Nông dân vì tiêu chặt điều, bỏ cao su

author 06:50 19/07/2014

(VietQ.vn) - Giá hồ tiêu tăng mạnh liên tục từ đầu năm tới nay đã khiến nhiều hộ nông dân phá bỏ các vườn cà phê, cao su, điều để trồng hồ tiêu.

Giá hồ tiêu tăng mạnh

 Theo báo cáo của của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuần từ 7 đến 11/7, giá hồ tiêu thu mua tại địa phương, theo xu hướng tăng giá từ đầu năm tới nay, đã tăng 5% so với giá trung bình tuần trước đạt hơn 173.200 đồng/kg. Vào thời điểm đầu tuần, giá hồ tiêu đạt 170.000 đồng/kg, tăng mạnh so với cuối tuần trước ở với mức 164.500 đồng/kg. Sau đó vào giữa tuần, giá hồ tiêu tăng lên 175.000 đồng/kg và giảm nhẹ vào cuối tuần đạt 174.800 đồng/kg, giá xuất khẩu đồng thời cũng tăng từ 12.500 USD/tấn (C&F Châu Âu) và 12.750 USD/tấn (C&F Mỹ) lên 12.750 USD/tấn (C&F Châu Âu) và 13.000 USD/tấn (C&F Mỹ).

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ba năm trở lại đây, cây tiêu có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu xuất khẩu đạt 111.000 tấn mang lại 790 triệu đô-la Mỹ, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị. Giá tiêu 3 năm gần đây luôn duy trì ở mức 150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt trên 200.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu tăng mạnh từ đầu năm tới nay

Giá hồ tiêu tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính khiến cho giá hồ tiêu trên thị trường tăng cao được cho là do sản lượng năm 2014 giảm mạnh, chỉ đạt 35.000 tấn so với mức 50.000 – 60.000 tấn của vài năm nay.

Nông dân "đứng núi này trông núi nọ"

Theo ông Phan Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) Đồng Nai, thống kê của sở cho thấy, lợi nhuận từ cây điều sau mỗi vụ chỉ ở mức 6,3 triệu đồng/héc ta, bằng 7% so với hồ tiêu. Vì vậy nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ vườn điều để trồng hồ tiêu với mong muốn thu lợi nhuận cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN – PTNT cho biết, năm 2005 diện tích trồng điều cả nước là hơn 433.000 héc ta, nhưng đến năm 2013 còn hơn 313.000 héc ta, giảm 120.000 héc ta. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 héc ta trồng điều bị chặt bỏ, chuyển sang trồng hồ tiêu.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cây cao su trên địa bàn huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông.

Ông Hà Tư Lệnh ở thôn 8, xã Nhân Đạo cho biết: “Gia đình tôi vừa chặt 2,3 ha cao su, trong đó, có hơn 1 ha đã cho thu hoạch mủ được 3 mùa, số còn lại mới bước vào năm thứ 4 để trồng hồ tiêu. Gần cả chục năm bỏ bao công sức, tiền của ra chăm sóc, nay phải phá bỏ, gia đình tôi cũng tiếc lắm. Thế nhưng, nếu duy trì thì gia đình tôi sẽ “phá sản” sớm vì gần đây, vườn cao su cho lượng mủ rất kém, giá cả lại hạ thấp. Tính ra, thu nhập mà vườn cao su mang lại sẽ không đủ tiền bỏ phân và thuê công nhân cạo mủ”.

Giá hồ tiêu tăng mạnh khiến nhiều vườn cao su bị chặt bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu

Giá hồ tiêu tăng mạnh khiến nhiều vườn cao su bị chặt bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu. Ảnh Minh Phát VOV

Cũng như vậy, hộ ông Lê Sĩ Thông, ở thôn 3 cũng vừa chặt bỏ hơn 1 ha cao su 8 năm tuổi để trồng hồ tiêu. Được biết, năm 2005, khi giá cao su đang cao, thấy nhiều người dân trong vùng chặt bỏ cây cà phê để trồng cao su, gia đình ông cũng làm theo. Sau hơn 8 năm bỏ công đầu tư, chăm sóc đến khi thu hoạch thì lượng mủ rất ít, thậm chí có cây không có mủ, cộng với giá mủ đang hạ nên một lần nữa ông phá cao su để trồng hồ tiêu.

Người dân cần tỉnh táo hơn

Theo ý kiến của các chuyên gia, nông dân Việt như đang chạy theo cuộc đuổi bắt giá cả của thị trường nông sản, vì thế nên điệp khúc "chặt -trồng" cứ mãi diễn ra năm này qua năm khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho bà con nông dân, nhất là ở những vùng xa, vùng sâu mà còn làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường.

Ông Phạm Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông cho biết, tình trạng đua nhau trồng tiêu cũng giống như trước đây với cây cao su, khi giá lên cao, bà con đua nhau trồng theo phong trào. Việc mua giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, không am hiểu kỹ thuật chăm sóc nên đến khi thu hoạch, vườn cao su cho sản lượng mủ thấp, nay giá xuống thấp, người dân lại chặt.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, nông dân không nên chạy theo giá để phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, điều này sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm trong tương lai. Hơn nữa, việc trồng tiêu ồ ạt ở nhiều nơi có chất đất không phù hợp, cho dù có đầu tư chăm sóc tốt, nhưng năng suất sẽ không đạt cao. Vì thế người dân cần tính toán thật kỹ trước khi quyết định đầu tư.

Phan Huyền (Tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang