Nỗi niềm bác sỹ nơi tâm sởi

author 16:23 30/04/2014

Suốt 5 tháng kể từ cuối năm 2013, khi bệnh sởi bắt đầu nhen nhóm, đội ngũ y, bác sĩ tại những bệnh viện (BV) như: Nhi trung ương, Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Xanh Pôn… đã phải làm việc vất vả, áp lực công việc gấp 3- 4 lần so với bình thường. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, "những chiến sĩ áo trắng" vẫn phải túc trực bên bệnh nhân hằng ngày, hằng giờ.

Sự kiện: Cách phòng chống và điều trị bệnh Sởi

Khoa Nhi BV Bạch Mai lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, đỉnh điểm là khoảng thời gian một tháng trở lại đây, khi bệnh sởi hoành hành dữ dội. Phụ huynh nào cũng lo lắng, thấy con có biểu hiện ốm, sốt là đưa ngay đến BV để kiểm tra, muốn bác sĩ cho trẻ được nhập viện. Điều đó khiến cho bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc với cường độ gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. 

Dù đã tăng cường 2 bác sĩ nội trú, 7 điều dưỡng trực đêm nhưng khối lượng công việc vẫn đè nặng lên những thầy thuốc khoa Nhi (BV Bạch Mai). Trung bình, cứ 5 ngày là mỗi bác sĩ, điều dưỡng lại bước vào kíp trực kéo suốt gần 24 giờ, nhận giao ca từ 16h30 hôm trước, trực đến quá trưa ngày hôm sau. Những ngày còn lại, 7h sáng là họ đã phải có mặt tại BV và làm việc đến 17h - 18h chiều mới được về. Trong đợt nghỉ lễ này, cán bộ trong khoa cũng không được nghỉ, mà phải chia nhau đi làm đều đặn. Vất vả, áp lực suốt thời gian dài nên gương mặt y tá, bác sĩ hiện rõ sự mệt mỏi, trĩu nặng sự lo lắng, mắt thâm quầng vì mất ngủ. 

Tận tình chăm sóc các cháu nhỏ
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, cường độ công việc quá cao khiến nhiều bác sĩ mệt mỏi, nhưng họ vẫn gắng gỏi, có ốm cũng không muốn xin nghỉ. "Có những hôm mọi người làm việc quên ăn, quên ngủ. Giờ nghỉ trưa còn phải tranh thủ hội chẩn về những ca biến chứng nặng. Nhiều lúc chưa kịp ăn bữa trưa thì đã phải quay ra khám cho bệnh nhân mới nhập viện. Đến bữa tối, vừa kịp và vội mấy miếng cơm thì đã phải chạy đến phòng cấp cứu. Trong đợt dịch sởi này, ai cũng sụt đến vài cân" - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

BV Nhi trung ương là nơi tập trung số ca mắc sởi lớn nhất miền Bắc và cũng là nơi tiếp nhận, điều trị những ca bệnh nặng. Giám đốc BV Lê Thanh Hải cho biết, thời gian qua với tập thể y, bác sĩ, nhân viên trong BV thực sự là "một cuộc chiến", ai cũng phải "căng mình" hết sức. Đã có giai đoạn BV gần như "vỡ trận" vì ngoài bệnh nhân sởi tại đây còn tập trung rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh khác. Có thời điểm, lượng trẻ nhập viện và điều trị nội trú lên tới 1.800 cháu. Các bệnh nhi phải nằm ghép 3-4 cháu/giường và để có chỗ cho trẻ nằm, lãnh đạo khoa Truyền nhiễm và các bác sĩ đã phải nhường phòng của mình, dọn xuống… kho. 

Hơn 30 năm gắn bó với BV Nhi trung ương nhưng chưa lúc nào bác sĩ Khu Thị Khánh Dung lại thấy cường độ làm việc cao như thời gian qua. Lúc nào các bác sĩ cũng ở trong tình trạng "đi như chạy", đang khám cho bệnh nhân này thì đã có người nhà bệnh nhân khác hốt hoảng chạy sang thông báo con họ lả đi vì khó thở. Thế là lại tất tả chạy. Có nhiều đêm, khi máy thở không đủ cho bệnh nhân, y tá, điều dưỡng phải thức suốt đêm để bóp bóng thở thủ công. Suốt mấy tiếng bóp bóng đến tê cả tay, chứng kiến các cháu dần hồi phục, ai nấy cũng vui mừng… Vất vả là thế nhưng y, bác sĩ nào cũng mong một ngày dài hơn 24 tiếng đồng hồ, để họ có thể giúp bệnh nhân được nhiều hơn. 

Công việc vất vả, các bác sĩ không nề hà nhưng điều khiến họ xót xa, là những cái chết thương tâm của bệnh nhi. Nhiều người từng chứng kiến những đợt dịch viêm não, tay chân miệng, dịch cúm nguy hiểm nhưng dịch sởi năm nay là chưa từng thấy. Mọi người đã cố gắng đến kiệt sức nhưng nhiều bé vẫn ra đi. Nghẹn đắng bởi nỗi đau quá lớn nhưng chúng tôi không cho phép mình gục ngã. Luôn phải gắng sức hơn nữa", bác sĩ Khu Thị Khánh Dung chia sẻ. 

Công việc vất vả là một nhẽ nhưng các y, bác sĩ còn âm thầm gánh nỗi lo rằng họ có thể mang virus sởi về nhà bất cứ lúc nào. Do phải tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ với mầm bệnh nên việc lây nhiễm rất khó tránh. Vì vậy, không ít bác sĩ có con nhỏ lo, sợ mình sẽ khiến con cái bị lây sởi nên có người đã phải chọn cách ngủ lại BV thay vì về nhà. Tại khoa Nhi BV Đa khoa Xanh Pôn, đã có trường hợp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân sởi rồi bị lây nhiễm. Rồi là trường hợp cháu bé 8 tháng tuổi - con của một bác sĩ khoa Nhi BV Bạch Mai cũng nhiễm sởi. Điều khiến nữ bác sĩ này day dứt là chính chị đã mang mầm bệnh về nhà, truyền bệnh cho đứa con bé bỏng của mình. 

Những ngày này, việc chống chọi với bệnh sởi tại các cơ sở y tế chồng chất khó khăn nhưng đối với những người thầy thuốc, điều giúp họ vượt qua là niềm vui khi được nhìn thấy sức khỏe của bệnh nhân tốt lên. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều tin rằng họ đã và đang cố gắng vì một sứ mệnh cao cả.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong ngày 29-4, cả nước ghi nhận thêm 33 trường hợp mắc sởi xác định. Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin sởi và tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 29-4 là 83,9%, trong đó, khu vực miền Bắc có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi cao nhất (94,8%).

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, mặc dù số bệnh nhân nhập viện trong những ngày gần đây đã giảm nhưng số bệnh nhân đang điều trị giảm không rõ rệt, chủ yếu là những bệnh nhân nặng, điều trị dài ngày. Cũng theo ông Trần Đắc Phu, mặc dù sởi đã chững lại nhưng có thể tăng cao trở lại. Để tránh lây lan dịch cho cộng đồng, những người có biểu hiện ho, sốt, phát ban hay nghi mắc sởi không nên đến những nơi đông người như: công viên, hồ bơi… Khi ra ngoài, mọi người cần đeo khẩu trang, về nhà nên rửa tay, tắm bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ. 

 

Xuân Lộc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang