Nông dân kiệt quệ vì phân bón giả, kém chất lượng

authorThanh Uyên 12:56 02/06/2016

(VietQ.vn) - Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng trầm trọng tới cây trồng và năng suất nông nghiệp, hệ lụy xa hơn là làm cho nông nghiệp và nông dân kiệt quệ.

 

 Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, phân bón giả gây thiệt hại tới 2 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế

Hỗn loạn thị trường phân bón

Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thắt chặt quản lý thị trường phân bón, nhưng hiện nay, thị trường này vẫn hỗn loạn bởi hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Theo một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành phải thốt lên rằng: “Tôi không hiểu tại sao một nước nhỏ bé như Việt Nam mà có tới 5.000 chủng loại phân bón, 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh”.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam trong một phát biểu mới đây cũng cho hay, sau 10 năm nhìn lại, thị trường phân bón trong nước vẫn chưa được cải thiện, tình hình phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác vẫn tràn lan, thương nhân sản xuất trá hình tinh vi hơn đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

"Đây là nền phân bón tự phát, chưa có quy hoạch, định hướng gì cụ thể, riêng TP. HCM có 491 cơ sở sản xuất, cả nước trên 1.000 cơ sở sản xuất. Chưa có một nước nào có số lượng cơ sở sản xuất nhiều đến vậy", ông Thúy cho hay.

Ông Lại Xuân Môn:  "Người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là khánh kiệt vì phân bón giả, kém chất lượng"

Cùng quan điểm trên, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, các nước tiên tiến bên châu Âu chỉ cần 30 - 40 loại. Ngay cả những nước láng giềng như Thái Lan họ cũng chỉ có 100 loại phân bón với 4-5 công ty sản xuất lớn. Trong khi chủng loại phân bón của Việt Nam gấp 50 lần của họ với hàng nghìn cơ sở sản xuất.

"Rõ ràng với số lượng chủng loại và cơ sở sản xuất phân bón nhiều như vậy, cơ quan chức năng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ. Rà soát lại toàn bộ cấu trúc về lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp đầu vào. Đơn vị nào đủ hoặc không đủ điều kiện phải nắm rõ. Nếu không làm được điều này, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan là khó tránh khỏi", ông Môn cho biết.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã và đang gây hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường, người nông dân, uy tín của các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Cũng theo Hiệp hội này, phân bón giả gây thiệt hại tới 2 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế.

Dưa hấu chết vì phân bón giảChiều 19-2, ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), cho biết đã báo cáo, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vụ phân bón giả gây chết cây trồng đang lưu hành trên thị trường.

Thiệt đơn thiệt kép

Theo ông Lại Xuân Môn, người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là khánh kiệt vì phân bón giả, kém chất lượng.

"Nông dân Việt Nam đang phải đối diện với hàng loạt những khó khăn, từ thiên tai, dịch bệnh, tư thương ép giá, tin đồn thất thiệt giờ là phân bón giả, kém chất lượng. Phân bón giả không chỉ khiến nông dân thiệt hại, doanh nghiệp không cạnh tranh được, mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm nông sản, đặc biệt, phân bón giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước…", ông Môn cho biết.

Theo người đứng đầu cơ quan đại diện cho nông dân, tiền chôn xuống đất vì phân bón giả, còn cái mà người nông dân nhận được là nỗi lo lắng về những vụ mùa thất bát nối tiếp nhau.

"Người xưa có câu “nhất nước, nhì phân”. Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp. Sử dụng hàng giả, kém chất lượng không những ảnh hưởng đến chất lượng nông sản mà còn gây hại sức khoẻ, giống nòi của người Việt Nam. Vì thế, cơ quan quản lý phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này", ông Môn nêu quan điểm.

 Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản 

Đề cập đến kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT công bố mới đây về vụ 11 tổ chức chứng nhận, thử nghiệm chất lượng phân bón sai phạm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, cần phải xử lý nghiêm và có phương án giám sát chặt chẽ hoạt động này. Ông Môn cũng cho biết, Hội nông dân Việt Nam đã ký với các đơn vị chủ trì trong việc kiểm tra giám sát, cùng với các cơ quan ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con.

Đề xuất phương án quy hoạch, kiện toàn lại hệ thống kinh doanh phân bón cả nước, ông Nguyễn Hạc Thúy cũng đề nghị phải hành động kiên quyết để trả lại thị trường lành mạnh cho phân bón Việt Nam. Cần có chế tài xử lý ngay, không tiếp tục cấp giấy phép cho những cơ sở thành lập mới không đạt tiêu chuẩn thông qua những hàng rào như số cán bộ kỹ thuật, máy móc, phòng thí nghiệm…

Ông Thúy cũng kiến nghị mỗi doanh nghiệp nên giao cho một Bộ quản lý, đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ có sản xuất một phần nhỏ phân vô cơ dưới 20% thì giao Bộ NN&PTNT quản lý; doanh nghiệp chuyên sản xuất vô cơ, có tham gia sản xuất một phần hữu cơ dưới 20% thì giao Bộ Công Thương quản lý.

Và hoạt động chỉ định, chứng nhận, thử nghiệm chất lượng phân bón thì nên đưa về Bộ KH&CN quản lý vì theo ông Thúy, Bộ KH&CN là cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực này nếu để xảy ra vấn đề về chất lượng thì Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay dẫn đến hậu quả là những sản phẩm phân bón “hợp quy” rởm tràn lan trên thị trường đã khiến nông dân lãnh đủ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang