Nỗi lo phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc

author 14:55 27/10/2019

(VietQ.vn) - Mặc dù đã có quy định về việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, tuy nhiên khi thực hiện công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện rất nhiều loại thực phẩm sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý, sử dụng phụ gia thực phẩm và có hiệu lực từ ngày 16/10/2019.

Tràn lan phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc

Hiện nay, tình trạng phụ gia không đảm bảo chất lượng được bày bán rộng rãi trên thị trường; thường được sử dụng tại các cơ sở kinh doanh chế biến nhỏ lẻ, vì vậy  lực lượng chức năng không thể kiểm soát, thống kê hết được.

Tại Hà Nội, người dân có thể dễ dàng mua được rất nhiều loại phụ gia ở một số chợ đầu mối hay các cửa hàng đồ khô, trong đó có nhiều sản phẩm được đóng gói thủ công, không nhãn mác, nguồn gốc và không hướng dẫn sử dụng.

Điển hình như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nơi đây các sản phẩm phụ gia thực phẩm được bày bán rất “đa dạng” và “phong phú” , từ những loại phụ gia phổ biến nhất như mỳ chính, đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu…đến những loại phụ gia độc có rất nhiều cảnh báo trong việc sử dụng như bột diêm tiêu - loại bột này dùng để làm tươi thịt khi cung cấp ra thị trường bán cho người tiêu dùng.

Ngoài ra còn rất nhiều chất phụ gia, phẩm màu công nghiệp cũng được bày bán công khai không rõ nhãn mác, hạn sử dụng,.. nhưng vẫn được bày bán tràn lan. Và công dụng của các loại sản phẩm này theo người bán hàng quảng cáo là hàn the giúp giò, chả giòn; dưa chua muối nếu không cho phụ gia thì thực phẩm sẽ không bắt mắt và không thu hút người tiêu dùng,… 

Đến chợ Long Biên (Hà Nội) người dân cũng có thể dễ dàng mua được các chất phụ gia chuyên dùng để làm bánh trung thu, thạch, nước cam, rượu, tương ớt,… phẩm màu để quay thịt heo, vịt, làm thịt bò khô,… được đựng trong can, chai lọ, bịch ni lông.

Và một điểm chung của các sản phẩm này là ngoài bao bì đều có những dòng chữ viết tay tên chất, mà không hề có bất cứ nhãn mác in ấn rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 20.000 - 25.000 đồng là có thể mua được một gói phụ gia để làm ra những đồ ăn, thức uống bắt mắt, vừa lòng khách hàng.

Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên trên các trang mạng xã hội, các trang mạng điện tử bán hàng, có đến hàng trăm, hàng nghìn gian hàng giao bán những chất phụ gia thực phẩm với mức giá từ 14.000 đồng – 200.000 đồng (tuỳ mẫu mã và xuất xứ).

Những sản phẩm này được người bán khẳng định là nhập khẩu 100% từ Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc và đều là những chất được cấp phép sử dụng ở những nước đó, không gây hại tới sức khoẻ người tiêu dùng, cho vào thức ăn đảm bảo sẽ ngon và đậm vị hơn những phụ gia bán ở Việt Nam.

Thế nhưng chất lượng an toàn đến đâu vẫn là dấu hỏi lớn khi hầu hết trên bao bì những sản phẩm này toàn chữ nước ngoài, rất hiếm khi thấy xuất hiện tem nhãn phụ.

Hầu hết những loại phụ gia này đều được quảng cáo từ nguồn gốc nước ngoài và ít thấy tem nhãn phụ Việt Nam  

Vì sao Bộ Y tế siết chặt quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm

Trước tình trạng trên, ngày 16/9/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó ban hành danh mục gồm 400 loại phụ gia được sử dụng trong thực phẩm và mức sử dụng tối đa đối với từng loại. Trong đó, đồ uống từ sữa dạng lỏng có hương vị được sử dụng tối đa 105mg curcumin/kg, đối với viên súp và nước thịt thì mức tối đa là 50mg/kg; Erythrosin được sử dụng tối đa 200mg/kg quả ướp đường, mức sử dụng tối đa chất này đối với rau củ quả lên men và sản phẩm rong biển lên men là 30mg/kg,….

Việc xác định mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) phải thực hiện theo các nguyên tắc: Hạn chế tối đa lượng phụ gia thực phẩm sử dụng để đạt được hiệu quả mong muốn; Lượng phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất không làm thay đổi bản chất của thực phẩm hoặc công nghệ sản xuất thực phẩm; Phụ gia được sử dụng phải bảo đảm chất lượng, an toàn dùng cho thực phẩm và có thể chế biến, vận chuyển như nguyên liệu thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm trong thực phẩm phải bảo đảm: Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; Không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

Ngoài ra, người sản xuất chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm trong trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế và công nghệ, duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đối với sản phẩm được sử dụng với mục đích đặc biệt mà phụ gia thực phẩm như một thành phần thực phẩm (ví dụ đường ăn kiêng) thì không phải kiểm soát theo các quy định tại Thông tư này.

Việc duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm cần được tăng cường hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng. Hỗ trợ trong sản xuất, vận chuyển nhưng không nhằm che giấu ảnh hưởng do việc sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng hoặc thực hành sản xuất, kỹ thuật không phù hợp.

So với Thông tư cũ (Thông tư số 27/2012/TT-BYT) ban hành từ năm 2012 thì Thông tư mới cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm.

Trong đó, Bộ Y tế quy định: chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản; việc san chia, đóng gói lại này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

 Các loại màu thực phẩm được bán tràn lan trên mạng xã hội 

Sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, không đúng liều lượng có hại thế nào?

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, qua giám sát các vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm hơn 33%, nguyên nhân do độc tố 25,2%, hóa chất 10,4% và 31% không rõ nguyên nhân. Đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép đang trở thành một vấn đề không nhỏ đặt ra trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình bảo quản hoặc dùng trong chế biến thức ăn để món ăn ngon miệng, hấp dẫn hơn. Hiện có đến hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất. 

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (vào lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu.

Nếu sử dụng các phụ gia này đúng loại, đúng liều lượng sẽ có rất nhiều tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng. Mặt khác, phụ gia cũng giúp giữ được chất lượng của thực phẩm cho tới khi sử dụng, tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường. Trái lại, nếu sử dụng các phụ gia này không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, trong Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người...

Các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan, trong đó tăng nặng mức xử phạt nhằm tạo sự răn đe.

Theo Báo Pháp luật

Phát hiện 4 tạ mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị mang đi tiêu thụ(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng vừa tạm giữ một xe khách đang vận chuyển khoảng 400kg mỡ động vật không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ trên đường mang ra thị trường tiêu thụ.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang