Nông dân 'khóc ròng' vì phân bón giả “cao cấp”

author 09:43 16/11/2012

Một số người dân khi được hỏi thăm về phân bón "cao cấp Biokalibo", họ đều ngao ngán lắc đầu: "Không biết ông ta sản xuất rồi lừa bán ở đâu chứ quanh khu vực này ai mà chẳng biết cái công ty lèo tèo vài nhân viên, môi trường sản xuất xập xệ… chỉ phù hợp với sự dối gian, làm sao sản xuất ra phân bón cao cấp!". Vậy là đã rõ về chân tướng của ông Trần Hồng Ruyên - Giám đốc Công ty Biomekong.

Dãi dầu nắng mưa bán mặt cho đất - bán lưng cho trời nhưng cuộc sống của người nông dân tại không ít địa phương luôn trong cảnh bấp bênh. Có nhiều lý do để giải thích cho nỗi buồn không mong đợi này.

Nhưng một trong những lý do nổi bật nhất là những con người một nắng hai sương ấy đã và đang là nạn nhân của không ít kẻ bất lương, những kẻ xem họ là "con mồi" khi chuyên cung ứng nguồn giống kém chất lượng và đặc biệt bán phân bón giả. Ông Trần Hồng Ruyên - Giám đốc Công ty Biomekong là một người như vậy!

Nông dân kêu trời…

Câu chuyện nông dân kêu trời trước kiểu làm ăn bất lương của Công ty Biomekong bắt nguồn từ những lá thư kêu cứu đẫm nước mắt của nhiều nông dân ở xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Trong thư, nhiều người cho biết họ tốn tiền mua phân bón cao cấp có tên Biosupercasi của Công ty Biomekong để rồi rước trái đắng khi ruộng lúa sau khi được bón phân "cao cấp" đã trở nên tàn tạ.

Khi chuyển về xã Tân Hiệp, Công ty Biomekong được ông Trần Hồng Ruyên đổi thành cơ sở nông nghiệp và môi trường xanh.
Khi chuyển về xã Tân Hiệp, Công ty Biomekong được ông Trần Hồng Ruyên đổi thành cơ sở nông nghiệp và môi trường xanh.

Ông Đào Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch xã bức xúc phản ánh rằng, theo như quảng cáo trên bao bì của Biosupercasi thì phân bón cao cấp kia là "thuốc dạng bột", khi dùng thì trộn với phân rắc vào ruộng lúa với tỉ lệ 1.000m2-1kg: "Chẳng những không siêu ra rễ, khiến cây trồng èo uột, mà những chai Biosupercasi (mỗi chai có dung tích 10 lít được đại lý bán với giá 50.000 đồng/lít) có bao bì bắt mắt kia còn khiến cây lúa bị vàng lá thảm hại".

Không dừng lại ở nông dân Kiên Giang, sản phẩm độc hại của Công ty Biomekong cũng khiến nhiều nông dân trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang kêu trời. Về đất miền Tây, sản phẩm của công ty này được khoác "chiếc áo" BioGrain, được tay chân của ông Ruyên nổ là "phân bón cao cấp" được chuyển giao trực tiếp từ công nghệ Nhật Bản chuyên dùng cho ây ăn trái. "Chuyên dùng hổng thấy chứ chuyên hại thì có rồi, mà tui là nạn nhân điển hình, coi như công toi vụ này bởi bón thuốc bậy mà đã bay đứt khoản vay hơn 20 triệu để sản xuất" - ông Vân, một nông dân phẫn uất!

Với việc tự tung tự tác bán sản phẩm chưa qua đăng ký, cho phép của cơ quan chức năng, có thể khẳng định Công ty Biomekong do ông Trần Hồng Ruyên làm Giám đốc đã vi phạm nghiêm trọng điều 17 Nghị định 113 năm 2003 của Chính phủ với quy định, phân bón lá bắt buộc phải được khảo nghiệm để đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.

Bộ mặt thật của ông giám đốc

Lần theo địa chỉ ghi trên bao bì của 2 sản phẩm "cao cấp" hại nông dân kia cũng như danh tính của ông Giám đốc Trần Hồng Ruyên, chúng tôi tìm đến xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh xác minh sự việc. Được sự hỗ trợ của một số cán bộ ấp Xuân Thới Đông 1 (xã Xuân Thới Đông), chúng tôi đã rõ hơn về chân tướng của Ruyên.

Anh Lê Duy Khương, Công an ấp cho biết: Ông Ruyên nguyên quán xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông ta đưa gia đình vào mua đất, nhập khẩu tại xã Xuân Thới Đông từ năm 2004, đăng ký thường trú vào ngày 28/12/2005. Ngôi nhà số 25/2D nằm trên mặt tiền đường Xuân Thới 8 do ông Ruyên đứng tên, nhà mặt đường khá bề thế, lúc nào cũng khóa cửa.

Quá trình điều tra được biết, sau nhiều năm làm thuê cho một số doanh nghiệp sản xuất phân bón, học lỏm được vài chiêu chế biến phân, thế là ông Ruyên kết bè, kết nhóm với vài đối tượng "cùng hội cùng thuyền" sản xuất phân giả.

"Hành tung của đôi vợ chồng này rất bí hiểm. Họ rời khỏi nhà bằng xe hơi lúc mờ sáng đến tối mịt mới về. Họ sống khép kín, không giao du với ai và luôn tránh mặt bà con chòm xóm" - ông Nguyễn Hồng Chi, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, ấp Xuân Thới Đông, ở cách nhà Trần Hồng Ruyên khoảng 200m cho biết. Cũng theo ông Chi, 3 năm trước, ông Ruyên từng tổ chức sản xuất phân bón giả, chế biến thuốc rầy dạng viên gây ô nhiễm môi trường bị nhân dân phản ánh. Lực lượng môi trường xã, huyện đến kiểm tra lập biên bản, kết quả cho thấy mẫu phân đưa đi xét nghiệm không đạt chuẩn. Cũng từ đó, ông Ruyên phải dẹp kho, hạ bảng hiệu.

Được ông Chi hướng dẫn nên chúng tôi không mấy khó khăn tìm được nhà của giám đốc ba trợn Trần Hồng Ruyên. Trước nhà ông này vẫn còn treo biển hiệu Công ty Biomekong nhỏ xíu, phải lại gần mới thấy rõ chữ. "Hồi trước họ sản xuất phân thuốc ở trong nhà mới ghê. Tiếng là công ty chứ khu vực sản xuất gì chưa đến 100m2 nên tui nghi lắm. Ai ngờ khi bị lực lượng bảo vệ môi trường xuống kiểm tra thì bản chất ma của tay này bị lộ mặt" - bà M., một hàng xóm của Ruyên, khẳng định: "Dầu vậy song nghe đâu ông giám đốc trời ơi này vẫn đang lén lút làm phân bón dỏm ở khu vực Hóc Môn này".

Hỏi thăm xưởng sản xuất của ông Ruyên ở đâu, ai nấy đều lắc đầu. Sau một thời gian kiếm tìm, chúng tôi mới biết Trần Hồng Ruyên lại lập kho sản xuất "thuốc độc" bán cho nông dân ở xã Tân Hiệp, Hóc Môn. Điều lạ là khi được chúng tôi hỏi thăm, từ lãnh đạo Công an xã, Hội Nông dân và cả cán bộ phụ trách môi trường đều khẳng định không hề biết hay nghe nhắc đến cái tên Trần Hồng Ruyên hay Công ty Biomekong gì cả.

Lộ mánh gian manh

Tiếp tục kiếm tìm, cuối cùng chúng tôi cũng lần mò được "danh tính" của Biomekong, qua đó càng rõ hơn bản chất láu cá của Trần Hồng Ruyên. Không như tại nhà riêng của mình ở Xuân Thới Đông trương bảng Công ty Biomekong, tại địa chỉ 31/4E ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, ông Ruyên ma mãnh đổi tên công ty của mình thành "Cơ sở nông nghiệp và môi trường xanh".

Khó khăn lắm mới đột nhập vào được khu vực chất hàng của Trần Hồng Ruyên, chúng tôi đã chộp được một số hình ảnh về những thùng hàng được ghi "Phân bón cao cấp Biokalibo 7-5-44+TE" với logo "Biomekong - Bạn của nhà nông". Hỏi ra mới biết cơ sở này được Ruyên thuê chung với tiệm điện Văn Lộc chuyên sửa chữa điện ôtô - máy lạnh ôtô.

Một số người dân khi được hỏi thăm về phân bón "cao cấp Biokalibo", họ đều ngao ngán lắc đầu: "Không biết ông ta sản xuất rồi lừa bán ở đâu chứ quanh khu vực này ai mà chẳng biết cái công ty lèo tèo vài nhân viên, môi trường sản xuất xập xệ… chỉ phù hợp với sự dối gian, làm sao sản xuất ra phân bón cao cấp!". Vậy là đã rõ về chân tướng của ông Trần Hồng Ruyên - Giám đốc Công ty Biomekong. Điều đáng quan tâm lúc này là hành vi xảo trá, lừa gạt nông dân của ông Ruyên đã rõ rành rành nhưng việc ông ta "đóng đô" ở Tân Hiệp mấy năm trời lẽ nào chính quyền địa phương không hề hay biết!?

Những ai đã từng là "đại lý" tiêu thụ nguồn phân bón giả của ông Trần Hồng Ruyên cũng phải là người liên đới chịu trách nhiệm với hành vi gian dối trên.

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh để bà con nông dân không bị dối lừa.

Theo CAND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang