Nông nghiệp hữu cơ - xu hướng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm

author 15:11 30/12/2020

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hướng đến hội nhập, cần chăm lo chất lượng sản phẩm. Do đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đặc sản cần phải chú ý hơn nhiều.

Năm 2020 là năm thách thức rất lớn với kinh tế Việt Nam do tác động của đại dịch Covid-19. Thế nhưng vượt qua khó khăn, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn đạt được tăng trưởng nhất định, trong đó không thể không kể đến ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,65%.

Trong lộ trình hội nhập kinh tế toàn cầu, có một điểm rất tích cực là Việt Nam chủ động hội nhập. Việt Nam tham gia 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực. Các FTA, đặc biệt FTA thế hệ mới mở ra triển vọng cục diện nhìn chung rất tích cực trong đó có khu vực nông nghiệp. Thị trường mở rộng, thuế quan được ưu đãi, do đó, ngành nông nghiệp có cơ hội rất tốt trong việc mở rộng thị trường, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, những dòng chảy đầu tư, tiếp thu công nghệ, trao đổi hợp tác, phát triển nguồn nhân lực cũng được nâng lên. 

Tuy nhiên, phải khẳng định, cái gì cũng có hai mặt. Ở mặt cạnh tranh, phải chấp nhận cuộc chơi rất quyết liệt mà xuất phát điểm chúng ta chưa có nhiều lợi thế. Nếu các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật tăng lên; trình độ phát triển logistics, hoàn thiện các mặt quản trị khác chưa được như những nền kinh tế phát triển. Đây là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải đối mặt.

Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2021, thế giới vẫn phải chấp nhận những rủi ro và thách thức vô cùng lớn, trong đó, nổi lên, bao trùm đó là dịch Covid-19. Đặc biệt, chuỗi cung ứng, logistics chung ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng trong đó có nhóm nông sản. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục rất cực đoan, khắc nghiệt và khó dự báo.

“Trước tình hình đó, chúng tôi xác định sẽ tập trung vào hai nhóm chương trình lớn: Một là, tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Theo đó, tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung khép kín chuỗi giá trị, từ phát triển nguyên liệu, tập trung chế biến đến tổ chức thương mại. Trên cơ sở đồng bộ cả ba nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia bao gồm 10 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu một tỷ USD trở lên; nhóm nông sản thuộc thế mạnh các tỉnh, như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang…; nhóm đặc sản quy mô địa phương hay còn gọi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Như vậy, với việc đồng hành cùng lúc ba trục sản phẩm, phải tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học tốt nhất, công nghệ 4.0 vào từng quy mô, từng khu vực, từng ngành hàng ở mức độ phù hợp.

Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, từ đó có được các hình thức quản trị thích hợp, phù hợp nhất, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất của một nền nông nghiệp thông minh”, Bộ trưởng cho biết.

Hướng đến hội nhập, cần chăm lo chất lượng sản phẩm. Do đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đặc sản cần phải chú ý hơn nhiều. Tập trung nỗ lực các nhóm giải pháp để mời gọi được nhiều doanh nghiệp vào và trở thành nòng cốt, hạt nhân trong chuỗi liên kết.

Thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới, cùng với các hộ nông dân để hình thành các chuỗi liên kết. Làm sao để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thành trục liên kết nhuần nhuyễn, hoàn thiện trong tất cả các quy mô sản xuất, cấp độ, ngành hàng. Như vậy, mới đạt được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và chủ động, hiệu quả.

Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu vào EU phải đáp ứng chuẩn mới(VietQ.vn) - Từ ngày 1/1/2021, các đơn vị xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ vào các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải tuân thủ một bộ quy tắc mới do EU quy định.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang