'Nóng' chuyện thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi

author 11:17 17/09/2017

(VietQ.vn) - Nhiều tranh cãi đã xảy ra xung quanh việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dự định thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi.

VCPMC "đòi" thu bản quyền, Hiệp hội khách sạn lên tiếng phản đối

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa tái khẳng định, tháng 10 tới, sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục để có thể thu bản quyền âm nhạc phát trên tivi ở các khách sạn.

Ngay khi thông tin này được công bố, lãnh đạo Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối gay gắt. Bà Dương Thị Thơ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng khẳng định: "Nếu thu không hợp lý thì một đồng tác quyền cũng không đóng".

Trước phản ứng của Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, nếu không đóng tiền tác quyền, khách sạn có thể cắt nhạc trên tivi. Đồng thời, nếu từ chối nộp phí, khách sạn cần chứng minh không phát nhạc qua tivi.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Vương Duy Biên, đại diện Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL cho rằng việc Trung tâm quyền tác giả Việt Nam nói tiếp tục tiến hành thu tiền bản quyền âm nhạc qua tivi trong phòng ngủ khách sạn là điều bình thường bởi trung tâm có thể làm theo phạm vi được các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm uỷ quyền cho họ. 

 

Thứ trưởng Vương Duy Biên, đại diện Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL.Ảnh: Tuổi trẻ 

Tuy nhiên, ông Biên cũng lưu ý rằng để nhận được sự hợp tác của các chủ khách sạn, Trung tâm quyền tác giả Việt Nam cần phải chứng minh được trong khách sạn đó có bao nhiêu tivi khách dùng bật nhạc để nghe; nghe tác phẩm của tác giả nào; tác giả có tác phẩm đó có uỷ quyền cho Trung tâm hay không và việc thu tiền sẽ phân bổ cho tác giả như thế nào...? Cũng theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, phản ứng của Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng là hoàn toàn có lý.

“Nếu Trung tâm quyền tác giả Việt Nam chưa chứng minh được những vấn đề tôi nói ở trên đã tiến hành thu tiền tác quyền thì việc gặp phản ứng của các chủ khách sạn là điều dễ hiểu. Vì các tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm đều cho rằng không ngại việc nộp tiền, mà họ cần sự minh bạch và đúng quy định của luật về sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản pháp luật có liên quan”, ông Biên cho hay.

Đối với việc Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng sẽ kiến nghị cắt chương trình âm nhạc trên tivi trong khách sạn nếu chủ khách sạn không đóng tiền tác quyền, theo ông Biên, việc kiến nghị của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì cũng thuộc quyền của Trung tâm. Tuy nhiên, việc nhà Đài có cắt hợp đồng truyền hình với khách hàng của họ hay không lại là việc hoàn toàn khác.

“Vì Các đài truyền hình có khách hàng của mình và bản thân nhà Đài vẫn phải thực hiện nộp tiền tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc sử dụng để phát sóng và các khách sạn vẫn trả tiền thuê bao tivi hàng tháng”, ông Biên nói thêm.

Phải đàm phán mới được phép thu phí

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả tiền theo quy định của pháp luật, điều này quá rõ ràng rồi. Nhưng việc thu như thế nào và ai thu thì lại phải bàn cụ thể hơn nữa. Thông thường, khi doanh nghiệp sử dụng các tác phẩm phục vụ trong hoạt động kinh doanh thì phải tiến hành thu. Nhưng việc thu cũng phải theo mức độ hiện hành của xã hội và đúng theo quy định của pháp luật, chứ không thể áp dụng một mức cho toàn bộ được. 

Việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại các khách sạn qua truyền hình là có, có thể dùng 1 tiếng, 2 tiếng hoặc nhiều. Vấn đề là phải có phần mềm trợ giúp xem dùng với thời lượng bao nhiêu và với bao nhiêu sản phẩm âm nhạc cho từng khách sạn, doanh nghiệp. Mặt khác, nếu muốn thu phí, cơ quan thu phí phải có giấy chứng nhận ủy quyền của tác giả đối với hoạt động thu phí trong trường hợp đó. Và đặc biệt, địa điểm thu phí phải có sử dụng các tác phẩm của tác giả đã được ủy quyền thì mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu phí.

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, việc thu phí được tiến hành khi mọi thắc mắc được làm rõ. Ảnh minh họa: báo Đất Việt

Ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định, việc đưa ra mức giá 25.000 đồng/tivi/năm phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được, phải rất cẩn trọng và có kế hoạch, sao cho minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết, việc dừng thu phí trước đó là để làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước với vai trò của các cá nhân có trách nhiệm dân sự liên quan.

Trong quyết định trước đó, Cục đã ghi rất rõ việc dừng thu phí phải được thực hiện ngay cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng của tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hội viên của trung tâm và xây dựng được mức giá về quyền tác giả, tác phẩm đối với tác phẩm được khai thác sử dụng.

Sau đó tiến hành đàm phán để được phép sử dụng tác phẩm của cá nhân cho phép được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, tức là phải làm rõ được mọi thắc mắc thì việc thu phí mới tiến hành.

Phong Lâm (T/h)

Phải nộp phí tác quyền 2.000 đồng/bài, quán karaoke lo đóng cửa(VietQ.vn) - Phí tác quyền của các tác phẩm âm nhạc thuộc quyền quản lý của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam sẽ được thu mức 2.000 đồng/đầu thu/bài hát. Điều này khiến các chủ quán karaok lo ‘nơm nớp’ về việc đóng cửa.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang