Nông sản Việt bội thực "người khổng lồ chân đất sét"

author 09:50 16/10/2014

Dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhưng nhiều ngành nông sản Việt lại chỉ lớn về con số thành tích.

Điều: "Người khổng lồ" đi gia công nước ngoài

Ngành điều Việt Nam là “người khổng lồ” của thế giới khi dẫn đầu về xuất khẩu điều nhân. Công nghiệp chế biến hạt điều Việt Nam được xem là đã tạo được đột phá với 465 cơ sở với công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, xếp thứ hai thế giới sau Ấn Độ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều liên tục trong 8 năm qua (từ 2006 - 2013).

Năm 2014, dự báo xuất khẩu đạt 180.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch 1,8 tỉ USD, cộng thêm các mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm chế biến sâu, con số này lên khoảng 2,2 tỉ USD, tiếp tục là nước xuất khẩu điều đứng đầu thế giới.

Ngành điều Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Thế nhưng, tình trạng lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, lệ thuộc vốn vay ngân hàng, lệ thuộc vào người mua và cả người bán, khiến lợi nhuận hết sức khiêm tốn.

Giám đốc một doanh nghiệp lâu năm tại Bình Phước không giấu nổi sự chán nản khi thừa nhận với báo Thanh niên: “Con số trên 2 tỉ USD xuất khẩu là rất lớn, nhưng lợi nhuận thật sự mà chúng tôi thu về trên doanh số này thì không đáng là bao. May mắn lắm thì được 10%, còn thì huề vốn, khi thua lỗ”.

Đây là một thực tế buồn nếu nhìn vào "vóc dáng" của ngành điều trong bản đồ xuất khẩu của thế giới. Đơn cử như năm 2011, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) nhập một lượng lớn điều thô từ châu Phi với giá cao nhưng sau đó giá điều nhân giảm đột ngột nên bị lỗ khoảng 12.000 đồng/kg. Năm 2012, Lafooco thua lỗ 152 tỉ đồng, trong khi tổng lợi nhuận trong ba năm từ 2009 - 2011 chưa đến 116 tỉ đồng.

Đại diện một doanh nghiệp lâu năm trong ngành nói.“Cả ngành điều hiện nay có đến 30 - 35% số doanh nghiệp phải đi gia công cho nước ngoài. Điều đó cho thấy ngành điều càng ngày càng yếu đi”.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nếu như cách đây 10 năm, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu 20 - 30% điều thô, 70 - 80% còn lại trong nước cung cấp thì đến nay tỷ lệ này đã đảo ngược với số lượng nhập khẩu từ châu Phi lên đến 650.000 tấn mỗi năm.

Vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên doanh nghiệp điều như cầm dao đằng lưỡi khi liên tục bị "xù" hợp đồng. Kéo theo đó là cả khiếu nại của khách hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước vì chậm giao hàng.

Gạo: Thị trường "tài nguyên giá rẻ" của Trung Quốc

Những năm qua, Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 6,74 triệu tấn gạo, đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan và theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), năm 2014 Việt Nam tiếp tục giữ vị trí này với 7,2 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, ở nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu lại có khoảng cách khá xa so với mặt bằng giá gạo thế giới và trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất.

Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng từ 400 USD đến 450 USD/tấn, tùy loại, thường kém gạo cùng phẩm cấp của Ấn Ðộ, Thái-lan, Pakistan từ 50 USD đến 75 USD/tấn. Thậm chí, vào thời điểm giữa năm 2013, giá gạo 5% tấm của nước ta đã rơi xuống đáy khi phải chào bán với giá 365 USD/tấn. Bởi vậy, dù giữ vị trí cao về sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại không tương xứng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 40%). Năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khoảng 250.000 tấn nhưng từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đẩy mạnh nhập trên 2 triệu tấn mỗi năm (theo đường chính ngạch), khoảng 1 triệu tấn theo đường tiểu ngạch. 5 tháng đầu năm nay, 50% đơn hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam là từ Trung Quốc, với con số 600.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ẩn chứa hậu quả khôn lường cho phía Việt Nam.

Giám đốc Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) Hồ Minh Khải cho rằng, việc chúng ta quá chú trọng vào số lượng đã trở thành điểm yếu để Trung Quốc khai thác trong mấy năm qua. Chúng ta đẩy mạnh tăng vụ, khai thác tài nguyên quá mức nhưng nông dân không được lợi, do được mùa thì thương nhân Trung Quốc tìm cách làm giá để trục lợi. Người Trung Quốc vào tận đồng ruộng, nắm lịch thời vụ, tình hình thị trường… còn rõ hơn cả người VN. Từ đó ép giá, mua rẻ.

Nhưng rủi ro lớn nhất, theo ông Khải là Trung Quốc có thể ngưng mua bất cứ lúc nào, họ chỉ là “khai thác tài nguyên giá rẻ” của Việt Nam mà thôi. Nếu họ ngưng đột ngột như cách vẫn làm với nhiều loại nông sản khác, chúng ta sẽ cực kỳ rủi ro.

Những "người khổng lồ" chân đất sét khác

Không chỉ gạo, điều mà nhiều mặt hàng nông sản khác như sắn, cao su, cà phê... cũng là những "người khổng lồ" chân đất sét của Việt Nam.

Thống kê số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho thấy: Nhóm mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn, cao su là nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc dù Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn; đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su.

Theo ông Phạm Vũ Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2014 tổng lượng sắn lát tồn kho của Việt Nam vào khoảng hơn 300.000 tấn. Tinh bột sắn là 150.000 tấn. Nguyên nhân tồn kho chính được cho là do sắn Việt Nam bị phụ thuộc chủ yếu vào duy nhất một thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc trong tháng 5/2014 đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm 2014 giá trị xuất khẩu đạt hơn 427,7 triệu USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu 2013. Thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Trong khi đó, đối với cao su, năm 2013 mặc dù gặp bất lợi do giá giảm nhưng xuất khẩu cao su vẫn đứng trong nhóm 3 mặt hàng đạt kim ngạch cao nhất trong nhóm hàng nông sản, sau gạo và cà phê. Tuy nhiên, dường như khó khăn với cao su xuất khẩu vẫn chưa dừng lại.

Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,2% về lượng nhưng giảm 12,9%  về giá trị do giá xuất khẩu giảm mạnh. 5 tháng đầu năm 2014, lượng cao su xuất khẩu đạt gần 251 nghìn tấn với kim ngạch đạt hơn 491 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 36,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang chạy đua với các nước về danh hiệu xuất khẩu gạo đứng thứ nhất thế giới, chạy đua danh hiệu một trong những nước xuất khẩu hàng đầu mặt hàng cà phê… Nhưng do mải mê dành "chức vô địch” về sản lượng thì lại quên bẵng mất việc nên làm là phải đạt giá trị cao trong sản phẩm xuất khẩu.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho biết, nông sản Việt Nam đã rơi vào điều tối kỵ khi bỏ trứng vào một giỏ, lệ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc.

PGS TS Nguyễn Văn Nam phân tích, các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế, chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Gạo Việt Nam nhiều, Trung Quốc có nhu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cứ thế mang đi bán, không thiết lập được chuỗi giá trị, thiết lập được bạn hàng chiến lược.

"Tương tự, cao su, cà phê... cũng đều ở dạng sơ chế nên chỉ còn cách bán đổ bán tháo cho thị trường Trung Quốc, vốn dễ tính và có sức mua lớn", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Theo ông Nam, khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ doanh nghiệp Trun Quốc sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết.

Theo Báo đất việt


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang