Nợ xấu: Bắt đúng chữa trúng bệnh, chậm là do.. liều lượng thuốc?!

author 16:57 29/09/2014

(VietQ.vn) - “Nếu VAMC có trong tay khoảng 10% GDP thì trong ngay hôm nay, nợ xấu có thể xử lý được chứ không phải chờ tới cuối 2015.”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định như vậy trước buổi chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 29/9.

Tại đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Tới nay, kinh tế vĩ mô qua các năm dần đi vào ổn định, lạm phát được kiểm sát dần bài bản hơn;  tỷ giá luôn nằm trong định hướng và trong phạm vi quy định của NHNN. Dự trữ ngoại hối tăng lên 5 lần trong 5 năm qua, từ khoảng 7 tỷ (năm 2001) nay đạt trên 35 tỷ USD; mức tăng trưởng tín dụng vẫn được duy trền trên 10%...

Từ cơ sở trên, vị Thống đốc khẳng định: Nền kinh tế hoàn toàn đủ cơ sở đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 5,8%.

Riêng về tình hình nợ xấu, theo Thống đốc NHNN, đến nay, hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu trên 249.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 53% con số nợ xấu phát sinh năm 2015.

Bài toán nợ xấu có được xử lý triệt để trong năm 2015?

Tuy nhiên,  đại biểu Huỳnh Nghĩa đạt vấn đề: Theo thông lệ, nợ xấu dưới 3% là an toàn, song nhìn vào con số của tháng 8/2014, có thể thấy nợ xấu của Việt Nam đang tăng lên so với cuối năm 2013.

“Qua 1 năm thành lập VAMC đã mua được 56.000 tỷ đồng dư nợ gốc, song điều cử tri quan tâm nhất là xử lý hậu sau mua bán như thế nào với nguyên tắc ko dùng tiền ngân sách. Đề nghị Thống đốc cho biết năng lực tài chính của VAMC để đây là công cụ xử lý nợ xấu chứ ko phải vay mượn thời gian?”

Tiếp sau đó, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: còn 47% nợ xấu chưa giải quyết được, điều này sẽ đặt ra vấn đề gì để nâng cao quản trị và chất lượng của hệ thống ngân hàng?

Đến nay, VAMC đã mua được 60.000 tỷ đồng, nhưng bán ra mới 1.500 tỷ đồng. Vậy vướng mắc ở đây là gì, năng lực thực hiện hay là vướng mắc trong mua bán nợ. Nếu vướng thì có cần thiết phải có luật để mua bán nợ hay không?

Không đi vào chi tiết từng câu hỏi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời theo nhóm vấn đề.

Trước hết về tình hình nợ xấu  có chiều hướng gia tăng, Thống đốc lý giải đây là con số đánh giá đúng tình hình thực tiễn của các tổ chức tín dụng, cộng thêm số nợ xấu “tiềm năng” sau khi đã có sự phân loại các khoản nợ tín dụng.  Tới thời điểm này, chưa thể coi là hạn chốt của công tác xử lý nợ xấu. “Theo thường lệ, các tổ chức tín dụng  sẽ xử lý nợ xấu vào thời gian cuối năm, sau khi đã trích lập được quỹ phòng rủi ro. Do vậy, nợ xấu sẽ giảm mạnh vào thời điểm 31/12”

Hiện các tổ chức tín dụng đã mua được 47.000 tỷ đồng nợ xấu, dự kiến tới cuối năm sẽ xử lý được 70.000 tỷ đồng, nếu cộng thêm con số 86.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua VAMC , Thống đốc Bình khẳng định:Hết năm nay, số nợ xấu sẽ được xử lý về căn cơ.

Về năng lực của VAMC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Dù công ty này  mới tròn 1 tuổi hoạt động, với số vốn điều lệ chỉ vọn vẻn 500 tỷ động song nhìn lại kết quả thu mua được 86.000 tỷ đồng đã chứng tỏ nỗ lực của cán bộ nhân viên VAMC.

Để xử lý nợ xấu, nhiều nước đã phải sử dụng nguồn vốn từ 30-40% GDP, song Việt Nam lại không hề sử dụng nguồn ngân sách

“ Ngay từ đầu, chúng ta đã chủ trương không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu mà chủ yếu giải quyết bằng cơ chế. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam với nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế không có nguồn tài chính thì không thể nào mua đứt bán đoạn nợ xấu.”, Thống đốc Bình nhận định.

Từ thực tế này, NHNN đã đề xuất lên Chính phủ tăng vốn điều lệ cho VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2000 tỷ đồng để đối mặt với khoản nợ khủng 200.000 tỷ đồng trong giai đoạn sắp tới.

Đi đôi với tăng cường nguồn lực tài chính cho VAMC,  theo ông Bình cần phải có biện pháp nâng cao cơ sở pháp lý.  Theo đó, vướng mắc rõ nhất thể hiện qua việc mua lại nợ xấu nhưng  theo quy định, thời gian trung bình 1 tài sản được  phát mãi mất từ 3-7 năm mới thu được tiền.

“Theo kinh nghiệm quốc tế tất cả những nước có VAMC thì phải  có bộ luật riêng nhằm tạo điều kiện cho công ty này xử lsy nợ xấu được thông thoáng. Tuy nhiên, tại Việt Nam do thời gian xử lsy nợ xấu đòi hỏi cấp bách, chưa thể xây dựng luật riêng.  Hiện, chúng tôi đã liệt kê những điều luật chưa phù hợp, gây cản trở tới hoạt động  VAMC để trình Chính phủ điều chỉnh  và sửa đổi dần.”

Dù ghi nhận kết quả ngành ngân hàng đạt được, song đại biểu Phùng Văn Hùng nêu nhận định của cử tri: Nợ xấu  vẫn chưa được đánh giá đúng thực trạng, vẫn đang cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu nền kinh tế làm ảnh hưởng sức khỏe vốn đã ốm yếu của DN trong nước.

“Giải quyết nợ xấu càng gấp càng tốt, song với tình hình thực tiễn khó lòng có thể hoàn thành vào cuối 2015. Phải chăng ta bắt bệnh kê thuốc chưa chuẩn, để nợ xấu vẫn tồn tại có nguy cơ tăng thểm?”, đại biểu Hùng chất vấn.

Trước câu hỏi này, Thống đốc Bình khẳng định: Chúng ta đã bắt bệnh đúng, chữa bệnh trúng song lại bị lệ thuộc vào liều lượng thuốc. Cụ thể, ông Bình ví von:  “ Liều lượng thấp thì không thể khỏi bệnh song liều lượng cao quá có khi chưa chết vì bệnh thì đã chết bởi thuốc. Thử hỏi năng lực tài chính của chúng ta lúc này đối phó với nợ xấu có đủ không? Nếu  VAMC có trong tay khoảng 10% GDP thì trong ngay hôm nay, nợ xấu có thể xử lý  được chứ không phải chờ tới cuối 2015.”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về trách nhiệm Thống đốc trong các sai phạm ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Dù tất cả các sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, dù thời đó tôi có làm Thống đốc hay chưa nhưng đến bây giờ tôi làm thống đốc vẫn thuộc trách nhiệm của Thống đốc NHNN và tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm những sai phạm đó”.

Hoàng Vũ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang