Nỗi lo gia cầm nhập lậu

author 11:46 11/11/2012

(VietQ.vn) - Chưa có năm nào chuyện gia cầm nhập lậu lại nóng bỏng như năm nay. Gia cầm nhập lậu lan đến đâu thì ở đó xuất hiện thêm các chủng virus cúm gia cầm mới đến đó, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch”. Đây là thông tin được nêu lên trong Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia cầm qua biên giới tổ chức tại TPHCM ngày 1-11-2012.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam, cho biết cả nước có 26,8 triệu con heo (giảm 0,4%); 330 triệu con gia cầm (tăng khoảng 2,5%) và số đàn trâu bò đạt 8 triệu con (giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2011). Sản lượng thịt ước đạt từ 3,25 - 3,3 triệu tấn, tương đương 2,23 - 2,26 triệu tấn thịt xẻ, bằng 78% so với cả năm 2011.
 
Năm nay là năm khó khăn nhất đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm bán ra giảm mạnh khiến hầu hết người chăn nuôi bị lỗ. Dịch bệnh vẫn xảy ra trên diện rộng, nhất là dịch lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4-2012 và hiện vẫn diễn biến rất phức tạp là nguy cơ luôn đe dọa, làm tăng chi phí giá thành cho ngành chăn nuôi.
Gia cầm nhập lậu đang trở thành mối đe dọa với ngành chăn nuôi
Gia cầm nhập lậu đang trở thành mối đe dọa với ngành chăn nuôi
 
Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 296 xã của 121 quận, huyện thuộc 32 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh bị chết và tiêu hủy là 616.109 con. Trong đó có 117.946 con gà (chiếm 19,14%), 479.859 con vịt (chiếm 77,89%) và 18.304 con ngan (chiếm 2,97%).
 
Bên cạnh các chủng virus cũ còn xuất hiện nhánh mới 2.3.2.1 chia thành nhóm A, B và C khiến hiệu lực vắc-xin giảm, chương trình tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cả nước vẫn còn tỉnh Quảng Ngãi và Điện Biên có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
 
Dịch lở mồm long móng đã xuất hiện ở 27 xã, phường thuộc 15 huyện của các tỉnh gồm Hà Giang, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam. Tổng số gia súc mắc bệnh là 131 con trâu, 21 con bò và 769 con heo. Số gia súc chết và tiêu hủy là 11 con trâu, bò và 655 con heo.
 
Dịch tai xanh năm nay cũng diễn biến phức tạp. Bắt đầu bùng phát tại Lào Cai từ ngày 11-1-2012, đến nay cả nước ghi nhận các ổ dịch heo tai xanh tại 137 xã, phường, thị trấn của 74 huyện thuộc 23 tỉnh với 77.482 con heo mắc bệnh. Tổng số heo bị chết là 13.290 con và số heo buộc phải tiêu hủy là 44.962 con.
 
Nỗi lo từ gia cầm nhập lậu
 
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết vào thời kỳ cao điểm, lượng gà loại thải từ phía Trung Quốc nhập lậu qua Quảng Ninh có thể lên đến 100 - 200 tấn/ngày, qua Lạng Sơn 100 tấn/ngày. Như vậy, ước bình quân mỗi năm có 70.000 - 100.000 tấn gà thải loại được nhập lậu vào Việt Nam. Còn có khoảng 15-30 triệu con giống gia cầm thương phẩm các loại cũng về Việt Nam theo con đường như vậy.
 
Nguyên nhân chính khiến gà lậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam là do chênh lệch lớn về giá. Hiện giá bán gà thịt tại Móng Cái chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg (bên Trung Quốc khoảng 15.000 đồng/kg). Nếu vào đợt loại thải của Trung Quốc thì giá gà rất rẻ, có thời điểm xuống 25.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/4 giá gà trong nước, đưa về nội địa là siêu lợi nhuận. Tập quán tiêu dùng người Việt Nam thích gà có thịt dai càng khuyến khích bọn đầu nậu tăng cường nhập lậu loại gà này.
 
Việc nhập lậu các loại gà thải loại không chỉ gây khó khăn và thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trong nước mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. TS Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y, cho biết chỉ riêng tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Hà Nội) mỗi ngày có khoảng 40 - 50 tấn gà được tiêu thụ, trong đó chủ yếu là gà lậu từ Trung Quốc. Kiểm tra 2.100 mẫu tại đây, Cục Thú y phát hiện 150 mẫu dương tính với cúm A, 15 mẫu dương tính với H5.
 
Ngoài gà thải loại, nội tạng động vật cũng được tuồn vào Việt Nam, khiến nguy cơ lây lan các bệnh gia súc ngày càng tăng. Kết quả phân tích gen trong phòng thí nghiệm vào tháng 10-2012 cho thấy virus gây bệnh heo tai xanh tại Việt Nam có mức tương đồng rất cao với virus lưu hành tại Trung Quốc. Phải chăng nguồn gốc của virus gây bệnh heo tai xanh ở Việt Nam xuất phát từ các sản phẩm động vật từ Trung Quốc?!
 
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2013 là khoảng thời gian sẽ tiêu thụ nhiều thực phẩm do có nhiều công việc như lễ hội, cưới hỏi, giỗ chạp và tiêu dùng. Tình trạng buôn lậu gia cầm và các sản phẩm động vật sẽ ngày càng nóng bỏng hơn. Nếu không thực hiện tốt công tác kiểm tra, phòng chống buôn bán gia cầm lậu thì nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trên diện rộng là điều có thể xảy ra.
 
Theo công an TPHCM
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang