung Quốc. Giá thu mua từ 100.000 - 170.000 đồng/kg.

Được biết, mới đây ngày 19/3, ông Hồ Quốc Thống, Phó Công an xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang xác nhận 2 thương lái tên Tuấn và Tạo đã đi khỏi địa phương và mang theo tất cả bao lá mãng cầu xiêm khô và tươi mua được của nông dân.

Để tránh thiệt hại về kinh tế, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác. Bởi đây có thể là chiêu trò của các thương lái Trung Quốc như các trường hợp từng xảy ra trước đây. 

Thu mua hạt na

Những vụ thu gom nông sản 'quái gở' của TQ

Khoảng giữa năm 2014, nhiều thương lái đã thu mua hạt na Lạng Sơn với giá 100.000 đồng/kg để bán sang Trung Quốc. Khác với mọi năm, ngoài thu mua quả thì Trung Quốc còn mua cả hạt na. 

Gía thu mua cao khiến nhiều người dân kéo nhau vào rừng nhặt hạt. Tuy nhiên việc Trung Quốc thu mua hạt na đã tạo nên lo ngại thương hiệu na Chi Lăng có thể mất chỗ đứng trên thị trường. Trước tình hình trên, chính quyền xã Chi Lăng (Huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã kiểm tra, rà soát, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.

Mua rễ tiêu

Năm 2014, tại Gia Lai rộ lên việc thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống. Rất nhiều người dân chuyển sang thu gom gốc, rễ cây tiêu đem bán với giá 45.000 đồng/kg.

Sự việc cao trào khi nhiều người dân ồ ạt đào bới để đem bán. Đặc biệt, liên tiếp xảy ra hiện tượng đào trộm gốc, rễ tiêu của người khác đem bán, gây mất an ninh trật tự. Trước khi sự việc mất kiểm soát, UBND huyện Chư Sê đã phải ra văn bản gửi chính quyền các xã nghiêm cấm việc đào bới gốc, rễ tiêu.

Phương Phương(T/h)

 


 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang