Nóng buôn lậu vùng biên

author 08:26 17/12/2012

Trước những khó khăn về kinh tế, tình trạng buôn lậu có chiều hướng giảm nhưng vào dịp cuối năm, tại tuyến biên giới phía Bắc buôn lậu vẫn cứ nóng lên từng ngày. Không chỉ có những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, vải vóc, đồ điện tử mà các mặt hàng cấm như pháo nổ, tiền giả, ma túy cũng bị nhiều đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để vận chuyển qua biên giới…

Muôn nẻo buôn lậu

Chiều cuối năm, mưa phùn cùng những đợt gió mùa Đông Bắc liên tục tăng cường khiến cái lạnh miền biên giới càng thêm tê tái. Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn vắng lặng lạ thường. Nhưng tại con đường dẫn vào khu cửa khẩu Cốc Nam, những quán nước ven đường đông nghịt xe ôm, cửu vạn, nhiều người trong số này liên tục nghe điện thoại, chốc lát lại hướng ánh mắt cảnh giác về phía khu vực cửa khẩu. Bỗng chốc, không gian yên tĩnh của thị trấn bị phá vỡ bởi tiếng động cơ gầm rú của gần chục chiếc xe máy cùng 3 “xe cóc” (ô tô 7 chỗ) chất ngất các bao hàng bịt kín, chạy với tốc độ kinh hoàng lao ra quốc lộ 1A để xuôi về thành phố Lạng Sơn.
 
Bà Nguyễn Xuân Thu - người dân địa phương bán nước ở gần chợ Đồng Đăng buột miệng nói với chúng tôi: “Đến giờ “ăn hàng” rồi đó. Dạo này “sao xanh” (bộ đội biên phòng) với công an làm gắt nên chỉ có thể tranh thủ lúc trưa vắng hay chập tối là chạy được thôi”. Quả thực, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng, tại khu vực ngã ba quốc lộ 4B giao nhau với quốc lộ 1A, đoạn thị trấn Đồng Đăng, chúng tôi chứng kiến 4 - 5 đoàn xe máy chở hàng lậu phóng bạt mạng.
Bắt giữ lô hàng lậu
 
Trong khi đó, tại khu vực đường mòn cánh gà gần cửa khẩu Cốc Nam, tranh thủ lúc lực lượng chức năng mỏng, mấy nhóm cửu vạn nhanh chóng chuyển hàng đã tập kết sẵn ngay ngoài chợ Lũng Vài (Trung Quốc) vượt núi để đưa qua biên giới. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Quốc Ân, Chính trị viên Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết, Đồn biên phòng Tân Thanh có nhiệm vụ quản lý gần 14 km đường biên, trong đó có 2 cửa khẩu lớn là Tân Thanh và Cốc Nam.
 
Với đặc điểm địa hình hiểm trở nhưng lại rất gần 2 quốc lộ lớn là 1A và 4B, trong khi đó phía Trung Quốc có quốc lộ 315 hay là còn gọi là Thiên Nam Bộ nên sau khi tụ điểm Hang Dơi bị triệt phá thì xung quanh khu vực cửa khẩu mọc nhiều “điểm nóng” về hàng lậu khác như đường mòn 386, gốc Nhãn, Thác Giữa. Đặc biệt vào dịp cuối năm, tình hình càng phức tạp, chỉ riêng trong tuần đầu tiên của tháng 12-2012, lực lượng bộ đội biên phòng Tân Thanh đã bắt 6 vụ buôn lậu với gần 50 kiện hàng hóa có giá trị hàng trăm triệu đồng gồm quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ điện gia dụng, giày dép…
 
Tại khu vực thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, tình hình buôn lậu cũng diễn ra sôi động không kém gì Lạng Sơn, thậm chí tại đây còn có đường biển, đường sông nên tình hình càng phức tạp hơn. Thượng tá Nguyễn Trần Hòe, Phó Đồn biên phòng Bắc Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh cho biết, với hơn 26,3 km đường biên do đồn quản lý, địa bàn có rừng núi, sông suối phức tạp, nhiều đường mòn qua lại, dân cư đông lại thường xuyên làm ăn trong khu vực vành đai biên giới nên công tác chống buôn lậu rất căng thẳng. Các đối tượng không chỉ lợi dụng đêm tối, đường mòn, lối mở mà còn tập kết hàng hóa dưới đò, neo đậu dọc bờ sông Ka Long phía bên Trung Quốc, chờ sơ hở của lực lượng chức năng để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
 
Ông Phạm Văn Tính, Trạm trưởng Trạm kiểm soát liên hợp Km15, Bến tàu Dân Tiến, Móng Cái cho biết, tính đến đầu tháng 12-2012, lực lượng chức năng của trạm đã bắt 171 vụ, tăng hơn 24% so với năm 2011. Trong đó, đối tượng buôn lậu thường xé lẻ hàng, thuê xe ôm vận chuyển nhỏ lẻ với giá trị thấp, trốn qua các đường mòn dân sinh quanh trạm, sau đó tập kết lại hàng đưa vào nội địa tiêu thụ.
 
Càng quyết liệt, càng tinh vi
 
Trở lại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, mặc dù là ngày đầu tuần, bãi xe tại cửa khẩu vẫn chật kín, không chỉ có xe container chở hàng xuất nhập khẩu chờ thông quan mà xe du lịch, xe khách đường dài cũng khá nhiều. Các kiốt, quầy hàng trong chợ Tân Thanh, từ tầng 1 tới tầng 2 đều chất ngất hàng hóa đủ chủng loại, từ quần áo, giày dép, hàng điện tử cho tới mỹ phẩm, thuốc men, thực phẩm.
 
Trong vai một người tìm nguồn hàng đưa về xuôi tiêu thụ, anh Thắng - một chủ hàng tạp hóa tại chợ Tân Thanh không ngần ngại cho chúng tôi biết, hàng hóa ở đây cần gì cũng có, từ hàng tiêu dùng thông thường cho tới hàng cấm như đồ chơi sex, dao kiếm, pháo nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ… đều có hết, đều do Trung Quốc sản xuất.
 
Tuy nhiên chất lượng, giá cả lại rất khác nhau, từ hàng nhái y chang hàng hiệu cho tới hàng nhái loại 2 loại 3. Chỉ một chiếc áo gió nhái nhãn hiệu Nike, nếu là hàng Quảng Đông giá gần 1 triệu đồng vì giống tới 99% hàng thật từ chất liệu cho tới kiểu cách, bao bì nhãn mác, còn nếu là hàng do cơ sở tư nhân ở địa phương sản xuất, giá không quá 200.000 đồng.
 
Thắng cũng cho biết, nếu làm ăn lâu dài, chủ hàng dưới xuôi không cần mất công lên tận chợ Tân Thanh hay sang bên Pò Chài (Trung Quốc) để lấy hàng mà chỉ cần ngồi nhà alô hoặc qua mạng đặt hàng, chuyển tiền vào tài khoản là mọi công đoạn sẽ “automatic”, hàng về tới tận Hà Nội không phải lo gì cả.
 
Thực tế, với lợi nhuận rất lớn cùng với nhu cầu sử dụng luôn tăng cao vào dịp cuối năm khiến cho tình hình buôn lậu tại tuyến biên giới phía Bắc trở nên nóng bỏng và tiềm ẩn phức tạp.
 
Ông Vũ Đức Dũng, Trưởng phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, tính đến tháng 12-2012, lực lượng hải quan Quảng Ninh đã bắt giữ 639 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và vi phạm thủ tục hải quan, trị giá trên 26,6 tỷ đồng, tăng 32% số vụ và 8% giá trị. Cũng căng thẳng không kém, tính đến giữa tháng 12-2012, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn cũng đã phát hiện, bắt giữ trên 570 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng trị giá hàng hóa trên 15 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Lực lượng chống buôn lậu ở biên giới có cả hải quan, quản lý thị trường, biên phòng, công an, thuế vụ nhưng chưa thể kiểm soát hết các thủ đoạn tinh vi của dân buôn lậu. 
 
Theo SGGP
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang