Nỗi lo tăng thêm nợ xấu

author 14:39 26/04/2013

Từ ngày 1-6, theo thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng (NH) phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ với mức trích lập cao nhất lên đến 100% khoản vay.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại quy định này sẽ gây khó không chỉ với các NH trong việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay...theo quyết định 780 của NHNN áp dụng từ tháng 4-2012, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Những khoản nợ được cơ cấu có khả năng trở thành nợ xấu và sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào phá sản.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Sacombank, TP.HCM

Doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển - giám đốc Công ty CP thương mại Tân Phát (Hà Nội), đơn vị chuyên kinh doanh về vật liệu xây dựng - cho biết chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho vay từ tháng 7-2012 đã giúp nhiều doanh nghiệp trụ lại đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo thông tư 02 chắc chắn các khoản nợ được cơ cấu từ năm 2012 sẽ biến thành nợ xấu. Vì kinh tế khó khăn, hàng tồn kho ứ đọng, không bán được thì doanh nghiệp làm sao có điều kiện để trả nợ cho NH.

Còn đại diện Công ty May 10 cho rằng nếu có nợ xấu thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản vì không thể vay được vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời những tài sản thế chấp NH sẽ bị NH phát mãi. Ông Nguyễn Văn Diện, phó giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, băn khoăn rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu NH buộc phải phát mãi tài sản thế chấp của doanh nghiệp để nhằm thu hồi vốn cũng không hoàn toàn đơn giản.

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, cho rằng quyết định 780 và thông tư 02 có sự đối chọi nhau. Nếu thực hiện ngay việc phân loại nợ thì số vốn vay được cơ cấu lại có thể lộ ra hết và số nợ xấu sẽ tăng thêm. Nhưng điều quan trọng là khả năng tiếp cận vốn vay từ hệ thống NH của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế. Chắc chắn có nợ xấu thì doanh nghiệp không được vay.

Ngân hàng “nghiến răng” cơ cấu lại nợ

Về cơ cấu lại nợ, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, cho rằng cần có kế hoạch hoãn, giãn nợ một cách hết sức hợp lý. Không thông tin cụ thể về số nợ được cơ cấu lại trong thời gian qua nhưng ông Dũng khẳng định con số mà NH này thực hiện là không nhỏ. “Các NH đều phải nghiến răng chấp hành. Chắc chắn năm nay lợi nhuận của các NH sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh khi triển khai cơ cấu lại nợ. Về lâu dài cơ cấu gì thì cơ cấu nhưng chúng ta phải đảm bảo được chất lượng tín dụng, nếu không chỉ sáu tháng đến một năm, nợ xấu bùng lên thì NH sẽ chết” - ông Dũng cho hay.

Để minh bạch tín dụng trong hệ thống NH, việc thực hiện phân loại nợ, theo ông Dũng, là điều dĩ nhiên cần phải làm. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh hết sức khó khăn như hiện nay nếu thực hiện luôn sẽ gây khó khăn cho hệ thống NH cũng như các doanh nghiệp, thậm chí nhiều đơn vị sẽ không thở nổi.

Chia sẻ lo ngại này, ông Kiêm cho rằng NHNN nên xem xét xử lý hài hòa giữa việc thực hiện hai chính sách này. Có thể lui lại thời hạn thực hiện phân loại nợ thay vì ngày 1-6 như quy định để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Việc minh bạch hệ thống NH là rất cần thiết nhưng không nên làm ngay trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhưng nếu buộc phải phân loại nợ theo đúng quy định thì e rằng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường mà chúng ta thực hiện như giãn nợ, giảm thuế, gia hạn thuế... sẽ không còn ý nghĩa” - ông Kiêm nói.

Một trong những điểm đáng chú ý trong thông tư 02 của NHNN là các NH phải phân loại nợ. Theo đó từ ngày 1-6 sẽ có năm nhóm gồm: Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn): nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn... Nhóm 2 (nợ cần chú ý): nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày; nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu. Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn): nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; nợ gia hạn nợ lần đầu. Nhóm 4 (nợ nghi ngờ): nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai. Nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn): nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.

Theo Lê Thanh ( Tuổi trẻ online)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang