Nông dân bỏ ruộng sau tết: “Phao” khó tới tay nông dân

author 07:09 22/02/2014

Để hỗ trợ người trồng lúa tăng thêm thu nhập, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách. Song dường như có rất ít chính sách hỗ trợ đến được tới tay người nông dân.

Vẫn phải tự bơi

Anh Trần Văn Hậu ở thôn La Giang, xã Văn Tố (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “Nông dân cấy lúa bây giờ cùng cực quá rồi, ngoài khoản hỗ trợ thủy nông, tưới tiêu ra thì nông dân vẫn tự “bơi” với đủ thứ chi phí phải trả, nhất là giá vật tư nông nghiệp như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu… Ngay như thuốc diệt chuột, tháng 12.2013 vừa qua, nông dân trong thôn mới lần đầu tiên nhận được hỗ trợ của xã, nói là hỗ trợ cho có thôi, chứ dân vẫn phải bỏ tiền công 10.000 đồng/sào ra để xã thuê người đánh thuốc”.

Tìm đến cánh đồng xã Tiên Động (Tứ Kỳ, Hải Dương), gặp ông Nguyễn Văn Lạng ở thôn Quan Lộc đang hì hục làm đất để chuẩn bị cấy, thấy chúng tôi hỏi chuyện về các khoản hỗ trợ nông nghiệp, ông Lạng mới té ngửa nói: “Ở xã này, nông dân được hỗ trợ có duy nhất có thủy lợi phí, còn hỗ trợ gì nữa thì không biết. Ngay như vụ mùa năm vừa qua, lúa BC15 mất mùa, nhiều hộ trắng tay, nhưng xã tôi có thấy đưa cho dân đồng nào đâu”. 

Nói chuyện với chúng tôi về vấn đề hỗ trợ cho nông dân, ông Đinh Thanh Thơ – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiên Động cho biết: “Thực ra, trong những năm qua, nông dân vẫn được hỗ trợ, chỉ có điều mức hỗ trợ ít quá, nên có thể người dân… không để ý. Cụ thể, trong năm vừa qua, Nhà nước hỗ trợ cho mỗi sào lúa là 18.000 đồng/năm/2 vụ lúa, nhưng có thôn thì đưa tiền luôn cho nông dân, có thôn họp dân rồi chuyển đổi số tiền đó sang làm việc khác như nạo vét kênh, mương… Những hộ nào không đi họp thì mất phần, mất tiền là phải thôi”.

Ông Đỗ Tuấn Đạo, nguyên Trưởng xóm Đồng Cỏ, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) cũng thừa nhận, đúng là nông dân có được hỗ trợ, nhưng ở mức còn thấp. “Để hỗ trợ nông dân gắn bó với ruộng đồng, ngoài khoản hỗ trợ 100% thủy lợi phí ra, xã còn hỗ trợ nông dân thuốc diệt chuột, giống lúa…Đặc biệt, trong năm 2013 vừa rồi, nông dân trong xóm còn được hưởng thêm mức hỗ trợ 9.000 đồng/sào”- ông Đạo nói. 

Song ông Đạo cho rằng, ngoài việc hỗ trợ thuốc diệt chuột, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ máy nông nghiệp như máy làm đất, máy tuốt lúa…từ đó giúp nông dân cấy lúa bớt đi chi phí đầu vào.

Miễn giảm phí này vẫn phải đóng phí khác


Xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), là một trong những xã được triển khai chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, nhưng tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm rất ít, đa số là hộ nghèo và cận nghèo, các hộ bình thường chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Bình Hòa cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có cơ chế, nhưng khi triển khai lại rất rườm rà về thủ tục.

Những thửa ruộng trước đây được coi là “bờ xôi, ruộng mật” nay biến thành bãi chăn thả trâu bò

Ảnh chụp tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

“Các tiêu chí, thủ tục để xác định thiệt hại trong nông nghiệp và chăn nuôi còn khá rườm rà, nên người dân rất khó được hưởng lợi. Nếu được hưởng cũng chẳng bõ công đi làm thủ tục, nên chúng tôi rất ngại tham gia”- bà Hằng thẳng thắn nói. 

Cũng tương tự như vậy, một chính sách khác là miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân, chính sách này dù đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng người dân xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và người dân ở nhiều nơi khác vẫn phải đóng phí, dưới danh nghĩa là phí “thủy nông” với mức 6kg thóc/sào/vụ. Tuy nhiên, điều đáng nói là, mặc dù họ phải đóng phí, nhưng chất lượng kênh mương, thủy lợi lại rất kém. 

Ông Lê Thiền Sừ, một hộ dân bỏ nhiều ruộng nhất trong xã dẫn chúng tôi ra con kênh, chỉ tay vào con mương ken đặc rác, bức xúc nói: “Đấy các anh thấy đấy, rác ken đặc lòng mương, đủ các thứ rác, nguồn nước thì ô nhiễm, đi làm đồng về chân tay mẩn ngứa, lở loét, nên chẳng ai muốn làm ruộng nữa. Chất lượng phục vụ là vậy, nhưng họ vẫn thu đều 6kg thóc/sào/vụ”.

Cũng như xã Thiệu Giao, người dân xã Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cũng phải đóng “phí thủy nông”, nhưng tệ hại hơn là đa số kênh mương thủy lợi của xã là mương đất, nên tỷ lệ thất thoát nước rất lớn, do rò rỉ, vỡ bờ. 

Chúng tôi khảo sát qua vài con kênh, mương và nhận thấy một điểm chung là xuống cấp, cỏ mọc um tùm, không một giọt nước. Bà Vụ Thị Loan, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc phàn nàn: “Năm nào, vụ nào chúng tôi cũng phải đóng phí, nhưng kênh mương lại không được tu sửa, bảo dưỡng. Những ruộng vùng thấp thì nước ngập, còn vùng cao thì nước không đến, thế bảo chúng tôi cấy bằng cách nào”. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc thừa nhận, hệ thống kênh mương của xã đa số là kênh mương đất, nhưng do kinh phí hạn chế nên chưa thể kiên cố hóa. Bà Hà nói: “Nhà nước chỉ đầu tư đến kênh cấp 3, kênh mương cấp 4 là do địa phương đầu tư, quản lý, nhưng nguồn kinh phí của xã có hạn nên chúng tôi chưa thể kiên cố hóa được, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, nhất là chân ruộng cao”.

Bà Nguyễn Thị Liên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hậu Lộc cho rằng, nguyên nhân người dân bỏ ruộng là do chuyển sang làm nghề rèn, cơ khí, số còn lại đi làm ăn xa. “Có nơi, UBND xã còn cày đất miễn phí cho người dân, nhưng họ vẫn bỏ cấy, cũng chỉ hỗ trợ được đến như thế là cùng thôi” – bà Liên nói.

Theo Dân Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang