Nông dân ‘khóc’ vì gừng không bán được, Sở Nông nghiệp ‘vào cuộc’ giải cứu

authorĐỗ Thu Thoan 09:26 23/04/2017

(VietQ.vn) - Sau khi ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân tại Thanh Hóa đã bỏ tiền ra đầu tư trồng gừng. Nhưng khi gừng đến kỳ thu hoạch vẫn không doanh nghiệp đến thu mua.

Được biết, thời gian qua, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An có thực hiện việc ký kết hợp đồng trồng và bao tiêu gừng với người nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, thông tin đăng tải trên Dân trí cho biết.

Theo đó, có những hộ dân đã ký hợp đồng và đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng gừng. Giờ đây, người trồng gừng như “ngồi trên đống lửa” vì năng suất gừng thấp, còn đơn vị hứa bao tiêu sản phẩm thì vẫn chưa thấy đâu.

nong-dan-khoc-vi-gung-khong-ban-duoc-so-nong-nghiep-vao-cuoc-giai-cuu
 
nong-dan-khoc-vi-gung-khong-ban-duoc-so-nong-nghiep-vao-cuoc-giai-cuu

Người trồng gừng lo lắng vì sản lượng thấp, chưa bán được. Ảnh: Dân trí

Cũng theo Dân trí, trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện chỉ đạo địa phương rà soát, thống kê quy mô, diện tích, phương thức ký hợp đồng, những cam kết thỏa thuận của công ty với các hộ dân, UBND huyện tổng hợp báo cáo Sở trước ngày 30/4/2017.

Sở cũng đề nghị các địa phương động viên các hộ dân tiếp tục chăm sóc bảo vệ và thu hoạch gừng, bảo quản tốt, hỗ trợ tìm đầu ra cho nông dân; hỗ trợ các hộ gia đình đầu mối với công ty để giải quyết các nội dung trong hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn, giới thiệu cho các hộ sản xuất thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn và bao tiêu sản phẩm với các DN có uy tín.

Ngoài ra, Sở cũng đã khuyến khích các địa phương chủ động kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng sản xuất. Báo cáo kịp thời hình thức liên kết quy mô sản xuất, loại cây trồng, thời gian thực hiện và thị trường tiêu thụ về Sở NN&PTNT để phối hợp theo dõi, hỗ trợ cho DN, nông dân tham gia liên kết sản xuất đảm bảo hiệu quả và lợi ích của các bên.

Trước đó, ở Quảng Ngãi, hàng chục tấn bí đỏ Nhật Bản của bà con nông dân xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn dù vừa thu hoạch nhưng không có người đến mua, theo VOV.

nong-dan-khoc-vi-gung-khong-ban-duoc-so-nong-nghiep-vao-cuoc-giai-cuu

Hàng chục tấn bí đỏ của nông dân xã Bình Mỹ bị nứt, thối, hư hỏng. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo đó, ông Nguyễn Hồng Liễn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Mỹ cho biết, cây bí đỏ Nhật Bản 4 năm trước đây mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã Tịnh Trà và Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh. Từ đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Mỹ liên hệ với Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đưa cây bí đỏ về cho bà con trồng.

Việc liên kết với các DN được xem là giải pháp đầu ra cho sản phẩm nông sản. Thế nhưng, dù đã cầm giấy cam kết trong tay nhưng người trồng bí đỏ Nhật Bản ở Quảng Ngãi chẳng biết kêu ai khi quả bí đỏ bí ngày càng thối dần, còn người dân chỉ biết chờ đợi trong vô vọng.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang