Nông dân Việt Nam đã hết thật thà?

author 06:57 22/10/2014

(VietQ.vn) - Trước đây, nông dân thường được đánh giá là những con người chân chất, thật thà. Thế nhưng, khi mà nền kinh tế thị trường ồ ạt lao vào nước ta, nhiều người trong số họ đã không còn thật thà nữa…

Việc các nước Châu Âu phát đi thông báo, có thể sẽ cấm nhập khẩu rau quả của Việt Nam khiến rất nhiều người nông dân lo ngại.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam bên lề Hội thảo “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, PGS.TS Chu Tiến Quang – một cán bộ của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đúng là có sự việc như vậy.

rau quả nhiễm độc

PGS.TS Chu Tiến Quang - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Viết Cường

Nguyên nhân là mới đây Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu cho biết, từ tháng 2 tới nay đã nhận được thông báo 3 lần liên tiếp của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng bị cấm trên cây húng quế (Ocimum santum) và mướp đắng (Momordica charantia).

Cơ quan này còn cảnh báo, trong thời gian 1 năm kể từ ngày 1/2/2014 đến ngày 1/2/2015, nếu phát hiện 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật thì EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau, quả của Việt Nam.

Theo TS Chu Tiến Quang, câu chuyện rau, quả bán ngoài thị trường bị ngâm hóa chất gây hại đã không còn mới mẻ. Tìm hiểu tại một số vùng quê trồng rau, quả, có những gia đình cùng một mảnh đất, cùng trồng một loại rau nhưng lại có cách chăm sóc khác nhau.

Thông thường, họ chia khu đất đó ra làm hai, một khu trồng rau để bán và một khu nhỏ trồng để gia đình sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.

Khu trồng rau để bán, họ phun đủ các loại chất hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng... Còn khu để gia đình ăn họ chỉ tưới nước và phân thường.

Vậy mới có chuyện lúc rau ế, nhiều hộ nông dân không dám ăn mà gom hết lại mang đổ xuống sông.

Trong chăn nuôi cũng vậy.

Ví dụ trên cho thấy, người nông dân đã ít quan tâm hơn đến sức khỏe của người tiêu dùng mà nghĩ nhiều hơn về lợi ích kinh tế.

Trước thực trạng thường ngày thấy báo chí nói về rau, quả ngâm hóa chất độc hại, nhiều người tiêu dùng vô cùng hoang mang. Họ nói giờ ăn cái gì cũng hại, cũng ung thư và không thể tin được người nông dân nữa.

Nhìn nhận về vấn đề trên, PGS.TS Chu Tiến Quang cũng cho rằng, đúng là bây giờ thật khó để tin được người nông dân.

Theo ông Quang, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc người nông dân Việt Nam vì lợi nhuận mà làm ăn thiếu tử tế, cụ thể là trong việc Châu Âu cảnh báo có thể sẽ cấm nhập khẩu rau, quả Việt Nam là do tính cách vị tình của họ.

“Đó là chuyện tôi thấy cái sai của anh nhưng tôi không chỉ trích anh, tôi nghĩ rằng làm thế là để tôi giữ cái tình với anh. Họ không nghĩ rằng tôi sẽ nói cho anh để anh sửa chữa, anh thay đổi mà lại lờ đi và vô cảm với cái đó. Văn hóa Việt Nam nó là như vậy” – PGS.TS Chu Tiến Quang nhìn nhận.

Qua đó ông đánh giá, vì tính cách này nên đã làm mất đi tính đấu tranh về những cái sai trái trong xã hội. Những sai trái đó đã ảnh hưởng đến các ngành nghề, làm cho chúng ta không thể làm ăn theo kiểu “người lớn” được.

Ông Quang cho rằng, nhiều người nông dân biết thừa rằng nếu đưa sản phẩm đó ra thị trường thì sẽ gây hại đến người tiêu dùng, biết nhưng họ vẫn cứ làm. Lí do là, “họ nghĩ rằng có ai biết là tôi đưa sản phẩm đó ra đâu, có trăm vạn người trồng cơ mà. Và rất nhiều người có tư duy như thế”.

Như vậy, theo ông Quang, vấn đề ở đây là ý thức và đạo đức của người trồng trọt, buôn bán.

Tuy nhiên ông nhận định, hiện nay người tiêu dùng Việt đã rất cẩn thận trong việc lựa chọn các thực phẩm cho mình. Chỉ cần một thông tin không hay về nơi này, nơi kia thực phẩm không ổn là họ sẽ tẩy chay ngay.

Vì thế nên ông nhắn nhủ tới những người chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán rằng muốn tồn tại, phát triển được thì cần phải làm ăn cho nghiêm túc. 

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang