Nông dân ở Lâm Đồng thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng địa lan, dâu tây

author 16:34 10/12/2017

(VietQ.vn) - Đó là ông Lê Thanh Hùng (SN 1956, ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng) và nông dân Nguyễn Thanh Trúc (41 tuổi, phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Theo báo điện tử Dân trí, những năm 76, ông Hùng từng làm nhân viên Bưu điện tại Đơn Dương (Lâm Đồng) nhưng cuộc sống tem phiếu thời đó chỉ đủ nuôi mình, nên ông quyết định xin nghỉ về làm kinh tế. Từ đó, gia đình ông chủ yếu canh tác cây cà phê.

Khoảng 10 năm trước, tình cờ ông Hùng có quen một người bạn từ Sài Gòn vào Xuân Trường thuê đất trồng lan, ông Hùng nghĩ mình dân ở đây có đất, có kỹ thuật nông nghiệp tại sao không thử trồng lan.

Nông dân ở Lâm Đồng thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng địa lan, dâu tây

 Ông Hùng đang tỉ mỉ chăm sóc vườn địa lan của gia đình. Ảnh dân trí.

Nghĩ là làm, ông Hùng đã cho người con trai đi học 6 tháng kỹ thuật trồng lan để về áp dụng nhưng không có hiệu quả. Sau đó, ông đã tự tìm tòi học hỏi, mày mò đi tìm hiểu từ những vườn lan, tuy nhiên ông cũng không học được nhiều vì đa số các chủ vườn đều “dấu nghề”.

Sau một thời gian, ông Hùng biết đến Hiệp hội Hoa lan Đà Lạt và dự tính mua lan về trồng. Sau đó, ông đã gom hết vốn liếng của gia đình và vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng mua 800 chậu lan về trồng thử.

Dù được Hiệp hội Hoa lan Đà Lạt chia sẻ trao đổi kỹ thuật trồng lan tỉ mỉ, nhưng trong quá trình trồng loại cây mới này ông Hùng gặp phải không ít khó khăn như giống lan này không phù hợp với khí hậu của vùng, không phù hợp với chất trồng... trong khi đó kỹ thuật chăm sóc cây lan của ông chưa nhiều.

 Trong 2 năm liền, cây lan chưa ra hoa, không có nguồn thu nhập cả nhà ai cũng sốt ruột, lo lắng cho ông. “Lúc đầu biết tôi tính trồng lan vợ tôi phản đối dữ lắm, bà ấy giận đóng cửa cả tháng, không cho tiền đầu tư... Nên lúc đó tôi đã vay mượn tín dụng để đầu tư trồng địa lan”, ông Hùng kể.

Sau 2 năm mày mò, thay đổi các kỹ thuật chăm sóc vườn lan cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cuối cùng những bông hoa lan đầu tiên đã bung nở. Vụ đầu tiên ông thu về hơn 200 triệu đồng, ông đem trả nợ ngân hàng và đưa cho vợ ông 1 khoản còn lại đầu tư hết vào giống lan mới.

Sau đó, ông đã mua 10.000 cây con về trồng, nào ngờ giống lan này không ra bông vì không hợp khí hậu khiến ông mất trắng cả vụ.

Không chịu thua, ông Hùng tiếp tục mày mò tìm hiểu, tìm cách khắc phục thay đổi giống cây cho phù hợp với khí hậu ở Xuân Trường, Đà Lạt. Ông tiếp tục vay mượn bạn bè, gom thêm vốn liếng mua thêm lan về trồng.

Trong 3 năm liền không có gì thu, ông bám trụ vào vườn cà phê để lấy vốn xoay vòng nuôi lan. Lúc đầu thì khó khăn rất nhiều nhưng giờ ông Hùng đã nắm chắc kỹ thuật trồng lan và vườn lan của gia đình ông đã bắt đầu thích nghi với mọi thời tiết cho hoa tươi tốt.

 Hiện, trong vườn lan 4.500m2 nhà ông Hùng trồng 5 giống lan: Hoàng Hậu, Vàng mít, Xanh cốm, Xanh ngọc, Hồng hai da, tất cả đều đang trổ nụ để chuẩn bị cho vụ Tết sắp tới.

 Dự tính năm nay, ông Hùng cho ra thị trường 7.000 chậu lan, với giá bán ngày thường khoảng 100 ngàn đồng/ cành và giá Tết khoảng 500 ngàn đồng/ đơn vị (1 đơn vị là một gốc lan gồm cành hoa và củ), sau khi trừ hết chi phí gia đình ông thu lãi về khoảng 600- 700 triệu đồng.

Ngoài việc trồng lan, ông Lê Thanh Hùng còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường. Hàng tháng, có rất nhiều người tìm đến vườn lan của gia đình ông tham quan, học hỏi ông Hùng đều chia sẻ, hướng dẫn tận tình họ các kỹ thuật trồng lan. Tại Festival năm 2015, ông được vinh danh là 1 trong những nông dân tiêu biểu của TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Trước đó, báo Sài gòn giải phóng cũng thông tin về ông Nguyễn Thanh Trúc (41 tuổi, phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã thu về hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình trồng dâu tây treo "lơ lửng".

 Với diện tích 500 mét vuông trồng thử nghiệm đầu tiên cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên đầu năm 2014, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên gấp nhiều lần.

Hiện nay, với 9.000 mét vuông, vườn dâu gia đình ông Trúc cho sản lượng khoảng 25 tấn/năm, tiêu thụ chủ yếu TPHCM, Hà Nội, Huế và ngay tại địa phương. Giá bán tại vườn từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí gia đình anh lợi nhuận khoảng 50% (gần 3 tỷ đồng).

Ngoài ra, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn không qua trung gian để giảm giá bán.

 HD (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang